Tin hot

Một suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời Suy ngẫm

   Tôi còn nhớ năm tôi lên sáu, một lần tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con người ta sống để làm gì?”. Câu hỏi ấy xuất hiện và ám ảnh suốt một thời gian dài trong đầu óc non nớt của tôi. Khi ấy, đối với tôi, mọi thứ chắc chắn phải có một câu trả lời duy nhất đúng.

   Tôi còn chưa biết rằng đó là một trong những câu hỏi lớn nhất từ bao đời nay của triết học, tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý học…, và trên đời này có rất nhiều câu hỏi chẳng bao giờ có lời giải đáp, hay nói một cách khác, chúng có vô số câu trả lời.

Ý nghĩa sự tồn tại của chúng ta là gì? Ta phải sống ra sao? Trong một bài báo của Adam Szostkiewicz trên tạp chí Poliktyka tôi mới đọc gần đây, tác giả giới thiệu học thuyết của Viktor Frankl (1905-1997), bác sỹ tâm lý học người Áo nổi tiếng thế giới, người từng được đề cử cho giải thưởng Nobel về hòa bình.

Viktor Frankl cho rằng con người cần đến một ý nghĩa trong đời. Cuộc sống sẽ làm ta đau đớn nếu con người cảm thấy trống rỗng trong sự tồn tại. Cuộc đời ông là minh chứng tốt nhất cho điều này, tiểu sử phi thường của ông chính là điều bảo đảm độ tin cậy cho những gì ông viết, khiến sách của ông trở thành bestseller ở nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ qua Nhật, từ Tây sang Đông.

Cũng như Sigmund Freud, bác sỹ Frank là người gốc Do Thái. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông mở phòng tư vấn tâm thần miễn phí cho thanh niên, công tác với các tên tuổi lẫy lừng như Freud và Alfred Adler. Năm 1938, những kẻ quốc xã lên nắm quyền ở Áo. Frank có thể bỏ trốn, ông có thị thực đi Mỹ, nhưng ông không muốn bỏ lại cha mẹ già. Ông được phép hành nghề bác sỹ tâm thần tới năm 1942, nhưng chỉ trong bệnh viện dành cho người Do Thái ở Vienna. Ông biết quân Hitler sẽ giết những người bệnh tâm thần nên đã đưa ra các bản chuẩn đoán giả cho bệnh nhân của mình để cứu họ.

Năm 1942, ông cùng cha mẹ, vợ và em trai bị bọn quốc xã bắt rồi đưa đến trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) và sau đó là trại Dachau (Đức). Chúng tịch thu quyển sách về lập trường của một bác sỹ trước những đau đớn của sự tồn tại mà ông bắt đầu viết từ trước khi bị bắt. Ý nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được đoàn tụ với gia đình và viết lại toàn bộ quyển sách đã giúp ông sống sót. Ông được người Mỹ giải phóng khỏi trại Dachau, trở về Vienna, được tin cha mẹ, em trai và người vợ đang mang thai đều đã chết trong các trại tập trung. Ông làm việc trong bệnh viện tâm thần, phục hồi lại cuốn sách đã bị tiêu hủy và viết cuốn tiếp theo: “Nhà tâm lý học trong trại tập trung”, cuốn sách đã mang tên tuổi của ông đến với thế giới. Hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông tái hôn. Viết lách, công việc và tình yêu – ông đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời ở đó sau những thảm kịch chiến tranh.

Viktor Frankl mở ra môn phái thứ ba của ngành tâm lý trị liệu Vienna mà ông gọi là môn liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) – bên cạnh môn phân tâm học của Freud và tâm lý học cá nhân của Adler. Logos có nghĩa là ngôn từ, đạo, ý nghĩa. Theo Freud, con người hướng tới lạc thú. Theo Adler – con người hướng tới sức mạnh, để cân bằng các mặc cảm thấp kém của mình (con người tìm kiếm sức mạnh trong cuộc sống, để tự giải phóng khỏi cảm xúc lệ thuộc mà mình trải qua trong thời thơ ấu). Còn Frankl thì khẳng định con người tìm kiếm trước hết là ý nghĩa trong cuộc đời. Ông muốn giúp những người sống đau đớn, những người khổ sở vì cảm giác trống rỗng trong sự tồn tại. Ông muốn ngành tâm lý trị liệu mang một gương mặt nhân bản.

