Nghề thầy Suy ngẫm
Được cắp sách đến trường đã là hạnh phúc. Nhưng sẽ còn hạnh phúc bội phần khi có được những người thầy sẻ chia, nâng đỡ trên mỗi bước đường đời. Dù là cậu bé trường làng hay cô sinh viên trên giảng đường đại học, người thầy vẫn có một ảnh hưởng lớn lao không ai thay thế được.
Dễ hiểu vì sao những đứa trẻ vào lớp 1, vốn non nớt và thơ ngây, đã có thể tự tin và hiên ngang nói với bố mẹ rằng: "Thầy (cô) con bảo thế!" Nhất nhất những điều thầy cô dạy là đúng đắn, nói không giống thầy cô là nói sai. Dễ hiểu vì sao những đứa trẻ ở nhà vốn được yêu chiều, đôi lúc nhiễm thói ích kỉ độc tôn, chỉ đi học vài buổi đã biết quan tâm đến người khác, hỏi han ông bà, làm xúc động bố mẹ vì những "phát biểu" ngây thơ nhưng nhìn kĩ đã dần mang dấu ấn của những "người có học”. Mỗi ông bố, bà mẹ phấp phỏng gửi gắm thầy cô đứa con mình như phó thác một báu vật, một gia tài, cả xã hội đặt lên vai người thầy trọng trách không thể khác: người thiết kế tương lai cho dân tộc! Vị thế "người thầy" là thế, nên chỉ vài điều còn lấn bấn cũng đủ làm xã hội xao động, chạnh lòng. Cô con gái học lớp 3 của anh bạn tôi mất cả buổi lục tung tủ quần áo, theo đúng lời cô "phải chọn thứ còn mặc được giặt là cẩn thận" mang đến lớp, khấp khởi phần quà của mình sẽ phải đến tay những bạn nhỏ vùng lụt đang rét mướt. Thế nhưng đứa trẻ 8 tuổi ấy cứ băn khoăn khi thấy cô giáo thản nhiên nhặt một chiếc áo còn lành lặn trong phần quà chưa kịp gửi để... làm giẻ lau. Cô giáo có thể vô tâm quên ngay việc làm rất "bình thường” nhưng đứa trẻ thì nhất và khó ai có thể "lý giải" cho lọt tai về hành động "kỳ quặc" của một"vị thánh" trong tâm thức trẻ.
Cũng là chuyện lặt vặt ở đời, ai cũng có thể sơ suất, có thể rút kinh nghiệm. Nhưng “chạm" vào giáo dục "chạm" vào con người thì không phải là chuyện giản đơn. Khi sách giáo khoa liên tục đổi mớn khi chương trình xáo trộn thường xuyên, khi thế hệ tương lai bị đem ra làm "thí nghiệm" cho những lối tư duy nửa vẫn được chăng hay chớ thì nỗi lo ấy đã thành nguy cơ lớn với một đất nước có tới hơn 22 triệu người tới lớp Khi trường đại học "nở rộ" ở các địa phương tình trạng co kéo vì thiếu giáo viên là phổ biến, ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng của những cử nhân đào tạo vội vàng chắp vá? Những người thầy nặng lòng với giáo dục cũng trĩu nặng nỗi buồn khi bao vấn đề nổi cộm trong ngành còn chưa được tháo gỡ cho thấu đáo.
Suốt buổi chiều mùa đông cận kề ngày tôn vinh các nhà giáo, cử tri ngồi trước màn hình cũng sẻ chia thêm gian nan của những người thầy qua chất vấn nóng bỏng trên diễn đàn QH. Đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng, nhưng những thầy cô dạy mầm non vẫn ở "vòng ngoài” lương vài trăm nghìn phập phù "bíu" vào sự tự điều tiết của địa phương. Lương giảng viên đại học dù được quan tâm thì vẫn còn xa mới đủ trang trải chi tiêu, và lời hứa đến 2010, giáo viên sống được bằng lương vẫn là thách thức còn để ngỏ. Tình trạng nợ lương giáo viên hợp đồng ở không ít địa phương trong thời buổi giá cả leo thang đang đẩy không ít thầy cô vào cảnh dở khóc, dở cười. Giữa bao lo toan, gian khó, hàng triệu thầy cô vẫn hàng ngày đến lớp, đem tri thức và nhiệt huyết truyền đến học trò. Nói như một giáo sư, một nhà giáo kỳ cựu trong nghề dạy học: "phần” thưởng lớn nhất với người thầy là sự biết ơn và thành đạt của trò, thầy cô vẫn luôn đồng hành với những ước mơ của thế hệ tương lai. Chỉ cần có cơ chế hữu hiệu, đánh giá đúng năng lực tạo lập đời sống ổn định để nhiệt huyết cá nhân mỗi thầy cô trở thành động lực cho nền giáo dục nước nhà cất cánh.
Đỗ Chí Nghĩa