Tại sao cần biết lúc nào nên im lặng và lúc nào nên nói ra. Suy ngẫm
Người thông minh không phải là người luôn biết mình cần nói những gì, mà còn phải biết khi nào nên im lặng.
Im lặng không có nghĩa là không nói gì khi ai đó đang trò chuyện với bạn hay thụ động, dửng dưng với mọi thứ xung quanh.
Im lặng chính là lúc bạn cần cảm nhận nhiều hơn về các sự vật, nguyên nhân – hậu quả và quan trọng hơn, im lặng cũng là cách thể hiện cảm xúc của mình với người đối diện.
Nói ra hay im lặng đều phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng người và chỉ sử dụng khi cần thiết.
Thông thường “con người ta chỉ mất 2 năm để học nói nhưng phải mất đến cả đời để biết mình nên nói những gì”. Lời nói có tính sát thương cao, nói sai, nói không đúng sẽ khiến cho người nghe bị tổn thương. Nhưng nếu không nói lại là đồng lõa với sự tàn nhẫn và thói vô tâm.
Vậy đã bao giờ bạn cảm thấy hối hận vì những lời mà bạn đã nói ra hay có khoảnh khắc nào bạn nên nói thẳng mọi chuyện ra nhưng lại chưa làm được điều đấy hay không?
Dưới đây là một số lời khuyên giá trị giúp bạn xác định được lúc nào nên im lặng và lúc nào nên nói ra.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn thấu hiểu cảm xúc của chính mình để biết cách nói hay và nói đúng. Mời các bạn cùng tham khảo!
Khi im lặng là vàng:
Giữ im lặng có thể có sức mạnh bằng những lời mà bạn muốn nói ra, giống như một cái ôm có khi còn có giá trị hơn rất nhiều so với câu nói “Chia buồn cho sự mất mát của bạn”.
Một điểm khác của im lặng là vàng là khi bạn không chắc chắn phải nói điều gì.
Nếu cảm thấy bối rối khi cảm xúc của bản thân liên quan đến một vấn đề nào đó, tốt nhất là hãy giữ im lặng có tới khi bạn chắc chắn hơn bởi sẽ có nhiều thiệt hại xảy ra hơn khi bộc lộ những cái sai hoặc cảm xúc thái quá.
Chọn im lặng thay vì thốt ra những cảm xúc “nhất thời” có thể làm tổn thương người khác và đó cũng không phải cảm xúc thực sự của bạn. Khi cảm thấy bản thân bị thôi thúc muốn nói một điều không hay nào đó, hãy hít thở thật sâu và nghĩ về những hậu quả có thể xảy ra sau khi bạn nói điều đó.
Tốt nhất nên giữ im lặng khi một ai đó chia sẻ một câu chuyện có ý nghĩa. Hãy để họ cảm thấy họ được “lắng nghe” bằng những cái gật đầu im lặng và ánh mắt chia sẻ.
Sự im lặng có thể là người bạn tốt trong những cuộc đàm phán.
Hãy nói phần của bạn rồi im lặng để người khác có thể đưa ra kết luận của riêng họ. Im lặng cho thấy bạn tự tin về những gì bạn đã nói và thể hiện sự tôn trọng người đối diện bằng cách lắng nghe những điều mà họ đang nói.
Đôi khi sự im lặng là cách tốt nhất và đúng lúc nhất bởi vì người khác không ở trong vị trí lắng nghe điều mà bạn nói.
Ví dụ, khi một người bạn cần bạn lắng nghe cô ấy chia sẻ về vấn đề cá nhân, nhưng cô ấy lại không thể chấp nhận lời khuyên nào của bạn vào ngay lúc đó.
Hãy luyện tập thói quen giữ im lặng tại nơi làm việc khi bạn không có bất cứ điều ý nghĩa nào muốn đóng góp.
Trừ khi bạn có thể nâng tầm cuộc đối thoại lên bằng cách chỉ ra cái gì đó thú vị, thiếu sót hoặc có lợi ích, còn không thì tốt nhất bạn chỉ nên ngồi quan sát và học hỏi mà thôi.
Cuối cùng, im lặng là vàng khi bạn không muốn dính vào một cuộc tranh cãi ngớ ngẩn. Vì những chuyện cãi nhau vớ vẩn sẽ không bao giờ được giải quyết, một người phải đồng ý hoặc im lặng.
Khi cần nói lớn và rõ ràng:
Sẽ có những thời điểm trong cuộc đời bạn cần phải sử dụng đến sức mạnh của giọng nói. Tiếng nói bên trong bạn cần được tôn trọng và biết ơn.
Sử dụng giọng nói của bạn và nói ra khi cảm xúc của bản thân đang bị chà đạp.
Có rất nhiều chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng điều khiển câu chữ và cảm xúc cá nhân muốn truyền tải tới người khác thì hoàn toàn nằm trong quyền hạn của mình.
Thể hiện cảm xúc một cách rõ ràng và để mọi người biết rằng bạn coi trọng quyền lợi cá nhân của mình.
Nói giúp người khác khi họ không có tiếng nói hoặc không thể tự nói lên được vì lý do nào đó. Tiếng nói của bạn có thể là điều duy nhất giải cứu và bảo vệ họ khỏi sự tổn hại tinh thần.
Nói ra khi thấy một điều sai được thực hiện, vì sự im lặng có thể bị xem là đồng lõa với điều sai trái.
Nói ra là hành động chân chính nhất của nhân loại, vì cho tới những gì chúng ta được biết, chúng ta là loài động vật duy nhất có thể nói ra được suy nghĩ của bản thân.
Nói ra khi được hỏi về quan điểm cá nhân vì người hỏi rất coi trọng điều đó.
Cuối cùng, nói ra khi bạn muốn được lắng nghe. Cho dù ở nơi làm việc hay trong một mối quan hệ, nếu bạn tin rằng những điều bạn nói là có giá trị, đừng e ngại.
Khả năng nói ra chiếm một phần trong mức độ tự tin của bản thân, nhưng cũng như tất cả các kỹ năng khác, người ta chỉ cần rèn luyện thì sẽ trở nên tốt hơn.