Với tư cách là một bác sỹ và triết gia, Frankl đấu tranh với cái ông gọi là chủ nghĩa hư vô (nihilism). Ở đây, chủ nghĩa hư vô có nghĩa là sự hướng tới rút gọn hiện thực loài người về một hệ số nào đó – hệ số tâm lý, vật lý hay xã hội. Frankl cho rằng con người là một bản thể phong phú hơn, chúng ta không nên làm cho bản thể ấy nghèo nàn đi. Con người cũng là một bản thể tinh thần, chứ không phải chỉ là một sản phẩm và cơ cấu vật lý, tâm lý hay xã hội. Bởi vậy, con người không phải là con rối bị giật dây từ bên trong hay bên ngoài. Con người có khả năng làm được điều gì đó lớn hơn là chỉ đấu tranh sinh tồn. Con người tìm ra ý nghĩa trong đời và hướng tới các giá trị. Kinh nghiệm của Frankl và những người mà ông gặp trong những điều kiện khó khăn cùng cực đã cho phép ông có cái nhìn về con người khác Freud hay Adler.

Từ những trải nghiệm tinh thần ở trại tập trung được Frankl miêu tả, người ta tìm thấy cho mình bài học để vượt ra khỏi thế giới độc ác của cực quyền. Phải làm gì với cái lỗ đen của sự tồn tại? Điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc sống? Điều gì giúp ta tìm thấy sức mạnh tinh thần và tâm lý cho mình và người khác? Sống thế nào và sống để làm gì?

Bài học của Frankl không phải là bài học dễ dàng trong nền văn hóa tiêu dùng hàng loạt và chớp nhoáng thời nay. Nhưng Frankl không muốn rao giảng đạo đức, ông chỉ muốn giúp những người qua đường đang bế tắc tinh thần. Ông cảnh báo hai thứ thái quá: một là nhớ quá nhiều, nhớ hết tất cả những gì từng xảy ra với ta; hai là quá muốn rằng cuộc sống phải diễn ra thế này mà không thế khác.

Ông khuyến khích một cuộc sống hướng tới các giá trị, hướng tới tương lai, bởi vì ông nhìn thấy trong trại tập trung những người có cơ hội sống sót nhiều hơn là những người tin vào một điều gì đó: những người theo đạo, các nhà tư tưởng, các nhà hoạt động chính trị và xã hội, những người không chỉ nghĩ cho bản thân mình mà cố gắng giúp đỡ người khác, họ tin rằng họ có tương lai phía trước, họ sống vì ai đó hay vì cái gì đó, những người khi bị tước đoạt hết các điều kiện sống của một con người bình thường, vẫn luôn cố gắng hành xử một cách xứng đáng, không cho phép hủy hoại cảm giác tự do và phẩm giá của mình.

Không thể sản xuất, phát minh hay ban tặng ý nghĩa cuộc sống, chỉ có thể tìm thấy nó, bởi vì ý nghĩa cuộc sống tồn tại ngoài chúng ta, chúng tồn tại trong các giá trị nâng đỡ tinh thần con người, các giá trị mà những tù nhân của trại tập trung kia muốn phụng sự.

Tâm lý học và nền văn hóa hiện đại thường giảm thiểu tự do của con người, vén ra đủ mọi hình thức lệ thuộc của anh ta. Frankl đã lội ngược dòng: ông chỉ ra rằng con người luôn có thể lựa chọn giữa các hành xử xứng đáng và không xứng đáng, và bằng cách đó thực thi tự do của mình. Mặc dù có các hạn chế, con người vẫn tự do và điều quan trọng là anh ta hưởng lợi từ sự tự do đó.

Ngoài tình yêu, công việc và sự sáng tạo, Frankl xếp vào danh mục các giá trị cả sự đau khổ – khi nó không hủy hoại con người mà làm tinh thần họ lớn lên. Điều này xảy ra khi con người bắt đầu hiểu rằng mình không thể đạt được tất cả mọi thứ, và rằng việc bất toại ấy có thể phục vụ cho một điều gì đó tốt đẹp.

Văn hóa hiện đại dạy ta điều ngược lại: rằng chúng ta có quyền, thậm chí là nghĩa vụ, đặt ra các điều kiện và đòi hỏi trong cuộc sống. Nhưng nó không dạy ta phải làm sao nếu cuộc đời không cho ta đạt được những điều đó. Giá trị của sự đau khổ không có chỗ trong tủ thuốc cấp cứu của thời pop culture. Theo Frankl, ý nghĩa cuộc sống không phải là thứ hàng có thể mua, đặt, hoặc trực tiếp hướng tới. Ý nghĩa là kết quả của việc thực hiện các giá trị tồn tại ngoài con người, vượt quá các mục đích và nhu cầu đơn lẻ của anh ta. Những hành động mà anh ta thực hiện, những tác phẩm mà anh ta sáng tạo, tình yêu mà anh ta trải qua và sự đau khổ mà anh ta chịu đựng với lòng can đảm và phẩm giá – tất cả tạo thành giá trị của con người, vượt ra ngoài lợi ích và sự hữu hạn của loài người.

