Gia phong thuần phác chính trực ắt sẽ dạy con thành hiền tài Suy ngẫm
Thành công của một người có 1% của năng khiếu và 99% là từ bản thân họ. Vậy nên, phương pháp giáo dục của bố mẹ là rất quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ.
Tể tướng đời Tống Lã Công Trứ có vợ là Lỗ Thị, bà khéo giáo dục con, từ nhỏ đã hình thành thói quen hành vi rất tốt đẹp, chí hướng khí tiết cao thượng coi nhẹ danh lợi. Do đó con trai là Lã Hy Triết, Lã Hy Thuần sau này đều trở thành bậc hiền tài.
Lỗ Thị, vợ của Lã Công Trứ xứng danh là nội tướng hiền năng, bà yêu cầu rất nghiêm khắc với các con. Từng chi tiết nhỏ trong đời sống thường nhật đều chú ý cặn kẽ.
Bà rất thích người con trai Lã Hy Triết, nhưng yêu cầu Lã Hy Triết từng lời nói, từng hành động hàng ngày phải tuân theo đúng phép tắc. Lã Hy Triết khi mới lên 10, bất kể nắng mưa nóng lạnh, cả ngày đứng hầu bên người lớn, người lớn chưa bảo ngồi thì không bao giờ ngồi, cứ cung kính đứng đó. Khi gặp người lớn, ông đều mũ áo chỉnh tề. Cho dù trời nóng thế nào đi nữa, thì trước mặt người lớn, ông không bao giờ cởi áo, bỏ mũ. Ra vào nhà đều rất chú ý đến cử chỉ hành vi bản thân.
Dưới sự dạy bảo của Lỗ Thị, Lã Hy Triết chưa bao giờ đến các nơi như quán rượu, quán trà, cũng chưa bao giờ nghe những lời thiếu giáo dục, càng không bao giờ xem những sách bất hảo. Từ nhỏ đã hình thành thói quen hành vi rất tốt đẹp, chí hướng khí tiết cao thượng coi nhẹ danh lợi.
Do Lã Công Trứ và Vương An Thạch rất thân thiết, nên Lã Hy Triết cũng có quan hệ tốt với Vương An Thạch. Năm đó Vương An Thạch đã khuyên Lã Hy Triết không nên theo đuổi công danh, không làm quan hưởng bổng lộc. Lã Hy Triết nghe theo lời của người bạn thân của phụ thân, từ đó không có ý thi cử làm quan. Sau này Lã Hy Triết nổi tiếng là người hiền tài, Vương An Thạch muốn bảo Lã Hy Triết ra làm quan.
Lã Hy Triết nói với Vương An Thạch: “Được tướng công biết đến lâu nay, nếu cháu làm quan sẽ không tránh khỏi có ý kiến khác với tướng công, thế thì bao ý tốt của tướng công bấy lâu nay sẽ mất hết”. Vương An Thạch nghe nói có lý thì cũng không khuyên ông làm quan nữa. Hai người đều coi việc giữ được tiết tháo cao thượng là quan trọng nhất.
Sau khi Lã Công Trứ làm tể tướng, hai em trai của Lã Hy Triết làm quan trong triều, đều có địa vị nhất định, chỉ có Lã Hy Triết vẫn là viên thư lại nhỏ. Lã Công Trứ thấy con trai thực sự là nhân tài mà lại không được sử dụng, vô cùng tiếc nuối nói: “Nhân tài trên đời ta đều sử dụng hết, chỉ mình nó vì nguyên cớ là con ta mà không tham gia thi cử, đây đúng là mệnh vậy!”. Lỗ Thị vợ Lã Công Trứ rất hiền năng sáng suốt, nghe thấy chồng nói vậy, bất giác cười nói với Lã Công Trứ rằng: “Ông thực sự chưa hiểu rõ con trai rồi”.
Phẩm hạnh của Lã Hy Triết quả là cao khiết, ngay cả phụ thân của ông cũng phải khen ngợi phẩm đức “Không chê nghèo” của ông.
Tất cả những phẩm hạnh đó đều do nền tảng giáo dục gia đình tốt mà thành.
Người xưa cũng có câu “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, tức là đạo đức, hành vi của cha mẹ thế nào thì (nhìn chung) con cái sẽ xử sự hệt như vậy… Vì vậy cha mẹ hãy là tấm gương cho con.
Thế giới tốt hay xấu là do gia đình mà ra. Gia đình giáo dục có nề nếp thì tương lai con cái sẽ xán lạn; còn gia đình không có nề nếp giáo dục thì tương lai con cái sẽ đen tối. Tuy không thể luận chi tiết nhưng đại khái thì thật trạng không sai lệch bao nhiêu; do vậy, kẻ làm cha mẹ phải cẩn thận trong mọi hành động, mọi việc làm, không thể tùy tiện muốn làm gì cũng được.
Nếu cha mẹ chẳng tự kiểm nghiệm hành vi hư xấu của mình thì rất dễ ảnh hưởng khiến con cái hư hỏng. Khi con cái thiếu giáo dục, tương lai chúng sẽ trở thành những phần tử xấu của xã hội, của quốc gia. Vì thế, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về giáo dục bằng cách “dĩ thân tác tắc,” tự làm gương cho con cái. Mỗi một hành động đều phải hết sức đứng đắn, sáng suốt; phải quên mình vì người và phải có lòng quan hoài kẻ khác. Con cái thấy tấm gương tốt như vậy thì tự nhiên noi theo để trở thành những công dân ưu tú, rồi tương lai góp sức an định xã hội, điều khiển đất nước.
Theo Hạnh Lê