Tin hot

Nghệ thuật phê bình người khác Suy ngẫm

   Chúng ta đều mong muốn xã hội này tốt đẹp lên, đó là một điều chắc chắn. Vậy chúng ta có nên cư xử với nhau như những kẻ thù không đội trời chung, chỉ vì chúng ta không thống nhất được cần làm gì?

Bài viết trích từ cuốn “Thiện, Ác và Smartphone” của Đặng Hoàng Giang, phát hành bởi Nhã Nam đầu 2017.
   Tác giả Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Kinh tế Phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ. Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) – một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can.

   “Nếu như chúng ta không thống nhất được với nhau thì ít nhất chúng ta có thể giúp để thế giới yên ổn hơn cho sự đa dạng.” – John F. Kennedy“Hãy nhẹ nhàng với người trẻ, trắc ẩn với người già, khích lệ người cố gắng, và khoan dung với người yếu và người sai. Một lúc nào đó trong cuộc đời bạn sẽ là chính những người này.” – Lloyd Shearer

   “Một người hào kiệt nóng lòng việc nước mà kiến thức thì chưa thoát khỏi khuôn sáo cũ chút nào”. Đấy là lời nhận xét của Phan Châu Trinh dành cho Phan Bội Châu vào những thập kỷ sóng gió đầu thế kỷ 20, khi giới tinh hoa Việt Nam vật lộn để tìm một con đường thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Chủ trương cứu nước của hai nhân sĩ họ Phan không thể đối lập nhau hơn. Một người đi theo con đường dân chủ, bất bạo động, người kia muốn thiết lập một chế độ quân chủ, tìm tới người châu Á cùng màu da làm đồng minh.

   Với Phan Bội Châu, triết lý của Phan Châu Trinh là “một lý thuyết mà người ta chưa biết đầu đuôi, rõ phía Nam, phía Bắc”, và hơn nữa: “Ôi dân chủ, dân không còn nữa thì chủ vào đâu. Lúc bấy giờ, nếu Đại Huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa …”

Nhưng với tất cả những bất đồng gay gắt, hai người vẫn là bạn đồng hành khăng khít của nhau. Trong tập Tự phán, Phan Bội Châu viết về mình và Phan Châu Trinh: “Chính kiến của hai người rất phản đối nhau, cụ với tôi đồng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhau. Cụ thì muốn dựa Pháp đánh đổ quân quyền mà tôi thì bài Pháp phục Việt, mâu thuẫn là thế. Tuy chính kiến vẫn trái nhau, mà ý kiến rất ưa nhau”.

   Không chỉ trên bình diện chính trị, trong sự hoang mang, xáo trộn và đứt gãy của hồi đó (không khác bây giờ là mấy), các cuộc tranh luận lớn xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Cuộc bút chiến ở những năm 1920-30 giữa Phạm Quỳnh, Phan Khôi và các nhân sĩ khác về giá trị của truyện Kiều đã đi vào huyền thoại. Một bên coi Kiều là “quốc hồn, quốc túy”, rằng “truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Bên kia coi đó chỉ là một thứ văn chương “ngâm vịnh chơi bời”, thậm chí là “dâm thư” làm mê hoặc dân chúng, và việc đề cao nó là tà thuyết của những “chân nho chính sĩ Hán học” đã “mòn mỏi điêu linh”.

   Thật khó mà hình dung được các cuộc vật lộn tư tưởng kia xảy ra ở thời đại của mạng xã hội và truyền thông chạy theo view ngày nay. Chậm nhất là tới bình luận thứ 20 trong một diễn đàn hay dưới một bài báo, những thứ mà người ta nghe được sẽ là các kết án chắc nịch về những âm mưu thâm độc cũng như tư cách thấp dưới đầu gối của “phe kia”, kèm theo những bình luận về các loại vật liệu kém chất lượng nằm bên trong sọ của họ.

