Đừng hờ hững với đời như bọt bể Suy ngẫm
Tôi chưa được đến Kim Tự tháp nên chưa phải trả lời những câu hỏi của con Sphinx, người canh giữ chân trời cho các pharaoh cổ đại tiếp tục ngao du ở thế giới bên kia. Nhưng tôi tự thấy mình lúng túng, không thể qua khỏi cuộc sát hạch của một đôi nhân sư nhỏ hơn rất nhiều ngự bên cổng chính vườn Luxembourg ở Paris. Ở đâu tôi cũng gặp những câu hỏi, tuổi càng cao, câu hỏi càng nhiều hơn và một số trong đó đã mãi mãi thành nan vấn, nghĩa là có thể mãi mãi sẽ không có câu trả lời.
Những câu hỏi làm tôi sợ hãi. Đó là cái sợ tự nhiên của bản năng con người, cũng do nguồn gốc của gia giáo dạy tôi phải biết tự trọng, là tự coi mình có trách nhiệm phải hiểu biết, phải giải đáp, nói thẳng ra là do thói kiêu ngạo bẩm sinh mà sợ. Nỗi sợ đầu tiên trong đời là những câu hỏi của thầy K., một ông thầy nghiêm khắc có tiếng, hay lấy thước đánh vào tay học trò có khi sưng tấy lên. Thời tôi còn là chú học sinh tiểu học, chuyện thầy đánh học trò là bình thường, phụ huynh chẳng những không oán trách mà còn đến nhà cám ơn thầy vì thương con mình mà cho roi cho vọt.
Không hiểu do định mệnh hay sao mà thầy K. luôn theo dạy lớp tôi từ lớp 2, lớp 3 cho đến khi tôi thi ri-me, hoàn thành cấp tiểu học cực nhọc. Nỗi sợ vì sĩ diện ban đầu của tôi đã thực sự biến thành nỗi sợ cái thước của thầy K. Những câu hỏi của thầy nhiều khi quá dễ ngay cả với tôi ngày đó. Chẳng hạn một phép cửu chương như bảy nhân chín bao nhiêu, vậy mà sao tôi thường trả lời sai. Đó là vì tôi sợ cái thước, sợ mình sai, một dạng khác của nỗi sợ cái thước. Khi thầy gọi tên tôi đã run bắn người lên rồi. Tôi không đến nỗi đần độn, trong gia đình các cô chú cũng bảo tôi thông minh, nhưng có tới một nửa những câu hỏi bài dễ cỡ đó làm tôi lúng túng.
Sau này khi đã già, có lần sang Pháp, ở Bordeaux, được anh bạn J. P. Chavanat là giáo viên tiểu học mời đến thăm cái lớp 2 thân yêu của anh. Trong một giờ lên lớp, tôi đã nói chuyện với hai mươi hai học sinh, chủ yếu là các em hỏi tôi, còn tôi thì trả lời. Vẫn còn những câu hỏi làm tôi lúng túng. Ví như một em người gốc Ý hỏi tôi: “Ông Thân ơi, ở nước Việt Nam của ông có ban đêm hay không?”. Tôi lúng túng vì câu hỏi lạ. Tôi trả lời sau một lúc suy nghĩ: “Có chứ, ở đâu mà chả có ban đêm!”. Em bé đứng lên hẳn hoi, nói với tôi: “Thưa ông, ở Bắc Cực có khi không có ban đêm ạ?”. Vậy tôi lại trả lời sai rồi, đúng hơn tôi đã đưa ra một nhận xét sai! Đáng lẽ tôi chỉ nói “có chứ” là đủ. Đằng này vì sợ bị coi là kém hiểu biết, tôi đã chuốc lầm lỡ vào mình.
Bước vào đời, tôi, đứa trẻ học lớp 3 vì sợ mà không trả lời được nhiều câu hỏi của một ông già. Khi đã là một ông già, tôi vẫn vì sợ mà trả lời sai câu hỏi của một em bé. Dù sao cũng buồn.
