Chỉ văn minh phần xác Suy ngẫm
Những vật vô tình đã dần làm chúng ta mất đi nhân tính. Chúng ta nâng niu chúng nhưng lại quay lưng vô cảm với đồng loại. Đó là mặt trái của công nghệ, hay đó là một câu trả lời thật đơn giản: Nếu không lấy văn hóa làm nền tảng, con người sẽ sống ngày càng man rợ!
Nhiều người đã giật mình khi nghe chuyện hai ông bà cụ muốn đến với nhau ở tuổi 91. Ở tuổi đó mà họ vẫn thể hiện sự trân trọng cuộc sống và tình người.
Ở phía ngược lại, chúng ta lại lạnh lưng với những vụ chém giết man rợ của nhóm côn đồ trên đê sông Đáy. Xa hơn nữa là chuyện cô bé xinh đẹp bị săm hình rết lên mặt, ba thanh niên trẻ tuổi vô cớ dội nước người đi đường...
Điều gì đáng giật mình hơn? Nên bước ra với cuộc đời mỗi sớm mai hay thu mình giữ lấy thân?
Một câu hỏi mà nhiều người đã không nghĩ tới: Sao các nước phát triển "lắm tiền nhiều của" mà người ta vẫn đầu tư rất nhiều vào văn hóa? Đương nhiên, họ không thích chơi trội như đám cưới đình đám của đại gia Việt. Với họ, danh tiếng luôn đi trước tiền bạc. Danh tiếng tự nuôi sống mình bằng chữ tín chứ không cậy nhờ vào đồng tiền để đánh bóng.
Tôi đã chứng kiến một người nước ngoài sang trọng vuốt thẳng từng tờ bạc lẻ khi trả tiền một tách cà phê. Trước đó, ông đã xin chút nước sôi để khuấy đều và uống nốt những hạt đường dưới đáy tách. "Một ứng xử văn hóa của một người văn minh", anh bạn ngồi cạnh tôi khi đó đã thốt lên như vậy....
Giờ đây, khi đời sống tiêu dùng đã phần nào bão hòa thì nhiều người mới thấm: Xế hộp để mang theo đao kiếm, máy tính để chat sex, sắm điện thoại sành điệu để con trẻ lột áo quay phim nhau. Trẻ em được chăm chút bằng phiếu bé ngoan để rồi ra đường nhập vào bầy sát thủ... Tất cả đều nói lên một điều: tiền bạc và công nghệ không thể làm thay phần việc của "bà mẹ văn hóa".
Phải chăng, càng hiện đại về phần xác thì lại càng man rợ về phần hồn. Tục săn đầu người của các bộ tộc có đáng sợ bằng việc thanh niên có học chặt người thành nhiều mảnh vứt mỗi tỉnh một phần? Tục hiến tế trinh nữ có man rợ bằng việc cưỡng hiếp rồi giết chết các cô gái? Thậm chí, có kẻ còn nhẫn tâm cưỡng dâm cả xác chết...
Tuy chỉ là một bộ phận trong xã hội nhưng ung nhọt đó đủ làm tê tái cả một cơ thể cộng đồng.
Tóm lại, văn hóa là cái không thể trao đổi trong đời sống tiêu dùng, không thể trực tiếp đáp ứng được những đòi hỏi quen thuộc mà chúng ta thường định tính là "miếng cơm, manh áo". Nhưng cao hơn bất kỳ sức mạnh, hay luật lệ nào, nó có thể kiểm soát được nhân tính.
Vào thời điểm cuộc sống còn đơn giản, kinh tế và công nghệ chưa phát triển, thực ra vai trò của văn hóa không lớn lắm. Bởi lẽ, con người có ít cái để tính, ít ham muốn và kiêng nể nhau. Thế nhưng, khi tất cả đã phát triển, tư duy lợi nhuận, sức mạnh cộng nghệ... dễ làm người ta lóa mắt.
Một chiếc ti vi công nghệ mới, mạng internet tốc độ cao đủ tạo nên một thế giới ảo khiến bạn coi thường tình cảm với người hàng xóm. Ngồi trong xe hơi sang trọng không còn cảm giác chạm mặt người qua đường. Kéo, thả màn hình cảm ứng có thể tâm sự không giới hạn, thay vì đến tận nhà thăm hỏi một người thân và cảm nhận cuộc sống của họ... Chúng ta đã tạo ra và rồi chính chúng ta lại bị vây hãm giữa bầy "quái vật" công nghệ đó.
Những vật vô tình đã dần làm chúng ta mất đi nhân tính. Chúng ta nâng niu chúng nhưng lại quay lưng vô cảm với đồng loại. Đó là mặt trái của công nghệ, hay đó là một câu trả lời thật đơn giản: Nếu không lấy văn hóa làm nền tảng, con người sẽ sống ngày càng man rợ!
Lâm Việt