   Một không gian dân chủ cần có hai điều kiện. Thứ nhất, tất cả mọi người, bất kể vị trí xã hội, khả năng kinh tế hay trình độ học vấn, có khả năng lên tiếng. Ở khía cạnh này, Internet và mạng xã hội đã đem lại những điều kiện tuyệt vời mà những người cùng thời với Phan Khôi và Phạm Quỳnh không thể nào mơ tới được.

   Nhưng tự do biểu đạt sẽ chỉ trở thành hình thức nếu nó không đi kèm với điều thứ hai: khả năng lắng nghe nhau của những thành viên trong xã hội, và dường như ở khía cạnh này chúng ta đã thụt lùi ghê gớm so với thế kỷ trước. Quyền được lên tiếng sẽ không có ý nghĩa nếu như tất cả chìm trong một biển âm thanh hỗn độn, hoặc nếu những phát ngôn hung hãn làm người khác im lặng vì sợ hãi.

 

   Đẩy lùi sự thô lỗ

   Sự thô lỗ đang phá hủy không gian dân chủ mà Internet đem lại, phá hủy khả năng lắng nghe, và qua đó khả năng cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng. Chúng ta có thể làm gì để đẩy lùi sự thô lỗ và phục hồi lại tiềm năng dân chủ của mạng?

  Không đổ lỗi cho nạn nhân. “Nói năng như thế bị ném đá là đúng rồi” là một câu chính bản thân tôi thường xuyên nhận được. Nó giống như trách người bị hiếp dâm là “ai bảo đi chơi một mình”, trách người đeo trang sức đắt tiền ngoài đường là “bị giật là đúng”. Chúng ta cần dừng lại tư duy phản xạ rằng cái xấu chỉ xảy ra với kẻ xấu, nạn nhân “xứng đáng” bị nạn. Bất cứ ai cũng có quyền biểu đạt ý nghĩ của mình, nếu nó không vi phạm tới phẩm giá của người khác. Khác biệt về quan điểm, từ nguyên do thảm họa môi trường tới nhan sắc hoa hậu hay cách hát quốc ca, không phải là lý do để hạ nhục người phát ngôn.

Không những không đổ lỗi, chúng ta nên lên tiếng phản đối ngôn từ bạo lực và bày tỏ sự cảm thông và tình đoàn kết với nạn nhân, đặc biệt khi ta nhấn mạnh là ta không chia sẻ quan điểm của người đó trong câu chuyện đang được tranh cãi, để những người khác hiểu rằng chúng ta hành động như vậy vì nguyên tắc, không phải là để “bảo vệ người cùng phe.”

  Không lăng nhục người lăng nhục. Không dễ dàng để chống cự lại ham muốn đánh lại kẻ đánh mình, nhất là khi cuộc ẩu đả chỉ xảy ra trên mạng, cả hai bên vẫn nghe nhạc và uống sinh tố trong quán cafe. Nhiều người giữ được bình tĩnh qua hàng chục câu thóa mạ, để rồi trong chớp mắt rời bỏ tư thế thiền và đánh trả kẻ làm nhục tiếp theo. Nhiều người khác bênh người bị mạt sát bằng cách mạt sát kẻ mạt sát. Những kẻ làm nhục chỉ đợi có thế, họ chỉ đợi người khác tham gia vào cuộc vật nhau trong bùn. “Thấy chưa, các anh không khác gì chúng tôi”. Nếu bạn tham gia vào một cuộc ném bùn với mục đích giữ cho mình sạch sẽ thì bạn đã thua ngay từ đầu.

   Vậy ta làm gì khi bị lăng nhục? Trước hết, ta ôn tồn nhắc nhở thái độ của người kia. Nhiều người văng tục theo thói quen, hoặc không ý thức được sự tổn thương mà họ gây ra. Nếu họ có thiện chí, chúng ta đi vào thảo luận những bất đồng của hai bên. Nếu nhận thấy họ không có thiện chí, không quan tâm tới nội dung câu chuyện, chỉ muốn xả sự căm ghét của mình, im lặng là cách tốt nhất. Thanh minh, giải thích chỉ đổ thêm dầu vào lửa.

