Tự hiểu mình hơn qua lễ hội Suy ngẫm
Ai đọc cổ tích Tấm Cám hẳn nhớ chi tiết mẹ con Cám ghét Tấm, ghen tị với Tấm muốn hành hạ Tấm. Biết Tấm thích đi hội làng, mẹ Cám trộn thóc lẫn với gạo bắt Tấm chọn xong mới được đi. Chi tiết đã quá quen thuộc nhưng chỉ hôm nay tôi mới hiểu. Sức lôi cuốn của lễ hội thật dai dẳng. Có một ma lực nào đó cứ lôi cuốn tôi mặc dù lý trí đã bảo tôi rằng không nên đi tìm ảo ảnh.
Mỗi năm mỗi có thêm những lễ hội tổ chức kém, luộm thuộm cẩu thả, nó là tình trạng chung của các hoạt động công cộng hiện nay. Và quan trọng hơn, trong một hoạt động được xem là thiêng liêng như thế, ở cả người tham dự lẫn người tổ chức laị thấy bộc lộ - khi len lỏi kín đáo, khi trắng trợn công khai - cả một quan niệm quá ư trần tục nếu không muốn nói rằng tầm thường xa lạ với văn hóa. Vào cái “Tháng giêng là tháng ăn chơi này”, đây là câu chuyện đầu miệng giữa mọi người và đã được báo chí khai thác dưới nhiều góc độ … cười ra nước mắt.
Vấn đề tôi muốn đề nghị mọi người cùng suy nghĩ hôm nay là tại sao lễ hội lại diễn biến theo kiểu đó, tại sao dần dà chúng ta đã làm hỏng lễ hội đi trong khi vẫn bị cuốn theo nó và có vẻ như không thể thoát khỏi nó.
Trong một công trình nghiên cứu được sự bảo trợ của Viện Harvard Yenching mang tên Sự biến đổi của tôn giáo và tín ngưỡng ở VN hiện nay (in 2006), ngay trong phần dẫn luận, người ta đã đọc được một nhận xét đại ý nói trong xã hội hiện đại, sự hồi sinh của tôn giáo kể cả hình thức sơ khai như các lễ hội các cuộc hành hương, cầu cúng… chính là một cách phản ứng của con người trước những thay đổi lớn lao mà nền kinh tế thị trường mang lại.
“ Có cung nên mới có cầu”. Như một phóng viên PLTP đã nêu trong bài phỏng vấn, chính những người đang đảm nhiệm thứ dịch vụ niềm tin --tức là các ban tổ chức-- đã biện bạch cho công việc của mình như vậy.
Nhu cầu nói ở đây trước tiên là trên phương diện tinh thần. Vào những ngày xuân trong mỗi con người chúng ta thức dậy cả một định hướng tâm linh. Muốn tìm tới phần sâu kín trong chính mình và chung quanh. Muốn hiểu. Muốn tự cắt nghĩa.
Trở về cội nguồn … Cố kết với cộng đồng thông qua các biểu hiện thờ cúng… Cân bằng đời sống tâm linh… Vừa sáng tạo vừa hưởng thụ văn hóa… Những luận điểm ca tụng lễ hội đã được các nhà nghiên cứu văn hóa ở ta nêu khá đầy đủ và nhiều người chia sẻ. Nhưng đó mới chỉ là một phần sự thực.
Nguyễn Văn Huyên từng viết trong Văn minh Việt Nam( 1944) “ Người Việt chỉ có những niềm tin mơ hồ”.” Đời sống tôn giáo của con người ở đây không lấy gì làm sâu sắc cho lắm “. “ Ở người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng chấp nhận hết thẩy và bắt chước hết thảy”. Ngày nay chúng ta vẫn chưa tiến được xa bao nhiêu so với con người mà Nguyễn Văn Huyên miêu tả. Gần như trong lòng mọi người đi hội, một mục đích kép đã được đặt ra-- đồng thời với việc hành hương văn hóa, ta đặt vào đấy khá nặng những nguyện vọng cá nhân như là cầu may và cầu lợi. Tâm lý cầu may vốn là bạn đường của những con người bối rối. Thế giới luôn luôn hàm chứa những bất trắc.
