Một câu chuyện hay - một bài học sâu về "sắc" và "tròn" Suy ngẫm
Câu chuyện hấp dẫn dưới đây sẽ giúp bạn có được bài học sâu sắc để nên 'sắc'-tài và nên 'tròn' - đức độ để vừa vượt lên trên người vừa được lòng người.
Làm thế nào để vượt trên người thường, trở thành xuất chúng? Một bậc trí giả trả lời rằng…
Một anh chàng tầm thường đến gặp bậc trí giả xin thỉnh giáo làm thế nào để vượt lên khỏi người thường, trở thành xuất chúng. Bậc trí giả dẫn anh đến một lò rèn, chỉ một đống phôi sắt cho anh xem và nói: “Mỗi một phôi sắt đều rất bình thường, chẳng có gì khác lạ”. Nói rồi ông nhặt ngẫu nhiên một cái phôi lên đưa cho bác thợ rèn và nói: “Bác rèn cho tôi một thanh đoản đao”.
Bác thợ rèn quay bễ lò rèn, lửa hồng rực sáng, bác ném phôi sắt vào lò nung, đến khi phôi đỏ rực, bác gắp ra dùng búa quai lấy quai để. Sau đó lại nung đỏ rực lên, rồi ngâm vào nước lạnh, hơi nước bốc lên nghi ngút với tiếng xèo xèo cùng bọt nước phun lên. Cuối cùng, bác gắp ra, mài giũa rất tỉ mỉ cẩn thận một hồi. Một thanh đoản đao sắc bén lấp lánh đã ra đời.
Bậc trí giả cầm thanh đoản đao ném vào đống phôi sắt rồi nói: “Anh xem, nó vốn là một cái phôi sắt, không có gì khác với những cái phôi kia, sau khi tôi luyện, trui rèn, mài giũa, nó đã vượt hơn đồng loại, trở thành xuất chúng rồi.
Chàng trai bỗng đại ngộ: “A, muốn siêu vượt người thường, ắt phải rèn luyện bản thân trong ma nạn”. Từ đó, gặp khó khăn, anh dốc sức bền chí vượt qua, khắc khổ học tập, trong nghịch cảnh mà rèn giũa ý chí của mình. Cuối cùng, anh đã siêu phàm thoát tục, tài năng hiển lộ.
Nhưng chẳng bao lâu, anh lại chẳng vừa ý, lại đi gặp bậc trí giả nói: “Hiện nay năng lực của học trò đã vượt xa người thường rồi, tại sao làm việc vẫn không thuận lợi? Hơn nữa, người ta lại cứ gây trở ngại, khó khăn cho học trò?”.
Bậc trí giả lại dẫn anh đến bên dòng sông nước chảy xiết, dưới sông có rất nhiều đá. Bậc trí giả chỉ những hòn đá đó và nói: “Anh xem, những hòn đá có góc cạnh kia bị nước xối đập mạnh hơn những tảng đá tròn nhẵn rất nhiều đó!”.
Chàng trai lặng người ngẫm nghĩ một lúc, rồi như ngộ ra điều gì, cảm tạ bậc trí giả rồi trở về. Từ đó, trong công việc anh khiêm tốn, cẩn thận, chân thành đối đãi với mọi người, cộng thêm năng lực xuất sắc, tài năng sắc bén, anh nhanh chóng được mọi người tán thưởng, và được đưa dần lên các vị trí cao hơn.
Tài năng của người ta như lưỡi dao sắc bén, có thể giúp chúng ta thực hiện được bất kể công việc nào nhanh chóng thuận lợi.
Nhưng chúng ta sống và làm việc trong xã hội nhân loại, hầu hết công việc đều nằm trong các mối quan hệ giữa con người với con người: với đồng nghiệp, với cấp trên, với cấp dưới, với khách hàng. Nếu các mối quan hệ đó như những mớ bòng bong quấn chặt lấy chúng ta, thì lưỡi dao sắc bén kia cũng chẳng có không gian thi triển, như múa gậy trong bị.
Do đó, cần phải dọn sạch những dây rợ chằng chịt ngăn cản, bằng cách mài giũa những góc cạnh của mình, sao cho tròn, trơn, nhẵn. Những góc cạnh như cái gai trong mắt người khác, đó là khoe khoang tài năng, tự phụ tự mãn, kiêu ngạo khinh bạc, nóng nảy bộp chộp, tham lam ích kỷ, hư danh hão huyền, giả dối lật lọng, ăn ở hai lòng, nói năng hai lời, đối xử hai mặt. Đó chính là Đức.
Tài năng là công cụ sắc bén, còn đức hạnh mở ra không gian vô hạn để thi triển tài năng. Trong Tư trị thông giám , Tư Mã Quang có viết: “Trí Bá sở dĩ bị diệt vong là do tài năng vượt đức hạnh”. Tài và đức là hai thứ khác nhau, nhưng người đời thường không phân biệt rõ, đều gộp chung cả vào gọi là hiền tài, do đó nhìn sai người. Cái gọi là tài, là chỉ thông minh, óc quan sát sáng suốt, kiên cường, quả đoán, nghị lực. Cái gọi là đức, là chỉ chính trực, công bằng, đối xử hòa ái với mọi người. Tài là bổ trợ phụ giúp đức, đức là thống soái của tài năng.
Tóm lại là:
Cần rèn sắc (Tài), cần rèn tròn (Đức), bởi,
Có tròn mà không có sắc thì chả cắt được gì
Có sắc mà không có tròn thì ai cũng sợ bị cắt