   Nếu cuộc tranh luận đi tới chỗ bế tắc, hãy lịch sự kết thúc cuộc nói chuyện và “hẹn dịp khác trở lại chủ đề này”. Không cố gắng là người phát ngôn cuối cùng. Chấp nhận là vẫn còn những điểm bỏ ngỏ, không được giải quyết mà không ấm ức. Chúng ta cần chấp nhận sự thật rằng không ai có thể thuyết phục hay ép người khác nghĩ như mình được.

   Sử dụng ngôn ngữ bất bạo lực. Liệu phát ngôn của bạn có vô tình làm tổn thương ai đó không? Để tránh điều này, chúng ta cần khả năng thấu cảm, hình dung ra đằng sau cái avatar bé bằng một phần tư con tem trên màn hình điện thoại kia là một con người bằng xương bằng thịt, biết buồn, biết đau.

   Trớ trêu là ta lại hay dùng ngôn ngữ bạo lực với những người gần ta nhất. Người đó càng quan trọng, ta lại càng làm cho họ đau. Đây là những kỹ thuật kinh điển:

So sánh: “Mày không bằng một góc của thằng em mày” (mẹ nói với con). “Lớp các em thua xa lớp năm ngoái của tôi” (cô giáo nói với học sinh)

Dán nhãn: “Cô là đồ vô dụng” (chồng nói với vợ). “Anh là đồ bất tài” (vợ nói với chồng)

   Tấn công vào nhân phẩm của người khác: “Tôi vô phúc nên mới lấy phải anh” (vợ nói với chồng). “Cái mặt mày giống hệt con mẹ mày. Lớn lên rồi mày cũng theo cái nòi giống ấy…” (bố nói với con)

Tạo cảm giác tội lỗi, khiến người nghe có cảm giác mình vô giá trị: “Anh không biết xấu hổ à?” (sếp nói với nhân viên không đạt chỉ tiêu)

Đẩy trách nhiệm cá nhân cho người kia: “Tao đã thất bại trong việc nuôi dạy mày” (mẹ nói với con). Hoặc đòi hỏi đi kèm với dọa dẫm: “Mày không học ngân hàng thì tao từ mày” (bố nói với con).

   Đằng sau những câu nói bạo lực này là sự đau đớn và bất lực của người phát ngôn. Những con dao bằng lời này mang theo lời kêu cứu, những mong muốn không được đáp ứng, sự bế tắc. Nhưng chưa bao giờ làm người khác bị thương lại là phương tiện để chữa lành vết thương của mình.

   Thay đổi thái độ của xã hội. Mỗi cá nhân cần ý thức về sự tiêu cực của quá trình chai sạn hóa, về cái giá của sự thô lỗ, về tác hại nó gây ra cho công luận và không gian dân sự, và tỏ ra thái độ kiên quyết không chấp nhận khi nhân phẩm của con người bị “đưa lên bàn nhậu”. Sự hung hãn không thể được coi là “bình thường”. Gần đây, truyền thông bắt đầu đề cập nhiều hơn tới những vấn đề của văn hóa mạng, nhưng xã hội cần có một thái độ cứng rắn hơn. Không chỉ bạo lực học đường, ứng xử với sự thô lỗ và du côn trên mạng cần phải là một chủ đề trong trường học và gia đình.

   Thay đổi thái độ của xã hội không đơn giản. Đẩy lùi sự thô lỗ sẽ là một chặng đường dài, nhưng đây không phải lần đầu tiên chúng ta đi con đường ấy. Bạo lực gia đình hay quấy rối tình dục ở công sở là những cuộc đấu tranh tương tự. Ở Mỹ, hồi thập kỷ 1960 và 1970, đánh vợ vẫn được coi là “bình thường”, là “chuyện trong nhà” của các cặp vợ chồng. Những năm đầu thập kỷ 1970, những báo lớn như New York Times hầu như không chạy bài nào về bạo lực gia đình, nhưng tới giữa thập kỷ, những series dài về chủ đề này bắt đầu xuất hiện trên báo chí và ti vi. Ở Việt Nam, một quá trình dịch chuyển tương tự cũng đã và đang diễn ra từ hai thập kỷ nay, người ta thường xuyên nhìn thấy những thông điệp không bạo lực với phụ nữ ở pano, trên xe bus. Chúng ta cần những chiến dịch tương tự để đẩy lui bạo lực trên mạng.

