Khi cuộc sống là trò chơi có tổng bằng không Suy ngẫm
Nhiều người rất chuyên nghiệp, thành công và không hề thiếu tiền, nhưng dường như lại thiếu một cái gì đó trong thế giới quan mà họ đang sở hữu nên vẫn mãi sân si?!
Câu nói phổ biến “không có bữa trưa nào miễn phí” trong giới kinh tế giải thích một ví dụ đơn giản của lý thuyết trò chơi tổng bằng không (zero-sum game), nghĩa là khi một cái gì đó bạn thấy có vẻ là miễn phí, nhưng thực ra phải có ai đó, ở đâu đó đang chi trả cho nó, và nó có thể được dành cho bạn. Lý do tại sao được gọi là tổng bằng không là khi các nguồn lực đều khan hiếm và cạnh tranh, mỗi sự tăng lên (tích cực) được bù đắp bởi một sự mất mát (tiêu cực) như nhau, và ngược lại. Trò chơi có tổng bằng không mang tính vật lý – chúng có thể không phải được tạo ra, cũng không biến mất mà chỉ thay đổi vị trí và chủ sở hữu!
Trò chơi tổng bằng không có ý nghĩa khi có một nguồn lực hạn chế đang được phân phối. Nhưng hạnh phúc hay thành công không phải là nguồn tài nguyên định lượng được đo bằng đơn vị. Thời gian là một nguồn lực hạn chế nhưng số lượng thời gian bạn chi tiêu vào một cái gì đó không phải là 100% tương quan với số lượng thành công hay hạnh phúc mà bạn nhận được. Một giờ bạn trải qua trên bàn nhậu cùng đối tác chưa hẳn sẽ được ghi nhận bằng giá trị của một bản hợp đồng được ký kết, nhưng một giờ bạn dành cho con cái, chắc chắn sẽ được in sâu trong những kỷ niệm đi suốt cuộc đời gia đình bạn.
Dường như có một niềm tin ngày càng lớn cho rằng tất cả chúng ta phải cạnh tranh với nhau cho nguồn tài nguyên khan hiếm, cũng có những khi bạn phải chọn lựa để tồn tại, rằng cuộc sống là do bản chất của một trò chơi có tổng bằng không chi phối, bỏ qua sự thật rằng đó là chỉ quy luật của tự nhiên.
Mỗi hạnh phúc theo đuổi đều đi theo cách riêng của mỗi người. Một số là ca sĩ tài năng, một số muốn trở thành hot boy, hot girl… những người khác chọn trở thành những nhà từ thiện thầm lặng, một vài kẻ bản lĩnh thậm chí từ bỏ sự nghiệp nhiều hứa hẹn để tự do bay bổng theo đuổi mơ ước của mình. Nhưng phải thừa nhận rằng không hẳn tất cả đều cảm nhận hạnh phúc trọn vẹn trong suốt cuộc đời của mình, không phải vì mọi người đều cạnh tranh với nhau mà là vì con đường quanh co do những thay đổi, thách thức bất tận của cuộc sống.
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng, cái gì tốt đến với người khác thì đó sẽ là điều mất mát đối với chúng ta. Tất nhiên, kiểu suy nghĩ này khập khiễng về mặt nhận thức nhưng nó lại hoàn toàn có thật khi hầu hết mọi người cho rằng cuộc sống là một chuỗi dài không dứt các cuộc thi. Là sự so đo khi ta nhìn thấy người khác thành công, nó nhấn mạnh thực tế là chúng ta chưa thành công! Là lòng ghen tỵ được dịp hớn hở khi thấy thất bại của người khác!
Một nghiên cứu thú vị cho rằng Facebook, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người, nhưng đem lại nhiều cảm xúc tiêu cực nhất, gây tâm trạng căng thẳng nhất so với các mạng xã hội khác như LinkedIn, Twitter, Myspace. Bị thất nghiệp, đăng trên mạng thế nào cũng có nhiều đứa mừng! Thấy hình thằng bạn đi bụi khắp thế giới, tự hỏi nó sinh ra từ kiểu bọc điều gì mà may mắn thế, sao mình lại là kẻ đẻ rớt! Nghe ca sĩ đình đám kia ly hôn, có kẻ cười rách mép, đáng đời cho tình yêu một thời được tung hô đình đám! Đọc bản tin cô người mẫu say xỉn chửi thề, lòng khôn ngoan tự hào mình chưa từng lỡ dại “like” cô ấy! Nhiều người rất chuyên nghiệp, thành công và không hề thiếu tiền, nhưng dường như lại thiếu một cái gì đó trong thế giới quan mà họ đang sở hữu nên vẫn mãi sân si?!
Có phải bất cứ khi nào, bất cứ ai khác thành công thì bạn chắc chắn thất bại? Giống như bất cứ khi nào một ai đó tìm thấy một đồng xu trên đường phố, bạn sẽ cảm nhận có một lỗ to trong túi của bạn chăng? Nó phụ thuộc vào cách ta đo lường sự thành công từ cảm xúc, vậy cuộc sống có phải là một trò chơi có tổng bằng không?
Theo DIỆU HƯƠNG