Lòng tham, lòng tham vô độ... Suy ngẫm
Đặt vấn đề “hàng hóa hay nhân cách” cũng chỉ là một cách đi sâu vào một khía cạnh khác xã hội tiêu dùng quá quen thuộc của kinh tế thị trường. Cái xã hội có vô vàn thứ quyến rũ từ hàng hóa đến chốn ăn chơi và cũng vô vàn cạm bẫy.
Cái xã hội được thế giới ngày nay đánh giá có thể hủy diệt sự tồn tại bền vững của loài người ngang với biến đổi khí hậu.
Hàng hóa mù không phân biệt đồng tiền bẩn
Chúng ta đang sống trong xã hội tiêu dùng và thật khó cưỡng lại nó. Bởi vì nó được hình thành và phát triển dựa vào cái bản năng mạnh mẽ của con người là lòng tham, lòng tham vô độ. Khi cơm áo đã không còn là mối lo của một số người thì nhu cầu phải “hơn người” trở thành động lực cho hành động. Các nhà kinh tế biết rõ điều đó và hết sức cổ vũ nó, bởi vì “cầu” sẽ thúc đẩy “cung”, xã hội hàng hóa sẽ phát triển vượt bậc, đột biến. Các chính phủ mặc nhiên cổ vũ tiêu dùng để tăng trưởng chỉ số GDP.
Động lực “hơn người” hướng con người tới sự sang trọng không giới hạn. Bạn có thể ngạc nhiên nếu ở một cửa hàng xa xỉ nào đó treo giá 50 triệu đồng một túi xách phụ nữ hay 120.000 đôla một áo lông chồn. Nhưng các nhà kinh tế thì vui mừng vì đã đạt mục đích tăng trưởng, tạo được công ăn việc làm, thu được thuế đặc biệt và cái tủ kính phồn vinh (họ biết thừa là có phần giả tạo) thêm một điểm nhấn.
Nhớ lại thời thơ ấu, năm đói khủng khiếp 1945. Chợ quê đông đúc những người đói ra đây với hi vọng kiếm một chút gì đó cho vào bụng. Có cả những thi thể vừa chết đêm qua chưa kịp chôn. Mẹ dẫn tôi đi chợ, mua cho tôi một cái bánh chưng và dặn: “Về nhà rồi hãy bóc ăn con nhé!”. Lớn lên tôi mới biết rằng bóc bánh ăn trước mắt người đói là một hành vi thiếu nhân cách.
Lòng tham hơn người xô đẩy con người vào cơn cuồng phong tiêu dùng, không chỉ hàng xa xỉ mà thôi. Nợ quốc gia của người Hi Lạp lên tới hàng trăm tỉ đôla chưa biết lấy gì để trả. Nhưng một anh bạn đi Hi Lạp về kể cho tôi, bạn anh ấy gửi xe vào siêu thị, lúc ra xe nhiều quá tìm mãi không thấy, tặc lưỡi một cái rồi bắt taxi về nhà và hôm sau làm đủ các loại giấy tờ mua một xe mới khác.
Cũng không chỉ Hi Lạp đâu nhá. Nhiều đại gia của ta tổ chức đám cưới cho con trai tốn hàng chục tỉ đồng, huy động đủ mặt các loại xe siêu sang đưa cô dâu diễu phố, trong khi nông dân chăng biểu ngữ đòi nợ ngay trước hôn phòng. Xã hội tiêu dùng đã bén khó chống đỡ ở xứ ta và hàng hóa phong phú, mỗi ngày một cao cấp, tinh vi đắt tiền đến khó tin đang thật sự ảnh hưởng tới nhân cách một số không ít người và não trạng của toàn xã hội.
Phải chăng đó là nguồn gốc những tội ác mỗi ngày một tăng, một dữ dằn, thậm chí dã man, kỳ quái chưa hề xảy ra trong tất cả các giai đoạn lịch sử trước đây, đặc biệt xảy ra trong giới trẻ và vị thành niên? Lời khai phổ biến nhất của thủ phạm trong những vụ giết người, cướp của, hành hạ người thân là “do cần tiền”. Vâng, đồng tiền đang lên ngôi và quả thật nó đáng được lên ngôi trong bất kỳ xã hội nào.
Làm ra tiền, thật nhiều tiền cũng có nghĩa là làm ra của cải tương ứng cho xã hội. Nhưng không phải đồng tiền nào cũng có phẩm chất ấy, nhất là trong hoàn cảnh nạn tham nhũng và hối lộ không những không bị đẩy lùi mà luôn có chiều hướng tăng lên, nặng thêm. Những vụ tham nhũng vài chục triệu, dưới trăm triệu đồng có vẻ như chẳng gây được ấn tượng nữa. Dư luận và tâm lý người dân đã quen, không còn sốc với số thất thoát, bị ăn cắp, tham ô hay hối lộ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
Có đồng tiền làm ra từ tài năng, kiến thức, mồ hôi nước mắt. Nhưng cũng có nhiều, rất nhiều đồng tiền được làm ra quá dễ, dễ như một cái gật đầu hay một chữ ký. Hàng hóa dù có đắt đến đâu cũng chỉ là một cô gái đẹp mà mù, không thể và cũng không muốn phân biệt tiền sạch hay tiền bẩn.