 

   Nghệ thuật phê bình người khác

  Nếu bạn muốn phê bình người khác, bạn có thể làm như thế nào để cuộc thảo luận mang tích tích cực?

   Trước hết, hãy ý thức rằng nói chung người ta không thích bị phản đối hay chỉ trích, bất kể là về một bài viết dài nhiều trang hay một bình luận ngắn. Dù câu chuyện xoay quanh trí thông minh, nhan sắc hay sự uyên bác của bạn, nhiều khả năng là bạn sẽ bỏ qua mười nhận xét tích cực mà ghăm vào đầu mình một nhận xét tiêu cực. Đại văn hào Đức Johan Wolfgang Goethe ở thế kỷ 19 có ý kiến như thế này về những người làm nghề phê bình văn học: “Đánh chết nó đi, đồ khốn, nó là một tay phê bình”.

   Phê bình người khác một cách có nghệ thuật còn được gọi là “phê bình thiện chí”. Phê bình thiện chí bắt đầu từ một mục đích lành mạnh. Hãy nhớ lại lần cuối bạn phê phán một ai đó. Vì sao bạn làm chuyện đó? Bạn muốn giúp người đó tiến bộ lên? Bạn muốn thuyết phục họ ủng hộ quan điểm của bạn? Bạn muốn cả hai cùng tăng hiểu biết trong một vấn đề mà bạn cũng đang quan tâm? Hay bạn chỉ muốn chứng tỏ tư duy và kiến thức ưu việt của mình, muốn đè bẹp họ? Chúng ta có thể học hỏi từ Phật giáo Tây Tạng, nơi tranh luận đóng một vai trò quan trọng. Trong những thiền viện lớn, bên cạnh việc nghe giảng và đọc sách, các nhà sư có thể dành từ năm tới bảy tiếng một ngày cho tranh luận. Mục đích của một cuộc tranh luận không phải là “thắng” và làm đối phương xấu hổ, mà để giúp họ vượt qua được điểm yếu trong luận cứ của họ và cả hai cùng nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh hơn. “Thành công” được coi là đạt được khi tình huống được cải thiện, lời giải được tìm ra.

   Trong cuốn sách bổ ích dạy cách suy nghĩ, Những máy bơm trực giác và các công cụ tư duy khác,triết gia Daniel C. Dennett tóm tắt trình tự bốn bước mà một lời phê bình thiện chí cần đi qua – trình tự này được đề xuất lần đầu bởi Anatol Rapoport, một nhà toán học và tâm lý học người Mỹ gốc Nga ở nửa đầu thế kỷ 20.

   Bước một, bạn cố gắng tái thể hiện quan điểm của người bạn muốn phê bình một cách rõ ràng, mạch lạc và khách quan nhất. “Theo như tôi hiểu thì ý của anh là…” hoặc “Có phải anh muốn nói rằng…”. Bạn đặt lại câu, dùng từ đồng nghĩa, sắp xếp lại thứ tự các ý của người kia. Lúc này bạn hình dung mình đang là trợ lý của người kia, không tô điểm, phỏng đoán hay bổ sung ý của họ, nhưng giúp nó trở nên sáng sủa hơn. Bạn thành công khi người kia nói “Vâng, cám ơn bạn, giá mà tôi có thể trình bày ý của mình rõ như vậy.”

Trong nhiều trường hợp, khi bạn diễn đạt lại, những mâu thuẫn hay điểm yếu của quan điểm của người kia cũng được bộc lộ ra, bắt buộc người đó phải suy nghĩ thêm, điều chỉnh hay bổ sung ý của mình. Bạn đã kích thích quá trình tư duy của họ.