Những câu hỏi theo tôi suốt cuộc đời buộc tôi phải trả lời để đi tiếp cuộc hành trình lúc hào hứng, lúc tẻ nhạt. Nhưng tôi cũng có những câu hỏi của riêng tôi, vì thế mà cuộc sống của tôi thêm hào hứng và cũng thêm mệt mỏi. Đời là vậy, không mấy ai chịu ngồi yên khi còn những khúc mắc trong đầu chưa được giải thoát. Nhiều lúc tôi suy nghĩ: không phải cha ông nói câu nào cũng đúng. Như câu “ngu si hưởng thái bình”. Đó là một câu tục ngữ thậm tệ, nó xui người ta tự sát về mặt tinh thần, nhâm nhi cái dốt nát hoặc khiêm tốn giả vờ để lấy điểm, hiểu biết nhưng lại tự coi mình dốt nát mà lấy làm sung sướng vì được yên ổn, bàng quan với sự đời xung quanh. Chung quy cũng vì sợ cái thước đến mất hồn mất vía thì người đàn ông trưởng thành trong tôi lại sợ cái khác. Vì sợ mà người ta đã không muốn dấn thân.
Dấn thân là mạnh dạn đối mặt với những con Sphinx để bước qua một cái cổng, một bức tường, một chân trời. Nhớ lại câu thơ rất hay của thi sĩ Trần Dần: “Tôi thương những chân trời không có người bay”. Chân trời luôn có đó, luôn có những con Sphinx canh giữ, nhưng sao không có người bay? Vì người ta sợ cái giới hạn của bản thân, sợ sai lầm, sợ con nhân sư, sợ rơi bịch xuống đất, không có ngày quay lại cái tối thiểu là nơi mình đang yên ổn sống. Người ta muốn hưởng “thái bình” dù cái thái bình ấy như thế nào. Có thể đó chỉ là sự yên lành của cơm áo gạo tiền, ngày ba bữa no nê, cái yên ổn trong dốt nát và có thể trong tủi nhục, khoan khoái hưởng cái hôn với “đôi môi của người nô lệ” (ý thơ Phùng Quán).
Chừng mực nào đó, không ai là không muốn và không biết dấn thân. Nhưng sẽ ân hận suốt đời và có thể nào yên ổn nếu ta cho qua đi mọi thứ xảy ra quanh mình mà không đặt câu hỏi “tại sao?”. Mỗi câu hỏi dù vặt vãnh, nhỏ nhặt hay liên quan đại sự nhưng luôn có ý nghĩa dấn thân cũng như tình yêu cuộc sống.
- Tại sao, ngồi ngắm cảnh trong cái vườn hoa nhỏ, người ta lại ngang nhiên vứt mọi thứ xuống sông Sài Gòn, nơi các Chúa Nguyễn phải chiến đấu 45 năm mới qua được bờ bên kia, dòng máu đỏ trong lành lọc mọi độc hại của cuộc sống và cho ta những phút mơ mộng, thảnh thơi, coi sông như cái thùng rác? Làm như vậy, phải chăng người ta đang khạc nhổ vào sông Mẹ, tại sao?
- Tại sao người ta lại có thể ngồi lên ghế mà vẫn ngon lành ăn quà giữa chợ hay bên những đường phố đẹp và đông đúc, cũng như có nhiều kẻ thản nhiên ngồi xổm lên pháp luật mà vẫn nhởn nhơ?
- Tại sao nữ công nhân tan tầm chiều từ một xí nghiệp may thuộc khu công nghiệp lớn, những cô gái đáng lẽ ra rất xinh đẹp, yêu đời, lại gầy ốm, vật vờ, da mặt xanh mét trở về nhà trọ?
- Tại sao “ngói nâu, tường trắng, cửa gương”, chốn từng hấp dẫn “những linh hồn bằng học” (Huy Cận) là thế, mà lại có tới 20.000 em học sinh bỏ học đi lang thang?
Và những câu hỏi “tại sao” liên quan tới những chuyện đại sự: rừng đầu nguồn bị đốn chặt, tội ác vị thành niên, biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa… Hỏi chưa phải đồng nghĩa với trả lời và có thể chưa hoặc không được trả lời. Nhưng hỏi là quan tâm, là dấn thân, là biết trăn trở, không “hờ hững với đời như bọt bể” (Thi Hoàng). Khi còn muốn hỏi là người ta còn yêu, tuy đang yêu, không ai còn bình yên nữa. Không ai sợ rơi, “chân trời sẽ có người bay”.
Điều tệ hại nhất là khi người ta không còn muốn hỏi, muốn quan tâm. Đó thật sự là một nguy cơ, không chỉ cho đất nước mà cho mỗi người. Nó chẳng khác gì đàn chuột tưởng mình khôn ranh khi vui vẻ kéo nhau lên đỉnh cột buồm gặm thịt hộp và bánh mì lúc tàu đang gặp bão…
Nguyễn Quang Thân