Vì sao người Nhật lại thích xin lỗi? Suy ngẫm
Khổng Tử có câu: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích”. Khổng Tử cho rằng: “Lòng người quân tử thản nhiên thư thái, còn kẻ tiểu nhân thường lo lắng không yên”.
Người quân tử hành động theo lý lẽ, cho nên lòng luôn bình thản; kẻ tiểu nhân hay lo được lo mất, suy tính thiệt hơn nên thường hay lo lắng bất an.
Thật ra, khác biệt chủ yếu tạo ra “thản nhiên thư thái” và “lo lắng không yên” là do mức độ tu tâm dưỡng tính của con người. Những người có tấm lòng rộng mở, biết đón nhận người khác, giúp đỡ người khác thì không cần phải tự gây áp lực cho mình, cũng chẳng cần phải rào trước đón sau, càng không có lòng đố kỵ, có thể mở lòng để đón nhận người khác, nghĩ đến điều tốt đẹp của họ.
Ngược lại, kẻ tiểu nhân cứ luôn lo lắng lợi ích của bản thân bị tổn thất, nghĩ cách chèn ép người khác, do không muốn hiểu mọi người, nên càng dễ trở thành cái gốc của mọi nỗi lo buồn: thường hay tự thấy khổ, tự cảm thấy nguy hiểm, tự xấu hổ, tự ti, tự hoài nghi…, thể hiện ở lòng dạ hẹp hòi, làm khó người khác, tự làm khó mình, hay lo lắng, khổ sở vì danh, lợi, tình, cả ngày bất an và không thể nào trở thành người quân tử có tấm lòng thư thái bình thản được.
Trong cuộc sống thực tế, chúng ta ở trong một xã hội với đủ loại người đa dạng, muôn hình muôn vẻ, mọi người tự nhiên sẽ “gần quân tử, xa tiểu nhân”.
Trong công việc, học tập và cuộc sống, chúng ta thường sẽ gặp phải rất nhiều việc không vừa ý, nhất là khi gặp những người không hiểu lý lẽ, trong lòng sẽ nghĩ: Mấy người này mau tránh xa mình ra! Thế nhưng nếu chẳng những không tránh xa họ, mà ngược lại suy nghĩ xem bản thân mình sai ở đâu, cũng như nói một tiếng xin lỗi với đối phương, mong họ tha thứ thì đây mới gọi là “quân tử bình thản” được.
Tôi làm việc ở trung tâm kiểm soát máy ATM của Hội sở ngân hàng Nhật Bản, chúng tôi thường xuyên phải giải quyết các vấn đề rắc rối cho khách hàng. Một ngày nọ có một vị khách cực kỳ tức giận đến làm ầm ỹ với chúng tôi vì khi ông này cho vào máy ATM một tờ giấy nhỏ và hơn 1 triệu yên làm cho máy không chạy nữa.
Hội sở lập tức cử nhân viên bảo trì chuyên nghiệp đi sửa chữa, tuy đã lấy được thẻ ngân hàng và tiền trả lại cho khách, nhưng qua mấy giờ đồng hồ kiểm tra và sửa chữa thì mới phát hiện ra tờ giấy nhỏ mà khách cho vào máy đã gây ra sự cố. Sau khi tìm ra nguyên nhân, cấp trên của tôi lập tức gọi điện thoại cho người khách nọ: “Mảnh giấy nhỏ của ông rơi vào khiến máy bị ngừng lại, thật lòng xin lỗi đã ảnh hưởng đến việc chuyển tiền của ông, mong ông thứ lỗi…”
Tôi vốn cho rằng cấp trên sẽ trách móc người khách hàng bất cẩn gây ra sự cố, không ngờ ông ấy lại liên tục xin lỗi khách hàng và mong họ thứ lỗi cho chúng tôi như vậy. Tôi khó hiểu hỏi cấp trên: “Chúng ta không có lỗi, là khách hàng đã sai mà, vì sao chúng ta còn phải xin lỗi chứ?”.
Cấp trên nói rằng: “Tuy rằng do mảnh giấy của khách hàng dẫn đến sự cố của máy, nhưng chúng ta nên nhanh chóng sửa máy để khách hàng chuyển tiền, đây là do chúng ta làm chưa tốt”.
Tôi vẫn không hiểu: “Máy gặp sự cố là do mảnh giấy của khách hàng gây ra, mấy giờ đồng hồ không tìm được nguyên do cũng không phải do chúng ta mà bởi vì mảnh giấy quá nhỏ thôi”. Tôi tự cho rằng lý do của tôi rất đầy đủ rồi, nhưng mọi người nghe xong, cả cấp trên và các tiền bối đều giải thích cho tôi một lúc lâu.
Tôi bình tĩnh suy nghĩ cẩn thận, khi người khách hiểu lầm, thậm chí là đẩy lỗi lầm cho mình, nếu có thể nhìn vấn đề từ góc độ của họ, nghĩ cho họ thì sao? Tôi nhận ra rằng bản thân thường hay nhìn thấy lỗi lầm của người khác, thích dùng cách bảo vệ bản thân để giải quyết vấn đề, như vậy thì mâu thuẫn sẽ ngày càng nhiều. Ngược lại, hãy tha thứ cho họ, thật lòng xin lỗi, “lùi một bước là biển rộng trời cao mà”!
Ngọc Trúc biên dịch