Theo các nhà tâm lý học thuộc trường phái Frankl, cảm giác mạnh mẽ về ý nghĩa cuộc sống là một trong các thành phần của tâm lý khỏe mạnh. Hạnh phúc chỉ là một hệ quả phụ của cảm giác rằng cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Bởi thế người không kiếm tìm hạnh phúc mà kiếm tìm và tạo ra các giá trị sẽ tìm thấy hạnh phúc nhanh hơn.

Dấu hiệu của sự trống rỗng trong tồn tại là sự buồn chán, khi người ta không biết phải làm gì với thời giờ rảnh rỗi và họ giết thời gian như giết kẻ thù, lao vào bất cứ một hoạt động hay cuộc vui nào. Có vẻ như đơn giản, nhưng nhiều khi rất khó dứt khỏi thế giới của chủ nghĩa tuân thủ (conformism) ấy. Theo dr Opoczyńska của Đại học Jagielloński, Frankl là một trong những bậc thầy lớn nhất của thế kỷ XX về giới hạn và khoảng cách. Không phải mọi thứ đều có thể, không phải mọi thứ đều cần thiết, không phải mọi thứ đều được phép.

Thay vì hỏi tại sao tôi bất hạnh – Frankl nói – hãy hỏi cuộc sống chờ đợi điều gì ở bạn và bắt tay vào việc đi.

Tags:

Tin tức liên quan

Gian nan hoạn nạn mới biết được lòng người
Tắm cho con gái, cha vô tình hỏi một câu, bất ngờ biết được bí mật giấu kín bấy lâu
Muốn thành công và giàu có, đừng bỏ qua lời khuyên đắt giá này của Donald Trump 
Đã mơ thì mơ hẳn tới những vì sao, nhưng hãy để đôi chân trụ vững dưới mặt đất
Một phút bạn làm được gì?
Điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời
Nghịch lý không thể ngược đời hơn của Người Việt.
Google
Đừng cố tỏ ra hạnh phúc, cứ sống thật với bản thân rồi hạnh phúc sẽ đến
Bao giờ chúng ta ngừng kiếm tiền và biết cách hưởng thụ?
Những tháng ngày tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều.
Làm người Việt Nam
Thống kê lực lượng đi làm và ăn bám ở Việt Nam
Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng
Sự nguy hiểm của một trào lưu
Sự khác nhau giữa bức thư gửi mẹ của người... tử tù và của CEO
Hệ lụy từ việc du nhập tùy tiện, thiếu văn hóa các lễ hội nước ngoài
Từ
Im lặng – Sức mạnh của kẻ thông minh hay sự lạnh lùng?
Gà con hỏi: ‘Sao ngày nào mẹ cũng phải đẻ trứng?’, gà mẹ trả lời thật là hay…
Tư duy tích cực - nguồn năng lượng tự nhiên vô giá
Nghiên cứu chứng minh: Càng học cao, lắm tiền thì cuộc sống càng ít hạnh phúc
Thôi kệ
Đừng hờ hững với đời như bọt bể
Đây là lý do tại sao bạn không nên tranh cãi khi đang tức giận
Đẹp và cái đẹp cần vinh danh!
Phạm phải 4 sai lầm này, tiền bạc sẽ mãi mãi rời xa bạn
Bức thư ông bố gửi con gái và bài học cuộc đời
Bố mẹ còn nghiện facebook bảo sao trẻ không sống ảo
Vì sao người Nhật lại thích xin lỗi?
Cái tôi – điều nghiệt ngã nhất của kiếp nhân sinh?
Những suy nghĩ của tôi về tiền và sự giàu có
Chỉ suy nghĩ nhị nguyên sẽ chẳng tiến lên được
Tại sao “giàu thì nó ghét”???
Vì cái Tôi vẫn còn hiện hữu nên không thể sống lặng lẽ
Bạn có dám khóa Facebook 1 năm để đổi lấy 5 điều tuyệt vời này không?
Tấm lòng thoáng đãng thì tiền đồ rộng mở
Năm mới suy nghĩ về hai chữ Phúc và Đức
Năm mới, mong gì? làm gì?
Đầu độc tổ tiên,
Bản chất vi diệu của lời khen: Có thể người ta khen là để dò xét, cảnh cáo bạn đấy nhé!
Đời người ai cũng có 4 giai đoạn khắc nghiệt nhất, nhưng không phải ai cũng toàn vẹn trải qua.
Người tâm lượng hẹp hòi thì cuộc sống khó suôn sẻ
Dừng lại đi những tâm hồn méo mó!
Đừng cảm thấy tồi tệ thay tôi, khi tôi làm gì đó chỉ một mình!
Biết tôn trọng người khác là một loại mỹ đức
Sự thật khắc nghiệt của cuộc sống mà chúng ta đừng cố ... tự lừa mình!
Tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp
3 việc tuyệt đối không nên giúp người khác
hotline
0917123113
chat Facebook
zalo