13-10: Tôn vinh ai? Vì cái gì? Suy ngẫm
Một bà tạp hóa hay chị tiểu thương có phải là doanh nhân? Một ông giám đốc làm thuê có phải là doanh nhân? Một người làm “sếp” ở công ty nhà nước có phải là doanh nhân? Nên “tôn vinh” ông chủ tịch HĐQT quanh năm đi nghỉ mát và hầu như không biết gì đến chiến lược công ty, hay phải trao hoa cho vị trợ lý đang ngày đêm lèo lái công ty và vật lộn với đủ mọi khắc nghiệt của thương trường?...
Nhất thiết phải xem xét khái niệm "doanh nhân" trong mối tương quan chặt chẽ với khái niệm "doanh nghiệp". Điều đáng mừng là khái niệm "doanh nghiệp" đang được hiểu theo cùng một góc nhìn trên khắp thế giới, đó là một tổ chức làm kinh doanh (business of business is business). Mà kinh doanh thì được hiểu là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần có người lãnh đạo - người có đủ tư duy và tầm nhìn, trí tuệ và tư tưởng, bản lĩnh và sức khỏe… để có thể dẫn dắt cả tập thể thực hiện thành công sứ mệnh mà doanh nghiệp đã tự đặt lên vai mình. Và người lãnh đạo đó chính là doanh nhân.
Một doanh nhân đúng nghĩa phải là người cùng doanh nghiệp mình đáp ứng được cả một chuỗi trông cậy của cộng đồng. Bắt đầu từ việc thấu hiểu được xã hội để từ đó, nhìn nhận được những vấn đề cần phải giải quyết. Trách nhiệm kế tiếp là phải sáng tạo ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Rồi biến các giải pháp ấy thành sản phẩm, thành dịch vụ để đưa vào cuộc sống nhằm thúc đẩy xã hội đi lên một cách tốt đẹp hơn. Lúc đó, sản phẩm và dịch vụ của doanh nhân và doanh nghiệp ấy sẽ trở thành phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội.
Bất cứ một xã hội nào cũng chứa trong lòng rất nhiều vấn đề cần được giải quyết. Điều quan trọng và cũng là yếu tố xác lập vị thế của một doanh nhân là khả năng nhìn nhận vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề ấy. Chẳng hạn, trước vấn nạn kẹt xe đang làm điêu đứng cuộc sống của người dân các thành phố lớn, doanh nhân này có thể triển khai hệ thống mini-bus để giảm thiểu lượng xe máy, ôtô đang chèn cứng đường phố. Doanh nhân kia có thể xúc tiến đề án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện treo. Doanh nhân nọ có thể cung cấp cho xã hội những chiếc xe đạp điện vừa tiết kiệm, vừa gọn nhẹ có thể len lỏi giữa những đường phố nhỏ hẹp, lại bảo vệ môi trường. Doanh nhân khác lại mở rộng đô thị...
Khi giải quyết vấn đề của xã hội một cách hiệu quả nhất, cũng chính là lúc công việc kinh doanh thành công nhất. Và như thế, doanh nhân được xã hội nể trọng, lợi nhuận thu được cũng tương xứng với những gì mà họ đã bỏ ra.
Hiểu như thế để thấy rằng không phải cứ bỏ tiền ra mở công ty là mặc nhiên trở thành doanh nhân. Hiểu như thế để thấy rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu". Việc làm thuê hay làm chủ; làm doanh nghiệp to hay làm doanh nghiệp nhỏ; làm chức lớn hay giữ chức khiêm tốn; làm nhà nước, tư nhân hay nước ngoài... thì vẫn có thể là những doanh nhân thực thụ và xứng đáng được mọi người tôn vinh.
Nói đến việc tôn vinh doanh nhân, người ta hay liên tưởng đến một huyền thoại doanh nhân thế giới, Henry Ford - người đàn ông đã "đặt cả thế giới lên bốn bánh xe". Thước đo sự kính trọng, sự tôn vinh đối với doanh nhân của cả thế giới đã gặp nhau ở một điểm: điều quan trọng không phải là số tiền mà Henry Ford kiếm được lớn chừng nào, công ty của Henry Ford to ra sao, mà quan trọng là ông và công ty của ông đã mang lại cho xã hội cái gì, cái đó có góp phần làm thay đổi xã hội và làm cho cuộc sống của con người tốt lên hay không.
Cuối đời mình, Henry Ford rút ra bài học dành cho những người kế nhiệm: "Một cuộc kinh doanh không mang lại gì cho xã hội mà chỉ kiếm được tiền là một cuộc kinh doanh tồi tệ". Điều đó thật sự đáng để chúng ta suy ngẫm. Xã hội, và sau này là lịch sử, sẽ rất công bằng. Một doanh nhân chỉ thật sự được tôn vinh khi với tài năng giải quyết vấn đề của mình, người ấy đang cùng doanh nghiệp làm cho xã hội này tốt đẹp hơn lên mỗi ngày.
Giản Tư Trung