Khi người kia đã hài lòng là quan điểm của họ đến tai bạn theo đúng ý của mình mà không đi kèm sự hiểu lầm nào, ở bước hai, bạn liệt kê những điểm đồng tình của bạn, đặc biệt là những điểm lớn và cơ bản. “Tôi đồng ý với bạn về tầm quan trọng của…”, hoặc “Tôi cũng có trải nghiệm tương tự…”. Bạn có thể đưa ra những ví dụ, dẫn chứng khác mà người kia không nghĩ tới để củng cố sự đúng đắn của những điểm mà hai người đồng tình.

   Bước ba, bạn nêu lên những điểm bạn đã học được từ người đối diện. “Cái mới với tôi trong phát biểu của anh là…” hoặc “Tôi sẽ cần thời gian để nghĩ thêm về điểm anh vừa đề cập tới…”

Tới lúc này, bước bốn, bạn mới được phép đưa ra những điểm phản đối, bất đồng. “Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý…” hoặc “Mặt khác, tôi cho rằng…” hoặc “Nhưng vấn đề nằm ở chỗ…”. Tới lúc này, bạn đã chuẩn bị cho người đối diện một tâm thế coi bạn là bạn, là đồng môn, một tâm trạng dễ chấp nhận những điều bạn nói. Bạn đã kéo họ ra khỏi trạng thái phòng thủ, làm giảm thiểu khả năng bị tổn thương của họ, đã giúp họ trình bày các ý nghĩ của mình, chỉ cho họ thấy giá trị trong quan điểm của họ hoặc sự thông cảm của bạn, thậm chí đã giúp họ tự thấy những điểm lỏng lẻo trong suy nghĩ của mình.

Ở bước này, bạn cũng nên nói “Tôi không biết” khi bạn không chắc chắn về điều gì đó. Gần đây, câu này gần như tuyệt chủng trong các cuộc tranh luận. Ngược lại, các chủ đề càng phức tạp bao nhiêu thì người ta lại càng tránh né câu nói này bấy nhiêu. Hãy thử dùng nó vào lần tới, bạn sẽ thấy nó đem lại cho bạn sự tôn trọng và thiện cảm từ người nghe. Người ta biết rằng bạn dũng cảm.

Như trong tất cả nghệ thuật, phê bình thiện chí đòi hỏi tập luyện và kiên nhẫn. Trên thực tế, trong sự say mê bảo vệ quan điểm của mình, chúng ta thường vội vàng nhảy cóc tới ngay bước bốn, bỏ qua tất cả những điểm tương đồng, xoáy vào và phóng to lên những điểm khác biệt. Còn tệ hơn và đặc biệt là trên mạng, chúng ta thường bỏ qua khâu kiểm tra lại xem chúng ta có hiểu đúng ý của người kia hay không. Nhanh chóng, cuộc đối thoại trở thành ông nói gà bà nói vịt, đem lại bực bội và đau đớn cho những bên liên quan.

Quy trình bốn bước này cũng giúp bạn tránh được thói quen bỏ bóng đá người, quay ra quy chụp về tư cách của người phát ngôn, hoặc phán xét dựa trên những chi tiết đời tư chứ không trên nội dung phát biểu của họ. Đây là cái mà tôi gọi là phong cách “phê bình haiku”, những câu phê bình chỉ bao gồm một hoặc hai câu mà ta đọc được đầy trên mạng. Một số ví dụ: “Học Fulbright về mà chả ra gì”. “Ở Tây bao nhiêu năm mà vẫn đầu đất”. Vào loại phổ biến nhất: “Chắc có đứa nào trả tiền để viết”.

Tất nhiên, kể cả khi bạn cố gắng đi qua bốn bước một cách kiên nhẫn và thiện chí nhất, cũng không đảm bảo rằng người kia đáp trả bằng một thái độ cầu thị đúng mực. Sự hằn học và thiếu thiện chí của họ có thể che giấu sự bất an bên trong, cố gắng bất thành kiểm soát tình hình, hoặc đơn giản là thiếu kinh nghiệm. Hãy nhớ tới sức mạnh của sự điềm tĩnh. Kiên nhẫn và mềm dẻo nhưng dứt khoát và kết thúc cuộc tranh luận nếu thấy cần thiết.

