Im lặng chỉ là vàng, một khi bạn biết sử dụng nó! Suy ngẫm
Sau khi chứng kiến nhiều câu chuyện, tôi đã hiểu ra rằng việc tự biến mình thành Hello Kitty nơi công sở chính là hậu quả của những hiểu lầm trong môi trường làm việc. Nỗi sợ hãi đã khiến các bạn trẻ câm lặng, và rồi, thiệt thòi mà chẳng biết kêu ai!
Ông bà ta có câu: “Im lặng là vàng”. Rất nhiều bạn trẻ đã áp dụng lời dạy này vào công việc. Nhưng rốt cuộc, vàng đâu không thấy, chỉ thấy sự im lặng giống như một loại virus phá hủy mọi mối quan hệ, cơ hội và cả công việc của mình. Rốt cuộc, lời ông bà sai hay chúng ta sai?
Trong công việc, suốt hơn 10 năm qua tôi đã có cơ hội cộng tác với rất nhiều bạn trẻ, sinh viên cũng có, mà ra trường cũng có. Giới trẻ Việt Nam nhìn chung rất năng động, ham học hỏi, nhưng cũng có rất nhiều bạn phạm phải một sai lầm chết người khi đi làm: Tự biến mình thành những chú Hello Kitty “không có miệng” ở công sở, xem im lặng là vàng, rốt cuộc tự chuốc cho mình rất nhiều thứ đáng tiếc.
Nhưng rốt cuộc là tại sao?
Sau khi chứng kiến nhiều câu chuyện, tôi đã hiểu ra rằng đó chính là hậu quả của những hiểu lầm trong môi trường công sở. Nỗi sợ hãi đã khiến các bạn trẻ câm lặng!
Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất và phổ biến nhất của các bạn trẻ ở công sở chính là: Sếp! Mà chẳng cứ gì là bạn trẻ, nhiều người đi làm đã lâu vẫn luôn xem sếp là “ông kẹ” công sở. Người lao động nhìn chung vẫn e ngại khi nhìn vào một quyền lợi của mình: Quyền được đối thoại, ngay cả là với ông sếp bự nhất!
Một ví dụ đơn giản mà tôi từng trải qua: Ngày trước tôi từng tuyển một bạn trẻ có background khá tốt, là sinh viên giỏi của một trường đại học thuộc hàng top. Gặp nhau bàn bạc, trao đổi công việc, bạn cứ dạ dạ gật gật, rồi tự dưng sau đó lặn không sủi bọt, nhắn tin không trả lời, điện thoại không bắt máy.
Một thời gian sau, tôi tình cờ biết được bạn đi than vãn là bị tôi ép buộc làm việc quá sức (bạn chưa chính thức làm việc được ngày nào), bạn không kham nổi deadline nên tự rút không làm nữa , nhưng lúc giao deadline bạn chỉ gật đầu dạ dạ, khi được hỏi ý kiến cũng dạ dạ gật gật. Tôi đương nhiên là sửng sốt vô cùng, nhưng ngay lập tức hiểu ra bạn này thuộc vào kiểu bạn trẻ mới đi làm nào.
Đó là bạn mang điểm yếu rõ ràng về mặt giao tiếp.
Cốt lõi nhất của làm việc là mạnh dạn trao đổi với nhau. Nếu thấy có bất cứ điều gì vướng mắc thì cứ mạnh dạn nói ra. Nhưng nhiều người lại chọn giải pháp im lặng, bất mãn, rồi nghỉ việc. Trong khi câu chuyện hoàn toàn có thể diễn ra theo một chiều hướng khác!
Hành động này xuất phát từ tâm lí nhiều người cứ nghĩ: Sếp là những kẻ chả bao giờ quan tâm bạn bận rộn thế nào hay đang có khó khăn gì, họ chỉ muốn kết quả, nếu bạn không thể đáp ứng yêu cầu thì xin chào tạm biệt. Tôi nghĩ đúng là có kiểu sếp này tồn tại trên đời, nhưng đây hoàn toàn là kiểu quản lí không hợp lý.
Những người quản lí có kinh nghiệm thừa hiểu rằng nhân sự nào cũng là một con người với cuộc sống riêng của họ. Vì thế trong công việc, họ luôn cân bằng giữa đòi hỏi và thực tế, cụ thể như thế này:
Tôi muốn anh làm cho tôi 10 điều này – đây là mặt lí tưởng, nhưng người quản lí tốt luôn hiểu rằng về mặt thực tế có thể có rất nhiều phát sinh: Thời gian để thực hiện cần dài hơn vì lí do ABC, hoặc nhân sự này chỉ có thể thực hiện được 8 điều vì lí do XYZ.
Môi trường làm việc tốt luôn là sự điều chỉnh hài hòa giữa đòi hỏi và thực tế, giữa sự cố gắng hết sức của nhân viên và sự cảm thông lẫn dẫn dắt động viên của người quản lí. Đó cũng là lí do vì sao không phải người có tài nào cũng có thể làm sếp. Tài năng đòi hỏi IQ, nhưng khả năng quản lí còn đòi hỏi cả EQ nữa.
