Biết tôn trọng người khác là một loại mỹ đức Suy ngẫm
Biết tôn trọng người khác là yêu cầu tối thiểu của làm người. Thực sự làm được tôn trọng người khác, chính là một loại cảnh giới, một loại mỹ đức.
Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”.
Câu nói ấy nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn trọng người khác. Một người khi kết giao với người khác, nếu như có thể hiểu về họ, tôn trọng họ, vậy thì người đó cũng sẽ được người khác hiểu về mình và tôn trọng lại mình gấp trăm lần. Người thông minh, ưu tú thì đối với bất kể ai cũng sẽ tôn trọng. Tôn trọng cấp dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng khách hàng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
Tất cả mọi người đều khó có thể là người hoàn hảo, cho nên chúng ta không có lý do gì để dùng ánh mắt “ở trên cao” để đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt “xem thường” để đi làm tổn thương người khác. Nếu chính bản thân mình, ở một phương diện nào đó kém hơn người khác thì cũng không cần dùng “tự ti” và “ghen ghét đố kỵ” đi thế chỗ cho “tự tôn”. Chỉ có học được tôn trọng người khác mới có thể giành được sự tôn trọng từ người khác đối với mình. Cho nên, tôn trọng người khác, kỳ thực chính là tôn trọng bản thân mình.
Ngày nọ, một ông lão ăn mày quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi khó chịu đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ rõ thái độ ghét bỏ và khó chịu với ông ta.
Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay! Đi ngay đi!”
Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn thỉu và nói: “Tôi đến mua bánh ngọt! Loại nào là nhỏ nhất?”
Ông lão chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày, rồi cúi người thật sâu xuống, nói: “Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!”
Người ăn mày vẻ mặt thất kinh rời khỏi cửa tiệm, dường như anh ta chưa từng được đối xử tôn trọng đến như vậy lần nào trong đời…
Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”
Chủ tiệm bánh giải thích: “Mặc dù đó là một người ăn mày nhưng cũng là khách hàng. Ông ấy để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc tiêu những đồng tiền mà phải mất một thời gian lâu lắm mới kiếm được. Thực sự là rất khó có được! Nếu ông không tự mình phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?”
Cháu trai lại hỏi: “Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?”
Người chủ tiệm bánh nói: “Oh, ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải là đến ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải ông đã vũ nhục ông ấy rồi sao? Nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người ăn mày. Bởi vì hết thảy những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cấp cho.” Cậu bé nghe xong có phần hiểu nên gật gật đầu.
Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của nhà kinh doanh, tỷ phú Nhật Bản – Yoshiaki Tsutsumi. Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Năm đó, mỗi cử động của ông nội đối với người ăn mày đó đều khắc sâu vào trong tâm trí của tôi.” Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.
Có thể nói, “tôn trọng” người khác cũng không phải là sự lễ phép xã giao mà nó đến từ sự hiểu, yêu mến, thông cảm và kính trọng người khác được ẩn sâu ở trong lòng mỗi người. Tôn trọng ấy không có hàm chứa bất cứ sắc thái lợi ích nào, cũng không bị ảnh hưởng bởi thân phận hay địa vị. Bởi vì như vậy, mới là thuần túy nhất, chất phác nhất và cũng là sự báo đáp đáng giá nhất.
Có câu nói: “Lòng rộng một thước, con đường sẽ rộng một trượng”, hãy mở rộng tấm lòng đối xử với người khác! Bất luận là người mà bạn yêu mến hay là người mà bạn chán ghét, bất luận là bạn bè hay là kẻ thù, đều phải tôn trọng họ. Đây chính là một loại dũng khí, càng là một loại trí tuệ.