Kính gửi cụ Nguyễn Du Suy ngẫm
Nhân dịp về Hà Tĩnh vào ngày Giỗ lần thứ 196 của đại thi hào (10.8 ÂL)
Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh!
Con xin được gọi Cụ bằng danh xưng mà lúc sinh thời của Cụ, mọi người vẫn gọi một cách thương quý và kính trọng.
Trong ngày Huý kỵ lần thứ 196 của Tiên sinh, con xin được thắp nén tâm nhang, rót chén rượu nhạt rưới trên mộ Cụ (theo ý tứ của Cụ trong thơ)(1), và nhỏ giọt lệ máu để trình báo với Cụ chuyện dương thế đau buồn vừa qua, về những kiếp người của thập loại chúng sinh Cụ từng thương khóc.
Dòng sông Lam ngày đêm soi bóng núi Hồng Lĩnh như còn văng vẳng nỗi u hoài của Cụ: “Bách niên đa thiểu thương tâm sự” (Cuộc đời trăm năm biết bao chuyện thương tâm). Nhưng nỗi thương tâm lớn vừa đổ ập xuống quê hương Cụ, xuống dân tộc này, con chắc Cụ khó hình dung nổi… Cụ luôn luôn tự hào về dòng họ, về gia đình, như lời con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền khắc trên bia đá tưởng niệm Cụ Nguyễn Quỳnh: “Khi tưởng nhớ đến cứ dõi trông vầng nhật nguyệt/ Những lời truyền dạy sống mãi với núi sông này” (Cảm thời tuy nhật nguyệt /Truyền ngữ thử giang sơn); và bởi vậy Cụ lại càng xa xót quặn đau trước sự suy đồi của phong hóa, đạo lý từ trong tế bào gia đình tới thượng tầng xã hội – suốt trong thời của Cụ cho đến tận thời nay! Chuyện mua bán chức vụ, bằng cấp trắng trợn; chuyện không ít kẻ có quyền thế lẽ ra phải biết xót thương dân thì lại nhẫn tâm cưỡng bức dân lành, tận thu đến xương tủy kẻ nghèo rớt, đổi trắng thay đen; chuyện mua thần bán thánh, tranh cướp lộc ngay trong đình, chùa; rồi chuyện mẹ hành hạ con như kẻ thù, con giết cha, anh giết em, thầy hãm hiếp trò…; và mới đây nhất, chỉ sau bốn tháng Đại lễ kỷ niệm 250 năm sinh của Cụ được tổ chức long trọng tại thành phố Hà Tĩnh, cả một vùng duyên hải rộng lớn từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên – Huế bị đầu độc thê thảm, khiến những cánh bướm chết khô muốn vĩnh viễn yên thân cũng phải rùng mình vụt bay khỏi trang sách của Cụ, và Cụ thì chắc phải viết “Phản chiêu hồn” cho chính mình khi muốn đội mồ vùng dậy kêu trời! Không phải mất công đi tìm “Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”, kẻ gây ra đại thảm họa trên, “Đích danh thủ phạm tên là…Formosa”! Khắp vùng quê Cụ và các vùng quê lân cận giờ đây chắc chẳng có ai còn đủ sức lực lẫn tâm trí nào để Bói Kiều, Vịnh Kiều, Đố Kiều, hát Trò Kiều như hai trăm năm qua, khi nỗi lo lắng cho sự sinh tồn hàng ngày và tương lai đương đè nặng lên bao số phận vốn đã bấp bênh nay càng khốn khó, hiểm nguy!
Nhưng thưa Cụ, “Trong trường dạ tối tăm trời đất” ấy, biết bao ngư dân và nông dân nghèo khổ đến cùng đường đã chợt thức tỉnh Quyền sống, Quyền làm người của mình, không phải nhờ một chiến dịch tuyên truyền giáo dục nào mà chính là nhờ vào “bài học” cay đắng do bọn bá quyền đại Hán khát máu núp lưng mượn bóng Formosa vừa giáng xuống Biển – Trời – Đất Việt “một đòn chết bảy”! (Tên một bộ phim thần thoại Đức). Formosa, cùng nhiều dự án khủng lẫn các công trình lớn nhỏ có bàn tay Trung Quốc thọc vào đã và đang gây nên biết bao xáo trộn, đổ vỡ, nguy cơ rình rập trên khắp Đất nước ta ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, an ninh, quân sự… Đằng sau đó là âm mưu độc địa, là tham vọng dữ dằn của một chủ nghĩa căn tính sói chỉ hòng lăm le xé nát rồi ăn tươi nuốt sống thiên hạ mà Đất nước ta là miếng mồi ngon, vật hiến tế đầu tiên.