Chính vì thế, các bạn trẻ hãy hiểu rằng sếp chỉ đặt ra cho bạn bài toán A chứ không phải là mệnh lệnh A. Mà “làm toán” thì chúng ta cùng làm. Khi sếp hỏi: Em có gì muốn trao đổi không? Thì đây chính là lúc để bạn đưa ra ý kiến phản hồi: Bạn nghĩ mình có thể giải được bao nhiêu %, mất bao lâu, cần thêm trợ giúp gì…
Sếp không phải là ông kẹ công sở, người mà nhất nhất chỉ ra mệnh lệnh hay chực chờ vùi dập bạn như ngáo ộp yêu ma. Bạn có quyền đối thoại, trao đổi với sự cầu tiến và cố gắng hết mức.
Trường hợp của bạn gái mà tôi vừa kể chỉ là mức nhẹ nhất của việc áp dụng sai câu “Im lặng là vàng”. Nhưng đáng tiếc là cô bạn này mất đi cơ hội mà bạn chưa bao giờ được nhìn thấy, thành ra có thể với cô ấy nó chẳng mang lại bài học gì.
Nhưng với nhiều bạn trẻ khác, việc áp dụng sai lời ông bà dạy: “Im lặng là vàng” lại mang đến khá nhiều hậu quả. Đó là với các bạn đã thực sự ở vào môi trường công sở và sống với nó mỗi ngày.
“Hello Kitty” công sở thường im lặng trước những điều mà lẽ ra cần phải trao đổi vì trong họ còn rất nhiều nỗi sợ hãi khác.
Không hỏi những vấn đề mình chưa biết
Nhiều sinh viên đi làm thêm hoặc mới ra trường và lần đầu bước vào công sở thường hay được khuyên rằng “Im lặng là vàng”. Lời dạy này thường được phiên ra thành: Đừng có dại mà thắc mắc quá nhiều kẻo bị chửi, bị khinh. Sự im lặng bỗng chốc bị đánh đồng thành thụ động, khép mình.
Trong khi lẽ ra nó phải là thái độ cầu thị khôn ngoan mà không cần đến mồm mép tép nhảy. Bạn không nói nhưng phải quan sát, không nói nhiều nhưng phải hỏi đúng trọng tâm đâu là chỗ mình còn mơ hồ. Đó mới chính là ý nghĩa thực sự của câu “Im lặng là vàng”!
Thực ra phân tích tâm lí của những người trẻ đi làm là công việc khá phức tạp và cần nhiều giấy mực.
Không lên tiếng thắc mắc còn có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Sợ bị chửi ngu dốt là một phần, nhiều bạn trẻ không lên tiếng hỏi còn là vì nghĩ… mình đã biết tỏng hết rồi. Cuối cùng, dù không biết gì hay nghĩ mình biết tuốt đều có thể dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.
Đến khi hậu họa ập tới mới chống chế yếu ớt: “Tại em không biết?”. Không biết tại sao không hỏi?
Nhưng thực ra, có sai sót xảy ra để thức tỉnh đã là chuyện may. Vì có làm thì có sai, sai mà biết sửa thì thành ra lại tốt hơn. Có những kẻ ăn may dù không hỏi han thắc mắc gì nhưng hậu họa không xảy ra nên càng lúc càng tưởng rằng “ngu si sẽ hưởng thái bình”.
Nhưng họ không hiểu rằng việc im lặng thụ động nơi công sở sẽ dẫn đến hậu quả không thấy được ngay trước mắt nhưng thực sự nguy hại về sau: Các bạn có thể làm đến vài năm trong một vị trí mà thực sự chẳng học hỏi được thêm điều gì, ù ù cạc cạc về lĩnh vực mình đang làm việc.
Làm việc tức là hướng tới sự phát triển chứ đừng chỉ mưu cầu sự ấm êm. Chính vì cứ mong đợi một chỗ ngồi ổn định nên nhiều người ngại hỏi, ngại vỡ ra vấn đề. Nhưng nếu thế, bạn sẽ không bao giờ tiến lên được. Hãy làm việc như cách mà Leah LaBelle đã nói: “Làm việc thật vất vả để đạt được thứ bạn muốn vì không thứ gì đến với mình mà không có sự đấu tranh.”
Không đề nghị những vấn đề quyền lợi cho mình, không thắc mắc về những thứ cảm thấy chưa hợp lí hoặc bất công.
Đây chính là hai khía cạnh khác mà các bạn trẻ thường e ngại nói đến. Không đề nghị những vấn đề quyền lợi cho mình, tại sợ bị đánh giá mới đi làm đã đòi hỏi này nọ. Không thắc mắc về những thứ mình cảm thấy chưa hợp lí hoặc bất công, tại sợ bị ghét, bị đuổi, bị trù dập cho chết luôn khỏi thắc mắc nữa.
Những trường hợp này lại phân công sở ra làm hai hạng người: Hello Kitty và “Bà nội thiên hạ”. Những người không bao giờ lên tiếng thắc mắc và những người lúc nào cũng sồn sồn đòi hỏi dù chưa thực sự làm nên cơm cháo gì.
Ở giữa hai kiểu người này chính là những người hiểu được sự khéo léo trong giao tiếp. Hỏi làm sao để là lời đề nghị chứ không phải yêu sách. Nói làm sao để là sự trao đổi chứ không phải là gây hấn.
Nhưng thực ra bạn cũng không cần quá lo lắng. Vì điều này hiếm khi là khả năng sẵn có, mà là hình thành qua kinh nghiệm. Tốt nhất vẫn là bạn cứ phải lên tiếng đi, cứ cân nhắc câu chữ, rồi dần dần sẽ học được cách giao tiếp tốt nhất.