Cuộc sống còn nhiều bóng tối, người ta đánh mất cả niềm tự tin, thường xuyên họ cảm thấy họ chỉ là vật hy sinh của số phận. Cuộc truy đuổi vận may không biết có hứa hẹn kết quả gì không, nhưng có làm vẫn hơn. Những lực lượng siêu nhiên và cả những ngẫu nhiên bất chợt thành chỗ bấu víu cho những ảo tưởng. Bởi sự bất trắc cũng đang bao trùm trong việc làm ăn, nên khía cạnh cầu may cũng đã có mặt trong việc cầu tài cầu lợi. Thực tế là bao người tử tế vì không biết trơ tráo liều lĩnh làm càn vẫn thất bát, ngược lại làm bậy vẫn được, giỏi mưu mô xảo quyệt tự khắc giàu lên đùng đùng. Trong những lúc lắng lại đối diện với mình, những kẻ thành đạt bằng con đường gian dối không khỏi hoảng sợ. Cùng một lúc nẩy sinh hai tâm trạng. Một mặt lo bị trừng phạt, phải đi tìm thần thánh để hối lộ. Mặt khác tiếp tục phiêu lưu vào con đường tội lỗi, mong rằng cái vận may hôm qua nay lại gặp lại. Cầu cúng chính là một dịp nuôi dưỡng những tham vọng ngầu đục muốn tìm vào chỗ tăm tối của lễ hội để được nuôi dưỡng và an tâm sống tiếp. Tâm lý cầu lợi đang chi phối cả những người làm lễ hội đón khách cầu cúng. Bởi họ cũng chỉ như chúng ta. Ban đầu họ cũng say người vì những mục đich cao cả. Nhưng rồi cuộc sống hàng ngày chi phối, họ cũng sa đà vào cảnh buôn thần bán thánh, nhân danh sự thiêng liêng của lễ hội để làm chuyện lừa lọc.
Phan Kế Bính viết trong Việt nam phong tục” Xét cái tục hội hè của ta rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình”. Ông cũng nói thêm hội hè là dịp người ta chơi bời, cờ bạc, thanh niên bỏ cả công việc ở nhà đi hội, vậy thì “chẳng những vô ích mà lại hại cho làng xóm”. Để thoát ra khỏi tình trạng mà Phan Kế Bính cảnh báo, cần có sự nỗ lực của cả xã hội. Cần nghiên cứu những biến động mới trong tâm lý xã hội. Cần tìm ra những cách tổ chức mới cho nhu cầu vừa là giải trí vừa là hướng thượng cho con người. Mọi thứ mệnh lệnh không đủ, đến cả luật pháp nếu có chắc cũng bó tay. Cái mà chúng ta đang thiếu là văn hóa, không phải thứ văn hóa nặng về khoe mẽ và chiều nịnh nhau, mà là thứ văn hóa của trí tuệ.
Có điều là trong khi chờ đợi những chuyển mình của cả xã hội thì mỗi chúng ta vẫn như cô Tấm ngày nào, ngóng về lễ hội với nỗi bồn chồn không yên. Như tôi đã nói từ đầu, mặc dầu biết lễ hội đang bị biến tướng, nhưng tại sao mỗi người chúng ta vẫn vô cùng quyến luyến và nếu chưa được thả mình trong nó thì vẫn phải nghĩ về nó. Tại sao ? Là bởi chúng ta vốn yếu lòng. Ta sợ xa cách với mọi người. Bước vào cuộc sống hiện đại nhiều người vẫn lúng túng như gà mắc tóc mà không sao tìm được định hướng tâm linh đúng đắn. Một sự hốt hoảng trước tương lai đang bộc lộ mà không có cách gì che dấu.
Vương Trí Nhàn/ PLTP