Trong “một cuộc đi về phía Bắc” (Bắc hành), ở cương vị một ông quan sứ, bằng “tấc lòng” đau đớn của mình, Cụ đã giúp người đương thời và người hôm nay phát hiện ra cái thực tại tang thương khốn khổ ở đất nước Trung Hoa, và có thể nói chính Cụ là một trong những người Việt đầu tiên quyết liệt giương ngọn cờ thoát Trung bằng sự giải ảo, giải thiêng chế độ phong kiến mạt kỳ và giải thiêng giải ảo Trung Hoa vô cùng đáng sợ được đại diện bởi những kẻ mà Cụ đã lột mặt nạ: “không để lộ nanh vuốt nọc độc nhưng ăn thịt người ngọt xớt như đường” (“Bắc hành tạp lục”). Vâng thưa Cụ, hậu duệ của bọn “ăn thịt người” ấy đang hiện diện tràn lan ở nhiều nơi hiểm yếu của nước ta, cùng với những hành động ngang ngược ở biển Đông, chúng bắt đầu lộ mặt là những kẻ tội phạm hủy diệt Môi trường đe doạ sự sống của 300 triệu dân thuộc 9 quốc gia, và quả bom Môi trường-Sinh thái có sức hủy hoại ngót 300 km biển và cuộc sống của hàng triệu người đã phát nổ kinh hoàng ngay tại quê hương của Cụ!
Vâng, chưa xa Ngày Đại dương Thế giới 2016, trên bãi biển chết hiện giờ, khi đêm xuống, con quái vật Formosa vẫn đang nhâng nháo thách thức bằng một lâu đài huyền thoại dát vàng, sáng nhức mắt một góc trời biển Đông, nó từng lừa bịp lấy mất cả hồn vía của những bậc “phụ mẫu chi dân” cao nhất địa phương này. (Và cũng có cả ngươì tình nguyện được lừa nữa!). Trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh của Cụ(2), đương kim Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự lúc đó, với lời phát biểu gần như mở đầu cho 127 bản tham luận của Việt Nam và các nước đã hồ hởi: “…trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực bứt phá, vươn lên đạt nhiều thành tựu vượt bậc…Thu hút đầu tư nước ngoài đứng ở hàng thứ 6 cả nước. Khu kinh tế Vũng Áng là một trong 5 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia… Tại đây, đang hình thành một trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất của cả nước với khu Liên hợp luyện thép 22 triệu tấn/năm, trung tâm nhiệt điện công suất 7.200 MW và cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương (59 cầu cảng, cho phép tàu từ 5 vạn đến 30 vạn tấn cập bến)…” (Kỷ yếu Hội thảo trên). Chỉ hơn nửa năm sau, người từng hân hoan tới độ “Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai” trước con quỷ dữ đội lốt người đã phải bẽ bàng, ú ớ trước báo chí chính thống: “Formosa đầu tư lớn, có ai ngờ…” (Tuổi trẻ Tp.HCM ngày 25.7.2016). Mọi người có thể tin rằng: quả thực ông ta không ngờ Formosa lại gây ra tội ác hủy diệt không gian sống của con người khủng khiếp đến thế (nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khẳng định “là một vụ đầu độc khổng lồ có dự mưu chứ không phải vô tình. Một thảm họa môi trường do con người gây ra với quy mô lớn như thế này chưa từng một lần xảy ra trên trái đất !” – Văn nghệ số 32 ngày 6.8.2016). Nhưng mọi người hồ nghi việc ông ta và các quân sư đã không “dò cho tới ngọn nguồn lạch sông” để nhận ra lý lịch bất hảo của cái tập đoàn từng được trao giải “Hành trình đen”, từng bị tẩy chay, nguyền rủa ở nhiều nơi trên thế giới và ở ngay chính quê hương của nó. Và chắc họ phải thừa biết, chống lưng đằng sau cái C.ty mang tên Đài Loan kia chẳng phải là “kẻ lạ” nào! Nhưng ông Võ Kim Cự và những người có trách nhiệm của tỉnh khi đó đã “cố đấm ăn xôi”, bằng mọi giá trải thảm đỏ rước “của nợ” khốn nạn tột cùng lưu manh đó vào Sơn Dương – Vũng Áng nhà mình, vốn là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển, mau chóng tạo những ưu đãi tốt nhất cho nó, bất chấp “quy luật phát triển bền vững, quyền lợi của dân, sự phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng tới môi trường, xã hội” – như những lời cửa miệng của họ!