Không ai phủ nhận hàng hóa cao cấp là biểu tượng cho tiến bộ của kỹ thuật và đẳng cấp một xã hội. Chúng nâng cao giá trị và chất lượng của cuộc sống. Chính vì vậy mà chống lại hàng xa xỉ khó như chống cối xay gió vì cũng là chống lại khát vọng và ước mơ của con người. Chẳng hạn, có tới 70% độc giả phản đối một bài báo của tôi trên tờ Tuổi Trẻ về một đám cưới hàng chục tỉ đồng ở một vùng núi nghèo Hà Tĩnh.
Lý lẽ của họ là người có tiền thì có quyền mua cả tiên, chê trách họ là ghen ăn tức ở! Thế nhưng việc tiêu tiền là một trong những hành vi rõ nét nhất gắn liền với cách cư xử của con người trong cộng đồng. Nhớ lại thời thơ ấu, năm đói khủng khiếp 1945. Chợ quê đông đúc những người đói ra đây với hi vọng kiếm một chút gì đó cho vào bụng. Có cả những thi thể vừa chết đêm qua chưa kịp chôn. Mẹ dẫn tôi đi chợ, mua cho tôi một cái bánh chưng và dặn: “Về nhà rồi hãy bóc ăn con nhé!”. Lớn lên tôi mới biết rằng bóc bánh ăn trước mắt người đói là một hành vi thiếu nhân cách.
Để những đứa con thành người tử tế
Thánh Gandhi ăn uống xuề xòa bằng những thứ bình dân, rẻ tiền nhất. Ông mặc áo vải gai Ấn Độ, kêu gọi sống kham khổ tuyệt đối vì đó là thước đo chiều sâu tình thương và cơ sở để phát triển lòng nhân ái. Nhìn từ góc độ khác, nhà yêu nước vĩ đại kêu gọi đồng bào mình xa lánh xã hội tiêu dùng cũng đồng nghĩa nói không với văn minh vật chất châu Âu cùng chủ nghĩa thực dân Anh.
Ý thức gìn giữ nhân cách cho cộng đồng Ấn của ông đã không chặn đứng được cơn cuồng phong tiêu dùng vật chất. Nhưng hãy nghĩ xem, nếu không có ông, không có những người như ông, cái hồn của Ấn Độ liệu còn khuôn mặt hôm nay. Thi hào Tagore xác nhận điều đó: “Nghe lời Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quý mới” (Lịch sử văn minh Ấn Độ, Will Durant - Nguyễn Hiến Lê dịch).
Văn hào Lev Tolstoi có một xưởng mộc và cơ khí trong điền trang của mình. Ông tự khâu giày, sửa đồ dùng trong nhà và thú nhận “lấy làm xấu hổ nếu chỉ biết múa may ngòi bút, rao giảng tình thương mà việc khâu cái giày rách cũng phải nhờ người khác”. Thời nay ông có thể bị lên án là quay lưng lại với “chuyên nghiệp hóa lao động”, một đòn bẩy quan trọng của tiến bộ.
Nhưng hãy đặt vào hoàn cảnh một nước Nga đang háo hức bước vào ngưỡng cửa của phát triển hàng hóa, nhà nhân văn Nga muốn cảnh báo nguy cơ của xã hội tiêu dùng và ông chống lại nó bằng những hành vi có vẻ ngây thơ nhưng đầy sức nặng do vị thế xã hội của mình, để bảo vệ nhân cách Nga, bản sắc Nga.
Có thể vì những chiếc xe sang, những thức ăn “sành điệu” (chưa chắc đã sành ăn), những đồ dùng xa xỉ quá lố, những cái áo lông, những vật xinh xinh bằng ngà voi, hàng đống thức ăn thừa cho vào sọt rác (ở Mỹ là 40%), điên cuồng chạy theo cơn cuồng phong thỏa mãn ý muốn “hơn người” mà phải phá hết rừng, tàn sát thú, làm cạn nguồn dầu hỏa, giết chết các dòng sông hay đốt nóng khí quyển?
Nếu môi trường bị hủy hoại, cuộc sống không còn bền vững, lúc đó phải xâu xé nhau vì miếng cơm manh áo nói gì đến hàng hóa xa xỉ, liệu con người có giữ được là con người “rất đáng tự hào”, con người có thể giữ được cái nhân cách hình thành qua hàng ngàn năm cố thoát khỏi chất thú và lốt thú, được gìn giữ, vun vén trong bao khổ đau?
Gandhi sống kham khổ, Tolstoi khâu giày, Bill Gates sang Việt Nam đi một chiếc xe cũ 16 chỗ, ông chủ Hãng Honda không dùng xe hơi mà đi bộ đến chỗ làm, George Soros có 7 tỉ đôla nhưng vẫn bắt đứa con trai nhịn 100 bữa ăn sáng để mua một chiếc đồng hồ rẻ tiền nhân dịp lên cấp trung học...
Họ không làm dáng, không “trùm sò”, càng không muốn chống lại tiến bộ kỹ thuật và văn minh. Họ chỉ muốn tìm cách gây dựng nhân cách cho dân tộc mình, thế hệ mình, công ty mình hoặc giản dị hơn như George Soros, muốn những đứa con rất có nguy cơ hư hỏng của mình thành người tử tế mà thôi.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân