Đạo và đức xưa và nay Suy ngẫm
Đạo đức, về mặt ngôn ngữ học, là một từ ghép gồm hai từ riêng biệt Đạo và Đức nhưng trong thực tế thường được hiểu như một khái niệm duy nhất là đạo đức với ý nghĩa “đạo đức là những quy ước được chế độ hoặc xã hội thừa nhận thế nào là thiện là ác, là tốt là xấu và cái gì con người nên làm, cái gì không nên làm…”. Hiểu như thế không sai nhưng chưa chính xác vì “Đạo” và “Đức” là hai khái niệm, hai phạm trù riêng biệt mặc dù rất gần nhau nhưng không phải là một.
Trong lịch sử nhân loại cho đến hiện nay ta nhận thấy hầu hết các thể chế chính trị – xã hội trên thế giới đều sử dụng đồng thời ba công cụ cơ bản để quản lý và phát triển, đó là Đạo đức, Pháp luật và Hệ thống chủ trương, chính sách của nhà nước. Trong ba công cụ đó, Hệ tư tưởng đạo đức chính thống bao giờ cũng là điểm xuất phát và là cơ sở cho việc hình thành các nguyên lý cơ bản để xây dựng nền tảng Pháp luật, bộ máy Nhà nước và hệ thống các chính sách kinh tế-xã hội tạo nên một chính thể thượng tầng kiến trúc chi phối, định hướng toàn bộ sự phát triển của đời sống kinh tế-chính trị-đạo đức-tư tưởng-văn hóa- giáo dục của mỗi quốc gia.
Khác với pháp luật là bắt buộc, đạo đức mang tính chất tự nguyện. Những gì mà chủ quan con người cho là tốt, là cần …thì đều được thực hiện mà không cần một sự cưỡng bách, ép buộc nào từ bên ngoài cả. Cho nên khi đạo đức xã hội được tôn trọng và duy trì thì nền pháp luật giản dị mà xã hội vẫn giữ được trật tự kỷ cương, bộ máy nhà nước không cồng kềnh mà vẫn có hiệu năng, các chính sách của nhà nước được thực hiện nghiêm túc mà không cần phải thanh tra, giám sát nhiều. Ngược lại, khi đạo đức xã hội suy đồi, thì luật pháp nhiều hơn mà xã hội vẫn bất ổn, bộ máy nhà nước phình to ra mà hiệu quả vẫn thấp, các chủ trương, chính sách của nhà nước thanh tra giám sát nhiều mà thực thi vẫn không đến nơi đến chốn. Vì vậy không thể coi thường sự suy đồi của đạo đức vì nó báo hiệu sự xuống cấp của văn hóa, sự bất ổn của xã hội, sự bất an của thể chế, sự mất kiểm soát của nhà nước mà nếu không cải thiện được thì cuối cùng tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.
Đạo đức, về mặt ngôn ngữ học, là một từ ghép gồm hai từ riêng biệt Đạo và Đức nhưng trong thực tế thường được hiểu như một khái niệm duy nhất là đạo đức với ý nghĩa “đạo đức là những quy ước được chế độ hoặc xã hội thừa nhận thế nào là thiện là ác, là tốt là xấu và cái gì con người nên làm, cái gì không nên làm…”. Hiểu như thế không sai nhưng chưa chính xác vì “Đạo” và “Đức” là hai khái niệm, hai phạm trù riêng biệt mặc dù rất gần nhau nhưng không phải là một. Tuy nhiên, ta sẽ không thay đổi cách hiểu như hiện nay mà chỉ làm rõ hơn từng khái niệm, thế nào là Đạo thế nào là Đức và mối quan hệ của chúng với nhau.
Người xưa thường hiểu “Đạo” là Đạo Trời. Trời là Vũ Trụ nên Đạo Trời tức là Đạo của Vũ trụ. Đạo là một từ cổ, có nghĩa là con đường đi. Ta có thể hiểu Đạo là con đường mà Trời vạch ra cho loài người, là Chân Lý tối thượng, là Quy Luật, là Luật của Vũ Trụ cho con người mà con người phải tôn trọng, phải hiểu để không vi phạm và biết tự điều chỉnh các hành động của mình cho phù hợp.
Còn Đức là gì? Đức là cách mà con người hành động. Có 3 thứ được coi là hành động của con người mà Đạo Phật gọi là Thân-Khẩu-Ý. Một là, hoạt động của bộ não (tư duy) sản sinh ra các ý nghĩ, ý tưởng, ý niệm, tư tưởng… được gọi là “Ý” ; Hai là, truyền đạt các ý nghĩ, tư tưởng ra bên ngoài cho người khác bằng lời nói hoặc chữ viết được gọi là “Khẩu”. Ba là, thực hiện các tư tưởng đó vào thực tế cuộc sống bằng các việc làm cụ thể được gọi là “Thân”. Trong ba yếu tố này thì quan trọng nhất là Ý vì không có Ý thì không có nội dung để phát ngôn và cũng không có định hướng để hành động. Mọi phát ngôn và việc làm của con người đều bắt đầu bằng suy nghĩ.
Bình thường, con người hành động theo cách mà nhận thức của họ cho là đúng. Đúng tức là chân lý, đúng tức là phù hợp với quy luật. Quy luật là Đạo, cho nên Đạo là định hướng của Đức, là kim chỉ nam cho Đức. Đạo là cội nguồn của Đức, là gốc rễ của Đức, là cốt lõi bên trong của Đức. Đức là kết quả nhận thức về Đạo được thể hiện ra bên ngoài bằng Thân Khẩu Ý. Vì vậy, Đức theo quan niệm của Đạo chính là đạo đức như đời nay chúng ta thường hiểu. Với cách hiểu như thế thì văn hóa là lớp ngoài cùng của đạo đức. Văn hóa là biểu hiện của Đức, Đức là biểu hiện của Đạo. Cho nên không thể xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, một nền văn hóa hướng tới Chân – Thiện – Mỹ trên cơ sở một nền tảng đạo đức suy đồi.
Con người càng hiểu đầy đủ và sâu sắc về Đạo Trời thì đạo đức của họ càng gần với Đạo. Giá trị đạo đức của một con người, nếu biểu thị bằng toán học thì giống như một phân số mà tử số của nó là đạo đức của người đó và mẫu số là Đạo Trời. Những vị tu hành đắc đạo thì giá trị đạo đức của họ bằng 1. 1 là sự đồng nhất đạo đức cá nhân của một người với Đạo Trời, đó giá trị cao nhất mà người đạt được có thể được coi như là Phật Bồ tát, là Đức Chúa, là Thượng Đế. Ngược lại, đạo đức của một người càng xa rời Đạo Trời bao nhiêu thì giá trị đạo đức của họ càng nhỏ đi bấy nhiêu.
TS Nguyễn Minh Việt