Cha mẹ giàu có dạy tôi không ít điều về tiền bạc nhưng 7 bài học quý này tôi chỉ hiểu khi đã tự mình trả giá đắt Suy ngẫm
Toàn bộ thế giới của chúng ta đều xoay quanh tiền bạc.
Những kiến thức tài chính đầu tiên của tôi là đến từ cha mẹ. Họ là tuýp người giàu có nhưng truyền thống, luôn tin tưởng rằng cuộc sống lý tưởng chính là có được một công việc tốt, một ngôi nhà khang trang.
Dù cha mẹ đã dạy tôi không ít điều về tiền bạc, nhưng giống như hầu hết những người khác, có vài điều mà tôi chỉ hiểu ra khi tự mình trả giá đắt. Tài chính cá nhân luôn là một chủ đề khó, chủ yếu là vì nó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội ở mỗi giai đoạn. Đối với cha mẹ, những lời khuyên về tiền bạc mà họ dành cho tôi thực sự có hiệu quả vào những năm 90, nhưng chẳng còn phù hợp cho người trẻ tuổi bây giờ như tôi.
Dưới đây là 7 bài học quan trọng mà tôi đã rút ra trong quá trình trưởng thành có thể giúp bạn quản lý tài chính của mình tốt hơn.
1. Tài sản thông thường chính là một loại gánh nặng được ngụy trang
Đây là một trong những bài học quan trọng mà doanh nhân, tác giả nổi tiếng Robert Kiyosaki viết trong cuốn sách “Cha giàu, cha nghèo”. Rất nhiều người trong số chúng ta phải còng lưng gánh trên vai những món nợ được ngụy trang dưới dạng tài sản.
Từ nhỏ, cha mẹ luôn dạy tôi tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền thế chấp nhà. Tôi chưa từng nghĩ đây sẽ là một ý tưởng tồi, cũng như tự hỏi tại sao mình lại chỉ biết mua nhà bằng cách này.
Thế chấp nhà không phải là tài sản, mà là một loại trách nhiệm. Thế chấp nhà chính là một khoản vay. Bạn đừng bao giờ nghĩ mình sở hữu toàn bộ thứ gì cho tới khi bạn trả hết số tiền để có nó. Giả sử, bạn đột ngột không còn khả năng trả tiền thế chấp, hoặc hồ sơ tín dụng của bạn đang ở mức nguy hiểm, bạn có thể bị thu hồi nhà bất cứ lúc nào.
Điều tương tự cũng xảy ra với tiền thế chấp xe. Bạn sẽ có một chiếc xe đẹp để đi từ A sang B, nhưng số tiền nợ thì vẫn còn đó. Chẳng may nếu gặp rắc rối tài chính, bạn sẽ mất ngay chiếc xe của mình.
Tài sản là bất kỳ thứ gì bạn sở hữu, sinh lời hoặc có tiềm năng sinh lời cho bạn, chẳng hạn như chứng khoán, trái phiếu, các khoản đầu tư, tài sản, thiết bị. Thế chấp nhà và xe tạo ra gánh nặng, bởi chúng là những khoản nợ khiến bạn có thể mất tiền. Vì thế, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng.
2. Lạm phát lối sống là một điều có thực
Lạm phát lối sống là thuật ngữ để chỉ việc lối sống tăng lên theo cùng với thu nhập. Những thứ bạn coi là xa xỉ trước đây nay trở thành một nhu cầu không thể thiếu.
Cuộc sống khá đơn giản nếu bạn là một đứa trẻ: không phải trả tiền thuê nhà, không hóa đơn, không phải đi ăn tối với bạn bè, không nợ nần. Tuy nhiên, khi trưởng thành và kiếm được nhiều tiền hơn, bạn cảm thấy giá trị của đồng tiền giảm dần. Ở tuổi 11, 1 USD có thể khiến tôi hạnh phúc vì mua được kẹo, sôcôla, gà rán,... Giờ đây, tôi cảm thấy 100 USD cũng chắc khác nào 1 USD.
Dù kỹ năng quản lý tiền bạc giỏi đến mức nào, bạn cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn. Càng kiếm nhiều tiền, bạn càng chi tiêu phóng tay lên.
Chẳng hạn, bạn vô tình gặp được người trong mộng khi vừa được thưởng một khoản hậu hĩnh, vì vậy phải chi tiêu thêm cho việc hẹn hò. Sinh con cũng là một quyết định tốn kém. Khi bạn tưởng mình rốt cuộc cũng làm ăn khá khẩm hơn, bỗng nhiên chi phí kinh doanh bị đội lên - bạn thuê thêm nhân công, mua thêm vật liệu chất lượng cao, tái đầu tư.
Những thứ cần phải chi tiêu chẳng bao giờ hết, kể cả khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
3. Tiết kiệm để đầu tư, thay vì tích trữ
Ai cũng cần có một khoản dư ra để dự phòng những lúc khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu đây là lý do duy nhất để bạn tiết kiệm tiền, bạn đang bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Cha mẹ luôn nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của việc tiết kiệm cho những lúc khó khăn, nhưng trên thực tế, bạn sẽ chẳng bao giờ biết khi nào thì khủng hoảng tới.