Nhưng trong bao điều chê trách, đàm tiếu, phê phán “những kẻ mũ cao áo rộng”- như chữ dùng của Cụ, thực ra cũng có phần oan ức cho họ, bởi xét tận cùng, “sự cố Formosa”- theo cách nói giảm khinh của những nhà chính trị- chỉ là giọt nước làm tràn đầy cốc nước của thảm họa Môi trường-Sinh thái nhiều tập ở nước ta. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường ngày 24.8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ hiện giờ cũng phải khẳng định: tình trạng ô nhiễm môi trường bùng phát gần đây là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển, giờ bắt đầu bộc lộ.
Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh, con buộc phải nói ra cái sự thật này: Giữa lúc cả xã hội loài người đang xao xác tơi tả bởi những vấn đề Môi trường cùng các hệ lụy đau lòng bởi Môi trường bị tàn phá, Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, giữa khi con người trên khắp hành tinh đang bị Thiên nhiên trả thù đích đáng bởi sự thiển cận, độc ác, tham lam của chính mình, trong khi Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh sinh thái và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, thì những người có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường nước ta (cùng các Bộ-Vụ-Viện có liên quan) – nói như một nhà khoa học Môi trường Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy – trong nhiều năm qua “đã làm Môi trường mà không hiểu nội dung thực sự của Môi trường… Người ta mới chỉ làm chính trị về Môi trường chứ chưa làm Môi trường.”(3). (Cái tối kiến: “biển tự làm sạch”, cũng như hành động biểu diễn xuống biển chưa hết độc để tắm rồi ăn hải sản… cũng là những biến thái của lối “làm chính trị về môi trường”! Thậm chí, một vị quản lý cấp Bộ chắc cũng phải có bằng tiến sĩ khoa học đã trâng tráo bênh vực Formosa bằng sự bịp bợm chính trị: cá chết hàng loạt là bởi thủy triều đỏ, tảo nở hoa!). Suốt một thời gian dài (từ 1983 tới nay), nhiều lần nhà khoa học Môi trường giàu lương tâm nói trên đã kiến nghị với những người có trách nhiệm: vấn đề không chỉ là bảo vệ Môi trường, mà còn phải bảo vệ Tài nguyên và rất nhiều vấn đề khác quan trọng không kém của Môi trường, vì thế cần phải có Luật Môi trường! Nhưng tiếng nói của ông bị chết yểu, cho đến nay vẫn chỉ là Luật Bảo vệ Môi trường! (Hiện giờ mới đang có đề nghị đổi thành Luật Môi trường). Mọi hậu quả trước nay vẫn quy lại là do ”Bất cập đánh giá tác động môi trường”, mà thực chất chỉ là “những báo cáo ĐTM chung chung và hình thức”- như chính ông Bộ trưởng TN&MT đã phải thú nhận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của bộ này tổ chức vào ngày 18.7.2016.(Tuổi trẻ Tp.HCM ngày 19.7.2016). Những lần buộc phải thú nhận như vậy sau bao sự cố Môi trường cùng những lời hứa hẹn thề thốt nhiều như lá đa khiến mọi người liên tưởng tới một nhân vật của Cụ lúc “Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công”… Sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa học, quyền lợi nhóm đã khiến Sự nghiệp Môi trường của nước ta trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ, và là căn nguyên của cả một hệ thống chính sách sai lầm, kém cỏi (và, xin lỗi, ngu xuẩn) về các vấn đề Môi trường. Điều đó dẫn tới hệ quả là Môi trường ô nhiễm tràn lan, Thiên nhiên bị tàn phá không thương tiếc, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác bừa bãi phung phí khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến đứt ruột. Thưa Cụ, người ta đã tàn phá bãi biển miền Trung tuyệt đẹp vì khai thác ti-tan ồ ạt, những quả bom bùn đỏ treo lơ lửng ở Tây nguyên sẵn sàng đổ ụp xuống bất cứ lúc nào để dìm trọn cư dân vùng đồng bằng Nam Trung bộ, rác thải độc hại hàng ngàn tấn chôn lấp khắp nơi (nhức nhối nhất là rác độc Formosa ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh), việc xả nước đầu nguồn để phi tang ô nhiễm nhân danh thủy điện cuốn theo các chất độc hại về hạ nguồn, đầu độc tất cả nguồn nước sinh hoạt & sản xuất, hàng trăm ngàn ha rừng kể cả rừng bảo hộ lẫn rừng đầu nguồn khắp ba miền bị bán và bị xẻ thịt vô tội vạ, những “nạn nhân Thị Vải” tương lai đang thót tim chờ đợi số phận mình, những dòng sông từ Bắc vào Nam vốn ứ tràn phù sa bị bức tử nhiều lần, nay đang hấp hối, v.v. Còn biết bao minh chứng hùng hồn nữa mà con chưa kể đến!
Nhà khoa học Nguyễn Đắc Hy, trong công trình đồ sộ “Môi trường và con đường phát triển” đã phân tích khá kỹ lưỡng hai nội dung khái niệm: “Tài nguyên Thiên nhiên” và “Tài nguyên Con người” (“Tài nguyên con người” là một khái niệm đang được các nước tiên tiến coi là nhân tố hàng đầu của phát triển), cùng khái niệm “Lượng giá trị của tài nguyên” trong mối quan hệ khăng khít với Môi trường và những vấn đề kinh tế học của Môi trường… Đặc biệt, tác giả đã chỉ ra rằng: vấn đề tranh chấp Tài nguyên là điều vượt ra ngoài các hệ thống chính trị! Sau khi nói đến tình trạng khai thác bừa bãi vốn Thiên nhiên, vốn Con người suốt những năm qua, tác giả thốt lên: “vốn Tài nguyên đó của Đất nước nếu không biết quý trọng, không biết khai thác, quản lý một cách khoa học và có lương tâm thì sẽ có tội lớn với Dân tộc!” Ông đã bị lãnh đạo các cơ quan nhìn bằng con mắt ghẻ lạnh, thù ghét vì dám nói tới sự bất cập, phi lý trong chuyện khai thác các khu công nghiệp, sân golf… dẫn tới mất bao bờ xôi ruộng mật dành cho nông nghiệp, trong việc đầu tư, xuất khẩu lao động bừa bãi… Ông bảo: ở nước ta, người nghiên cứu kinh tế thường chỉ quan tâm đến đồng tiền nhảy múa mà bỏ quên vấn đề Tài nguyên (Thiên nhiên và Con người). Từ nguyên lý kinh điển của Adam Smith cách đây 3 thế kỷ (một học thuyết kinh tế cho rằng của cải một quốc gia gồm đất đai + vốn sản xuất + vốn con người, và đã chỉ ra mối liên hệ giữa những thay đổi của cải và tính bền vững của sự phát triển), tác giả “Môi trường và con đường phát triển” đã cảnh báo: “nếu một nước mà tài nguyên bị khai thác cạn kiệt hay dùng vào các mục tiêu công nghiệp, thương mại không cân đối với phát triển con người trong tương lai thì điều đó đồng nghĩa với suy thoái và nghèo đói.” Và ông khẳng định: “Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nơi nào mà các chỉ số bền vững về kinh tế – xã hội như: mức sống, sức khoẻ, văn hoá, dân số, tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường ngày một gia tăng nơi ấy sẽ tồn tại và phát triển. Chỉ có áp dụng đầy đủ các nguyên lý sinh thái học chúng ta mới có thể xây dựng được nền kinh tế xã hội bền vững”. (4)
Trong cuốn sách “Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI” của hai tác giả Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật) viết những năm cuối thế kỷ XX có những dòng trước hết “cảnh tỉnh” cho những nhà cầm quyền nước ta hiện tại: “Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta.” Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó… Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…” (5)
Thưa Cụ, điều này hẳn Cụ cũng biết rõ hơn kẻ hậu sinh: cái suy tưởng về giá trị vô song của năng lượng đạo đức – tinh thần – tư tưởng sẽ cứu rỗi thế giới đó, từ hơn hai nghìn năm trước, Đức Phật đã đề cập tới. Và trong kỷ nguyên năng lượng – khí hậu, nhất là trong thế kỷ XXI này, những vấn đề môi trường và phát triển trong mối quan hệ với tư tưởng & đạo đức lại được đặt ra một cách gay gắt hơn bao giờ hết. Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, người đoạt giải Hòa Bình năm 1964 đã từng nói: “Trong đống ngổn ngang hài cốt và tàn dư của nhiều nền văn minh, nổi lên một dòng chữ đầy nuối tiếc: Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng?” (6)
Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh, trong ngày Giỗ Cụ, con đã quấy quả Anh hồn Cụ quá nhiều, cũng bởi sự thôi thúc, kêu cứu từ hàng triệu đồng bào của Cụ và của con đang choáng váng, mệt mỏi, tuyệt vọng và hỗn loạn trước một đại thảm họa Môi trường-Sinh thái chưa từng thấy đã được báo trước liên quan tới sự tồn vong của giống nòi; và những người đã chết vì ngộ độc cùng các sinh vật Biển yểu mệnh đang trong cảnh ngộ vật vờ “Mà cô hồn biết bao giờ cho tan” như Cụ từng đồng cảm… Chắc chắn phải mất nhiều thập niên nữa, hệ sinh thái quý giá của thềm lục địa miền Trung may ra mới có thể khôi phục được ít nhiều! Trước giọt nước mắt đang lặng lẽ chảy của người phụ nữ ngư dân Kỳ Anh chưa biết mai đây sống ra sao khi biển chết không có thời hạn và trước đôi mắt ngơ ngác của bé gái bị thất học đang chờ bố suốt mấy tháng nay đưa anh trai đi phiêu bạt làm thuê, con lại nhớ đến nỗi xót thương vô bờ của Cụ đối với Thập lọai chúng sinh cùng những câu thơ Kiều rớm máu, những câu thơ như thầm nhắc nhở cháu con điều đơn giản song hệ trọng: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, cũng có ý nghĩa tựa lời nhắn gửi của hai học giả hiện đại nước ngoài nọ: “Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…”. Mà để làm được điều này, người Dân lại cần đến rất nhiều sự hỗ trợ công tâm, chính trực của một Chính quyền trong sạch biết thương Dân thực sự.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích nhiều và khẳng định chắc chắn về những giá trị văn chương bất hủ của Cụ; nhưng về phẩm cách Con người Cụ trên cương vị một quan chức trong hệ thống công quyền nhà Nguyễn còn ít được đề cập tới. Mà gốc rễ của phẩm cách đó, chính là tình thương Dân nghèo- kể cả người dân nghèo nước khác, và sự khảng khái của Cụ trước mọi nỗi bất công ở đời- xuất phát từ Sự thật và Lòng xót thương vốn là một căn cốt của đạo Phật, cùng một lương tâm không núi bạc núi vàng nào có thể mua được! Cụ được các thế hệ muôn đời sau ngưỡng vọng không chỉ bởi những áng văn “thiên thu tuyệt diệu từ”, mà còn bởi nhân cách đáng trọng như thế của một bậc “chăn dân” dù ở phẩm Tri phủ hay lên tới chức Cần chánh điện học sĩ, khiến không ít quan chức còn biết xấu hổ thời nay phải ngượng ngùng khi soi vào tấm gương đời Cụ. Đòi hỏi của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với người cầm quyền trong ngày Quốc khánh: “Cần lấy lại niềm tin trước sự rộng lượng của nhân dân”, cũng là nguyện vọng của hàng chục triệu người Việt hôm nay. Niềm tin ấy, như một tâm thế thiêng liêng của Dân tộc Việt Nam, chính Cụ cũng đã kêu gọi từ hơn hai thế kỷ trước: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi…”
Xin bái lạy Cụ và xin được hóa mấy vần thơ vụng tức cảnh trên mộ Cụ khi con về Hà Tĩnh, coi như lời truy điệu của cá nhân con trước Anh linh đại thi hào:
NGHI XUÂN
Bến sông ngợp gió Tiên Điền
Chòng trành đôi mảnh ngư thuyền dòng Rum
Đâu rồi đỉnh Hống xanh um
Chỉ còn giọt lệ bay trùm Hoan Châu
Cúi nhìn mặt nước trôi mau
Làm thơ chi nữa, thêm sầu Tố Như !…
***
KỲ ANH
Con đi qua huyện Kỳ Anh
Chợt nhớ Cụ, xót dân lành bơ vơ
Con thuyền chết lặng trên bờ
Rêu đen đang phủ xóa mờ đại dương
Bóng Người quanh quất đêm trường
Khóc cùng Dân, hóa chữ Thương ngàn đời…
______________________
1. Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/ Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi ( Sống mà uống chẳng bao nhiêu/ Chết rồi ai xách rượu theo rưới mồ)
2. Hội thảo quốc tế: “Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: Di sản và các giá trị xuyên thời đại”, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng UBND tĩnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 08. 8. 2015 tại Hà Nội.
3,4. Nguyễn Đắc Hy- Môi trường và con đường phát triển– Nxb CAND, HN 2013
5. Aurelio Peccei và Daisaku Ikeda – Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI – Trương Chính dịch, Nxb Chính trị Quốc gia, HN 2011
6. Dẫn theo: Phát triển bền vững trong tầm nhìn của thời đại – Viện Sinh thái và Môi trường- HN 2003
Hà Nội – Hà Tĩnh tháng 9/2016
Mai An Nguyễn Anh Tuấn