Kể cả trong những trường hợp này, bạn có thể hài lòng với bản thân vì bạn đã làm tốt nhất những gì có thể. Ngoài ra, quan trọng không kém, quá trình phê bình bốn bước này cũng có lợi cho chính bạn: nó giúp bạn vượt qua hai cái bẫy mà bản thân bạn tạo ra.

 

Đi vào buồng vang và lắng nghe thiên vị

Cái bẫy thứ nhất là con người ta vốn thích cố thủ trong quan điểm của mình. Chúng ta có xu hướng tìm tới những người cùng quan điểm, chuyện trò trong cái nhóm khép kín đó, và ngày càng tin tưởng vào sự đúng đắn của mình, không phải vì mình tìm được chứng cứ mới, mà vì những người xung quanh ta đồng tình với nó. Theo chữ của giáo sư Cass Sunstein tại Đại học Chicago, chúng ta cùng nhau chui vào một cái buồng vang (echo chamber), một căn phòng mà âm thanh dội qua dội lại giống như trong hang, ở đó chúng ta chỉ nghe được chính mình.

Mạng xã hội có xu hướng giúp chúng ta chui vào những cái buồng vang này một cách dễ dàng, mặc dù điều đó thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn vì ta vốn nghĩ đó là công cụ để kết nối với tất cả mọi người. Trên thực tế, thuật toán của Facebook ưu tiên hiển thị những nội dung giống với những nội dung mà ta hay like. Dần dần, với thời gian, chúng ta chỉ còn thấy trên newsfeed của mình những ý kiến giống ta – ta ở trong một cái hang hoàn hảo. Sự tương tác sẽ chỉ xảy ra bên trong những nhóm có suy nghĩ giống nhau – kết quả là họ trở nên cực đoan hơn, xã hội phân cực hơn. Nước Mỹ vào thời điểm tranh cử tổng thống 2016 giữa Clinton và Trump là một ví dụ cho thấy một xã hội phân cực một cách cực đoan có thể xấu xí như thế nào.

Không những thế, chúng ta còn có xu hướng lắng nghe một cách thiên vị, và đây là cái bẫy thứ hai. Những thông tin, phân tích thuận lợi cho quan điểm của ta sẽ được ta nâng lên như một chứng minh cho sự đúng đắn của bản thân. Những chứng cứ trái chiều thường bị ta coi là không quan trọng, hoặc không mang tính đại diện. Một người bị ám ảnh rằng tội phạm trong xã hội đang gia tăng sẽ coi một cái tin trộm cắp trên mặt báo như một bằng chứng hùng hồn cho quan điểm của anh ta, và sẽ cho rằng một thống kê cho thấy mức độ tội phạm giữ nguyên là không đáng tin cậy, thậm chí phục vụ mục đích mờ ám của một tác giả bất chính. Tương tự, một người với thế giới quan rằng không thể tin một ai trong xã hội sẽ coi mẩu tin vợ lừa chồng cướp tài sản như một ví dụ điển hình hỗ trợ quan điểm này, nhưng coi một tin người tốt cứu người bị nạn khác như là một trường hợp ngoại lệ.

Cả hai xu hướng “đi vào buồng vang” và “lắng nghe thiên vị” đều xảy ra trong vô thức, nên chúng ta cần có ý thức để chống cự lại nó. Quá trình phê bình thiện chí giúp chúng ta làm điều này, vì nó bắt chúng ta dành thời gian cho những quan điểm trái chiều, phân tích chúng và tìm ra những điểm hợp lý của chúng. Không dễ dàng để lắng nghe những người khác mình, nhưng lắng nghe thì sẽ hiểu họ hơn. Hiểu họ hơn thì cũng khó căm ghét hơn.

Chúng ta đều mong muốn xã hội này tốt đẹp lên, đó là một điều chắc chắn. Vậy chúng ta có nên cư xử với nhau như những kẻ thù không đội trời chung, chỉ vì chúng ta không thống nhất được cần làm gì? Chúng ta không xuất chúng như hai nhân sĩ họ Phan, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta đối xử với nhau một cách tôn trọng và khoan dung như hai ông đã từng đối xử với nhau, với tất cả những xung đột trong quan điểm.

Tags:

Tin tức liên quan

Gian nan hoạn nạn mới biết được lòng người
Tắm cho con gái, cha vô tình hỏi một câu, bất ngờ biết được bí mật giấu kín bấy lâu
Muốn thành công và giàu có, đừng bỏ qua lời khuyên đắt giá này của Donald Trump 
Đã mơ thì mơ hẳn tới những vì sao, nhưng hãy để đôi chân trụ vững dưới mặt đất
Một phút bạn làm được gì?
Điều gì quan trọng nhất trong cuộc đời
Nghịch lý không thể ngược đời hơn của Người Việt.
Google
Đừng cố tỏ ra hạnh phúc, cứ sống thật với bản thân rồi hạnh phúc sẽ đến
Bao giờ chúng ta ngừng kiếm tiền và biết cách hưởng thụ?
Những tháng ngày tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều.
Làm người Việt Nam
Thống kê lực lượng đi làm và ăn bám ở Việt Nam
Phẩm giá con người trong truyền thông đại chúng
Sự nguy hiểm của một trào lưu
Sự khác nhau giữa bức thư gửi mẹ của người... tử tù và của CEO
Hệ lụy từ việc du nhập tùy tiện, thiếu văn hóa các lễ hội nước ngoài
Từ
Im lặng – Sức mạnh của kẻ thông minh hay sự lạnh lùng?
Gà con hỏi: ‘Sao ngày nào mẹ cũng phải đẻ trứng?’, gà mẹ trả lời thật là hay…
Tư duy tích cực - nguồn năng lượng tự nhiên vô giá
Nghiên cứu chứng minh: Càng học cao, lắm tiền thì cuộc sống càng ít hạnh phúc
Thôi kệ
Đừng hờ hững với đời như bọt bể
Đây là lý do tại sao bạn không nên tranh cãi khi đang tức giận
Đẹp và cái đẹp cần vinh danh!
Phạm phải 4 sai lầm này, tiền bạc sẽ mãi mãi rời xa bạn
Bức thư ông bố gửi con gái và bài học cuộc đời
Bố mẹ còn nghiện facebook bảo sao trẻ không sống ảo
Vì sao người Nhật lại thích xin lỗi?
Cái tôi – điều nghiệt ngã nhất của kiếp nhân sinh?
Những suy nghĩ của tôi về tiền và sự giàu có
Chỉ suy nghĩ nhị nguyên sẽ chẳng tiến lên được
Tại sao “giàu thì nó ghét”???
Vì cái Tôi vẫn còn hiện hữu nên không thể sống lặng lẽ
Bạn có dám khóa Facebook 1 năm để đổi lấy 5 điều tuyệt vời này không?
Tấm lòng thoáng đãng thì tiền đồ rộng mở
Năm mới suy nghĩ về hai chữ Phúc và Đức
Năm mới, mong gì? làm gì?
Đầu độc tổ tiên,
Bản chất vi diệu của lời khen: Có thể người ta khen là để dò xét, cảnh cáo bạn đấy nhé!
Đời người ai cũng có 4 giai đoạn khắc nghiệt nhất, nhưng không phải ai cũng toàn vẹn trải qua.
Người tâm lượng hẹp hòi thì cuộc sống khó suôn sẻ
Dừng lại đi những tâm hồn méo mó!
Đừng cảm thấy tồi tệ thay tôi, khi tôi làm gì đó chỉ một mình!
Biết tôn trọng người khác là một loại mỹ đức
Sự thật khắc nghiệt của cuộc sống mà chúng ta đừng cố ... tự lừa mình!
Tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp
3 việc tuyệt đối không nên giúp người khác
hotline
0917123113
chat Facebook
zalo