Bạn phải bắt tiền sinh lời cho mình, hay nói cách khác - tiết kiệm để đầu tư. Bạn không cần phải mua cổ phiếu hay tài sản ngay lập tức - dùng tiền tiết kiệm để nâng cao năng lực bản thân cũng là một loại đầu tư.
Mỗi tháng, tôi đều để dành một ít tiền cho quỹ phát triển bản thân. Tôi dùng số tiền đó để mua các khóa học, tham gia các buổi đào tạo và mở rộng dịch vụ như một cách để khiến mình trở nên có giá trị hơn.
4. Một công việc tốt chưa chắc đã đảm bảo về mặt tài chính
Có lương không đồng nghĩa với việc bạn tự do về mặt tài chính.
Nhiều người nghĩ rằng có một công việc tốt với mức lương cao sẽ giúp mình đạt được tự do tài chính. Ngay cả bố mẹ tôi cũng nghĩ vậy.
Thế nhưng, làm sao bạn có thể gọi việc bán thời gian và kỹ năng có thể thay thế được cho chủ lao động là tự do được?
Mấu chốt của vấn đề nằm ở từ “có thể thay thế được”. Rất nhiều người trong số chúng ta hài lòng với những kỹ năng có thể thay thế được của mình. Chúng ta tin rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ và nỗ lực, chúng ta sẽ thăng tiến.
Thế nhưng, cuộc đời lại không dễ dàng như vậy. Mọi thứ đều có thể xảy ra. Bạn phải tỉnh táo trước nguy cơ bị cắt giảm hoặc sa thải có thể đến bất chợt.
Tự do tài chính là khi bạn đủ giàu để không phải liên tục bán thời gian lấy tiền, là khi bạn có những nguồn thu nhập thụ động giúp bạn linh hoạt hơn về thời gian.
Có nhiều nguồn thu nhập sẽ giúp bạn đạt được tự do tài chính, còn chỉ có mỗi lương thì không đủ.
5. Đừng cố gắng giải quyết rắc rối của người khác
Bạn có thể làm người tốt, nhưng đừng làm một kẻ ngu ngốc.
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi kết hôn, bắt đầu một dự án kinh doanh với đồng nghiệp hoặc bạn bè, hoặc đứng ra bảo lãnh cho ai đó. Làm như vậy là bạn đang gánh vác một phần trách nhiệm tài chính của họ, và nếu họ đang nợ nần chồng chất, bạn sẽ phải trả cái giá rất đắt.
Đứng ra đảm bảo cho khoản vay của một người bạn có điểm tín dụng thấp sẽ chẳng tốt đẹp gì nếu họ bị vỡ nợ. Cưới người không biết quản lý nợ tín dụng, cả gia đình sẽ phải đau đầu vì những khoản chi tiêu quá tay. Làm ăn với đồng nghiệp thiếu kiến thức sẽ khiến bạn phá sản nhanh hơn rất nhiều.
Nếu một người đang gặp khó khăn về tài chính muốn bạn giúp đỡ, hãy ứng xử khôn ngoan. Đừng bao giờ đặt mình vào tình thế phải trả giá cho những quyết định sai lầm của họ.
6. Quy luật lãi suất kép
Nếu muốn gặt hái thành công từ bất cứ thứ gì, hoặc đạt mục tiêu nào đó, bạn nên bắt đầu một cách khiêm tốt, vì hai lý do sau:
- Khi đang tiết kiệm tiền cho một mục tiêu nào đó, quỹ của bạn sẽ được tích lũy dần khi bạn đổ tiền thêm càng nhiều tiền vào.
- Bạn sẽ rèn được kỹ năng tăng trưởng - học cách làm thế nào để nhất quán trong việc tạo điều kiện để phát triển nguồn vốn của mình.
Lý do thứ hai hữu ích hơn cả, vì bạn sẽ học được một kỹ năng có thể áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn đang cố gắng.
Duy trì tính nhất quán chính là chìa khóa để làm giàu.
7. Giá trị thu hút của cải
Của cải chính là sự phản ánh cho giá trị mà bạn đem lại.
Đó là lý do vì sao các CEO luôn được trả được trả mức lương cao kỷ lục so với những nhân viên khác. Đó cũng là lý do mà tại sao lương khởi điểm của các kỹ sư luôn rất cao. Đó là lý do tại sao những người giàu nhất trên thế giới đều đúng như vậy.
Đừng nhầm lẫn giá trị với khả năng. Nhiều người trong số chúng ta có thể làm rất nhiều thứ, nhưng điều đó không khiến chúng ta trở nên có giá trị. Điều làm nên giá trị của một người là họ giỏi như thế nào trong việc giải quyết một vấn đề nan giải, và họ trông thuyết phục ra sao khi làm điều đó.
Hãy nâng cao giá trị bản thân bằng cách trở thành một người tài năng, xuất chúng trong việc giải quyết khó khăn và rèn luyện kỹ năng thuyết phục đối phương cho tốt.
Bài chia sẻ của học giả kiêm doanh nhân Reneé Kapuku - một cây viết hàng đầu về lời khuyên, nghệ thuật lãnh đạo, phát triển cá nhân trên Medium.
(Theo Medium)/Ngọc Hà