Có bao giờ bạn coi khinh người nghèo hơn mình? Suy ngẫm
Những người giàu có và hưởng thụ trên cái giàu có đó là đáng khâm phục, vậy thế còn những người lao động bình thường, cho dù vẫn còn khó khăn, nhưng họ không ngừng lao động, không bao giờ bỏ cuộc, họ có đáng được trân trọng không?
Đứa bạn tôi bất giác nói ra thành lời: “Trường học bây giờ đúng là cái xã hội thu nhỏ, chẳng khác gì luôn!” khi giờ đây nó đến trường từ chiếc ba lô, đôi giầy, cái điện thoại, cũng bị soi xét. Có lẽ đi kèm với sự phát triển của xã hội, phân biệt giàu nghèo là điều tất yếu, khi chỉ trong một tập thể nhỏ thôi, có người bố mẹ phải tiết kiệm lắm mới mua cho con được đôi giày, vài ba bộ quần áo đẹp mỗi năm, nhưng cũng có những người, chỉ cần tiết kiệm tiền tiêu vặt của mình chưa đến một tháng, cũng đủ để mua vài ba đôi giày kia rồi. Phân biệt giàu nghèo vẫn nằm ở đấy, chỉ có điều càng học cao lên, càng được tiếp xúc với nhiều người hơn, nhiều môi trường hơn, ta mới thấy nó thật sự rõ rệt.
Và cũng chính cái sự phân biệt này đã kéo theo những hành vi ứng xử mới, khi mới chỉ học cấp 3 thôi, nhiều bạn đã biết coi khinh, thương hại những người khác có hoàn cảnh không được khá giả bằng họ.
Ngày nay, khi mới chỉ bước ra hiệu sách, đập ngay vào mắt bạn đã là những cuốn sách với những tựa đề: 5 bước để làm giàu, 6 bước để trở thành triệu phú, 7 bước để trở thành Warren Buffett, 8 bước để trở thành ông nọ bà kia. Dường như giờ đây người ta đã lấy hình ảnh người giàu làm hình tượng đáng mơ ước. Tôi thiết nghĩ: những người giàu có và hưởng thụ trên cái giàu có đó là đáng khâm phục, vậy thế còn những người lao động bình thường, cho dù vẫn còn khó khăn, nhưng họ không ngừng lao động, không bao giờ bỏ cuộc, họ có đáng được trân trọng không?
Những người lao động, từ người bơm xe đạp, sửa xe máy, công nhân nhà máy, xí nghiệp, công trường xây dựng, người nông dân chân lấm tay bùn dưới đồng ruộng, hay người nhân viên văn phòng trong giai đoạn suy thoái kinh tế,… họ không có nhiều tiền, công việc của họ bình thường chứ không cao siêu, nhưng tôi tin họ vẫn đáng được tôn trọng, bởi lẽ họ vẫn tin vào lao động, bởi lẽ dù có bị đẩy đến hoàn cảnh khó khăn đến mấy đi chăng nữa họ vẫn không lựa chọn ngửa tay lên xin ai tiền mưu sinh. Dù chỉ là những phần nhỏ, đóng góp nhỏ, nhưng chính những đóng góp nhỏ đó vẫn phần nào đưa đất nước đi lên.
Những con người lao động nhỏ bé đó, có thể là người xa lạ, nhưng cũng có thể là chính bố mẹ, ông bà chúng ta, khi chúng ta biết để ý tới. Tôi có nghe câu chuyện của một người thầy giáo già, dù thầy đã từng dạy ở một ngôi trường chuyên danh tiếng ở Hà Nội, nhưng khởi điểm của thầy, ở ngay giữa thời điểm đất nước ta còn duy trì mô hình kinh tế bao cấp, không khỏi khó khăn. Lúc đó, để kiếm được tiền, thầy đã phải đi trên không biết bao nhiêu con phố, con ngõ của Hà Nội, dạy trong những lớp học chật hẹp, thiếu thốn. Động lực của thầy, như thầy kể, là để nuôi các con của mình khôn lớn, nên người. Thầy kết thúc câu chuyện trong nụ cười, và đôi bàn tay gạt những giọt nước mắt hạnh phúc, hạnh phúc khi nhìn thấy hai người con trai thành đạt.
Giọt nước mắt ấy tương đồng với hàng triệu giọt nước mắt khác của ông bà chúng ta, vượt qua cái nghèo khó của thời bao cấp, không ngừng cố gắng, giọt nước mắt của bao nhiêu cha mẹ vẫn lao động miệt mài, vẫn tích góp từng một, hai triệu mỗi tháng vì tương lai học tập của con. Tôi cũng không biết có nên so sánh những giọt nước mắt vĩ đại ấy với giọt nước mắt của những người con, người cháu đồng cảm và khâm phục những người đi trước mình không, nhưng tôi cũng tin vào cái giọt nước mắt của những đứa trẻ non nớt ấy, vì có lẽ, cũng như bố mẹ, nó không bao giờ bỏ cuộc.
Hạnh phúc đối với nhiều người là lao động là tận tụy cống hiến hàng ngày, hàng giờ, để chăm sóc cho gia đình, cho những người ruột thịt của mình. Nhiều người khác coi hạnh phúc là tìm được chỗ đứng, địa vị của mình trong xã hội bằng sự nỗ lực. Một người đã nói với tôi: Con người giống như những cái cây vậy, cây nào nhiều lá, thì dưới trời nắng người ta sẽ đứng trú dưới cái bóng của nó, nhưng cái cây trụi lá thì người đời chỉ bước qua nó một cách lặng yên, vô vị. Cái cố gắng đi tìm sự công nhận của xã hội đấy, đến nay nhiều người đã đạt được, còn nhiều người chưa…
Và cũng có biết bao con người khác, chưa tìm ra hạnh phúc đích thực của mình là gì, họ vẫn sẽ tiếp tục trên con đường tìm kiếm, nhưng tôi thiết nghĩ, có lẽ hạnh phúc không xa hơn gia đình của bạn là bao.
Theo VŨ HOÀNG LONG