Gieo mầm cuộc sống Suy ngẫm
Trên danh nghĩa, nơi tôi sinh sống gọi là khu phố nhưng thật tình không phải là phố. Xóm dân cư chen chúc nằm dọc theo các lối rẽ ngoằn ngoèo dẫn vào từ con đường lớn. Người dân sống bằng đủ thứ ngành nghề, sáng sớm ra đi chiều tối mới về nên ban ngày thường chỉ thấy có những người già và trẻ con trong những ngôi nhà hiu quạnh. Công việc tất bật nên người trong xóm gặp nhau thường chỉ hỏi qua loa, tuy không thân thiện nhưng cũng không ra vẻ lạnh nhạt. Cuộc sống bình lặng nhưng thỉnh thoảng cũng có vài “sự cố” nổi lên bất thường
Đó là chuyện một đứa trẻ vừa mới lên ba lên bốn nhưng tính khí ngang ngược, muốn gì được nấy. Đứa bé không hãi sợ bất kỳ một ai, khi nào không vừa ý là vừa khóc vừa la rùm trời dậy xóm, nằm vật vạ ra giãy nãy như đỉa phải vôi. Nếu có vậy thôi thì cũng chưa phải là điều đáng nói. Chen giữa tiếng khóc tiếng la ấy, đứa trẻ không ngớt chửi thề: “Đ. má mày!”. Lối xóm không ai can thiệp đã đành, những người lớn trong gia đình lại cứ “điềm nhiên tọa thị” coi như không nghe không thấy không biết. Đứa trẻ được nước lấn tới, mỗi ngày “bệnh” càng thêm trầm trọng. Hàng xóm lúc đầu cũng thấy khó chịu, bực bội nhưng lâu dần trở nên quen tai nên cũng chẳng còn ai để ý đến. Mà để ý đến thì có làm được gì?
Gia đình nhà ấy kinh doanh ở chợ đầu mối nên suốt đêm người lớn không có ở nhà, ban ngày lại lăn ra ngủ bù. Đứa trẻ lên ba lên bốn chưa đủ tuổi đến trường, không gởi nhà trẻ mà giao cho người giúp việc chăm sóc nên mới có tánh khí ấy. Nhưng cũng không phải vì thế mà nó lại quen miệng chửi thề.
Bên cạnh nhà ấy có gia đình chồng làm thợ hồ, vợ làm công nhân cho một doanh nghiệp tư nhân, đứa con trai vừa lên tuổi thanh niên không nghề nghiệp gì, chỉ thấy nó ăn chơi lêu lổng suốt ngày. Từ sáng sớm vợ chồng đều đi làm đến chiều tối mới về. Suốt trong thời gian ấy, người con trai hoặc ngồi lê la nơi quán cà-phê đàn đúm với bạn bè, hoặc rủ rê đám choai choai về nhà góp tiền mua rượu mua bia mua mồi bày ra ăn uống, ca hát, nói năng nhảm nhí vang trời dậy đất, mỗi câu nói đều chen vào năm ba tiếng chửi thề tục tằn thô lỗ, cang cang bất chấp cả thời gian, bất chấp cả phiền lụy hàng xóm. Cha mẹ có rầy la cũng đều bỏ ngoài tai như nước đổ lá môn, thường xuyên còn kình cãi lại với thái độ côn đồ thì người xung quanh còn ai dám lên tiếng?
Đứa trẻ lên ba lên bốn nghe thét rồi quen tai, tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ thơ như tờ giấy trắng bị dính phải vết mực đen không thể nào tẩy xóa được nên khi có điều gì không vừa được ý muốn, nổi tánh ngang ngược nằm vật vã khóc la thì những tiếng chửi thề mà nó đã từng nghe được đến quen tai cứ thế mà tuôn ra không chủ đích. Người lớn lại không tìm cách ngăn chặn mà chỉ biết dỗ dành theo lối chìêu chuộng quá đáng nên thói hư tật xấu đã nghiễm nhiên đâm chồi nảy lộc từ trong trứng nước được dịp phát triển không ngừng.
Đứa trẻ không tự mình làm hư mà do ngoại cảnh hư đã làm cho nó hư. Người lớn biết đứa trẻ bị thâm nhập cái hư vào thân mà vẫn cứ an nhiên coi như việc bình thường không ngăn chặn tháo gỡ kịp thời, để cho cái hư như hạt giống được gieo trên đất màu mỡ sinh sôi nảy nở cho đến lúc cái hư đã trở thành thói quen không thể nào từ bỏ được thì lỗi đầu tiên đâu phải do từ đứa trẻ lên ba lên bốn?
Sự điềm nhiên không quan tâm đến người khác vô tình lãng tránh trách nhiệm để thói hư tật xấu được dịp nảy sinh là lỗi của người lớn.
Bảo Long