Từ "Happy New Year", cần hiểu rõ cái tôi là gì Suy ngẫm
Trong ca khúc xuân nổi tiếng của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA sáng tác năm 1980, thứ tự của hai đại từ You và I làm tác giả vẩn vơ thắc mắc: Sao không viết “I and You” mà lại là “You and I”? Sao Anh và Pháp với nền giáo dục tôn trọng và phát huy năng lực cá nhân nhưng khi nói và viết luôn đặt đại từ “tôi” đứng sau người khác, trong khi giáo dục nước ta hướng đến việc tôn trọng tập thể nhưng ta thường diễn đạt “tôi” đứng trước.
Nhóm nhạc Thụy Điển ABBA
Kết thúc bài viết, tác giả tự hỏi: “Liệu chúng ta có nên tự hỏi đến bao giờ việc đặt đại từ tôi đứng sau đại từ khác sẽ trở thành văn hóa của học sinh nước ta, sau khi các em ‘đã quên hết tất cả’?”.
Theo tôi, nếu trong giáo dục và văn hóa các em cứ được dạy và học dùng đại từ tôi đứng sau, trong xã hội cứ dùng thứ tự đó và quen dần thì có lúc sẽ có thói quen đáng có đấy. Điều quan trọng hơn hết là sau khi các em “đã quên hết tất cả” vẫn còn sự thấu hiểu “cái tôi” là gì.
Vì sự thấu hiểu “cái tôi” mới là căn cứ vững chắc cho các em dùng đại từ tôi thích hợp, lợi mình và lợi người. Và nhờ sự thấu hiểu cái tôi mà các em xưng hô khiêm tốn và trong lòng thật sự khiêm tốn, chứ không phải che giấu, đánh lừa thiên hạ.
Con người từ khi ra đời đã tồn tại cái tôi. Cái tôi còn được gọi bằng nhiều tên khác: cái ta, ngã, tự ngã, bản ngã… Sống trên đời, thế nào cũng có lúc ta đặt ra câu hỏi: “Cái tôi là gì?”.
Thấu hiểu cái tôi là cái cần thiết
Cái tôi được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cái tôi dần học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận. Cái tôi là sự tin tưởng mạnh mẽ rằng bạn là một cá nhân riêng lẻ.
Nếu không có cái tôi, không những bạn mà tất cả chúng ta sẽ rơi vào sự hoang mang suốt cuộc hành trình đi tìm bản thân mình. Mỗi người đều có cái tôi riêng, không ai giống ai, từ đó hình thành nên tính cách của mỗi người rất khác nhau, dù chúng ta cùng sống trong một xã hội. Và con người luôn cần khác biệt.
Thấu hiểu cái tôi có khi là cái đáng ghét
Cái tôi có vai trò trung gian hòa giải giữa những ham muốn vô thức và những tiêu chuẩn nhân cách và xã hội. Nhưng cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự, vì vậy con người luôn phải canh chừng cái tôi để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường, xây dựng và phát triển một nhân cách trưởng thành.
Dù thời nào, con người vẫn phải canh chừng cái tôi để uốn nắn, điều chỉnh, hướng dẫn nó khỏi đi chệch đường. Cái tôi dễ theo khuynh hướng tự do của bản năng, thích nổi loạn, bất tuân quy luật trật tự của trời đất, tác hại lên đời sống tinh thần, nên có nhiều người coi cái tôi là một cái xấu phải tiêu diệt.
Thalès de Milet, nhà triết lý Hi Lạp cổ, bảo rằng: “Công việc khó khăn nhất là nhận biết chính mình”. Bởi vì theo ông, chính những cái gần ta nhất lại là cái khó thấy nhất như lông mày, lông mi ở trước mắt ta… Cũng vậy, khó nhận biết vì cái tôi có quá nhiều lớp vỏ bao bọc: nghề nghiệp, chức quyền, tiền tài, của cải, nhất là ảo tưởng về chính mình… và còn được nuôi dưỡng bằng tự ái, tự mãn, mặc cảm…
Trong quyển “Les pensées”, Blaise Pascal cho rằng: “Cái tôi là cái đáng ghét”. Bởi vì theo ông, do tự ái và tưởng tượng, người ta thường cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Cuộc đời của nhiều người chỉ là một ảo tưởng liên tục, vì ảo tưởng nên người ta lừa dối nhau và tâng bốc nhau.
Cũng vì cái tôi, người ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và muốn người khác làm nô lệ cho mình. Mỗi người vì thế là kẻ thù và là bạo chúa của những người khác.
Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, cái tôi là nguồn cội lớn nhất gây đau khổ cho con người. Nhà Phật cho rằng không có cái tôi đích thực. “Cái gọi là ta” không phải là cái gì thường hằng, thuần nhất, mà chỉ do duyên hợp tức tập hợp nhiều thành phần tạo nên thể xác và tinh thần. Sai lầm nếu cho rằng cái tôi là cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc, tồn tại nằm trong sự vật mà không phụ thuộc vào cái khác.
Nói cách khác, có cái tôi là do con người nghĩ tưởng. Tức cái tôi chỉ là giả tưởng hư ảo, cần tan biến để thành sự thật là “vô ngã”. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người gây ra biết bao đau khổ bởi vì cái tôi phóng đại quá lớn của mình. Trong cuộc sống của mỗi con người, hắn ta có thể làm hại người và cả hại mình chỉ vì cái tôi không có thật do hắn dựng nên.
Rất mong nền giáo dục nước ta sẽ rút tỉa những gì thật cần thiết mà tôi nêu ở trên để dạy dỗ con em chúng ta về sự thấu hiểu bản thân mình. Để sau khi đã “quên hết tất cả” (ý nói đã thấm đậm văn hóa), các em xưng hô đại từ tôi luôn đứng sau và trong lòng các em cũng luôn khiêm tốn như vậy.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC