Nghĩ về ý nghĩa của Tết cổ truyền Suy ngẫm
Trước Tết, nhà nào cũng lo việc sửa sang nhà cửa, lau chùi bàn thờ gia tiên để đón ông bà về ăn Tết. Cả làng lo cho đình làng đón Tết. Đường vào trình làng được dãy cỏ, mới sáng 30 Tết, sân đình đã thấy phất phơ những cờ vuông, cờ nheo trong gió. Đình thêm vẻ trang nghiêm.
Mới đầu tháng Chạp, nhiều gia tộc đã lo việc tu tảo phần mộ tổ tiên. Việc dâng cúng lên bàn thờ gia tiên những món ngon trong mấy ngày Tết thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ đã nuôi dưỡng gầy dựng cho mình. Làng có Thành Hoàng được thờ ở đình. Trong mấy ngày Tết, làng tổ chức cúng tế ở đình để tạ ơn Thành Hoàng, cầu sự yên vui cho dân làng sang năm mới và cầu Quốc thái Dân an.
Trước Tết, nhà nào cũng lo việc sửa sang nhà cửa, lau chùi bàn thờ gia tiên để đón ông bà về ăn Tết. Cả làng lo cho đình làng đón Tết. Đường vào đình làng được dãy cỏ, mới sáng 30 Tết, sân đình đã thấy phất phơ những cờ vuông, cờ nheo trong gió. Đình thêm vẻ trang nghiêm. Đoàn tụ là niềm hạnh phúc và ao ước của các gia đình. Nhiều gia đình, quanh năm con cháu đi làm ăn xa, đến Tết chúng mới kéo nhau "về quê ăn Tết". Ai ở xứ người, vì hoàn cảnh nào đó không về quê ăn Tết sẽ thấy bơ vơ: Rũ áo phong sương trên gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang (Thế Lữ). Em gái hậu phương viết thư, gởi khăn thêu ra tiền tuyến nhân Tết đến cũng động viên tinh thần chiến sĩ xa nhà lắm.
Không biết bao nhiêu lời chúc mừng năm mới, ta vẫn thường gặp: Năm mới hạnh phúc, Năm mới thành đạt, Năm mới an khang thịnh vượng... Ai văn hoa mà thích gọn thì chúc Xuân như ý, nhà chùa chúc Xuân an lạc… Hình thức chúc Tết bằng thiệp đã khá phổ biến. Thiệp chúc Tết in đẹp treo trên cành đào cành mai mang toàn "nhãn hiệu" những người sang, làm rườm rà thêm mấy chậu hoa Tết. Trước công sở, trên đường phối cổng làng thường gặp băng khẩu hiệu: Chúc mừng năm mới, Năm mới tháng lợi mới... Con người thật đã yêu nhau, cầu sự may mắn cho nhau.
Giữa tháng Chạp, nhiều nhà.... đã có hoa cúc, hoa cúc vạn thọ nở thắm tươi ở trước sân báo hiệu một mùa Xuân đến sớm. Những người chơi mai là những người biết yêu cái sắc màu, hương nhụy, cái tâm hồn và cốt cách của mai. Hoa hồng, hoa lan cũng là hoa quý; có hồng tường vi pha trà uống, ngát hương thơm. Người trồng hoa thường là những cụ già nhàn rỗi. Nhà chùa có vườn rộng, trồng toàn hoa huệ để dâng cúng Phật. Hoa huệ màu trắng tinh hương thơm thanh khiết. Trên nhiều con đường làng, hoa cúc dã quỳ nở vàng rực tô điểm thêm cho sắc Xuân. Cuối Xuân thì hoa tàn để lại cho người ta một nỗi niềm thương hoa, tiếc Xuân.
Thầy đồ, Tú, Cử, học trò... không bỏ qua lệ khai bút đầu Xuân. Mới sáng mồng Một Tết, thánh thót mưa xuân ướt mái nhà, có người đã khăn áo chỉnh tề trịnh trọng gò lưng trên phản làm thơ khai bút. Người đến thăm xuân nhà thi nhân mặc khách không hiếm những khách thơ phú văn chương, và bởi thế bất cứ lúc nào trong nhà cũng có được một cuộc ngâm vịnh hào hứng. Mấy năm nay, Nhà nước lấy ngày Rằm Nguyên tiêu làm Ngày Thơ Việt Nam, cho nên có "tăng cường" không khí thơ cho Tết.
Treo tranh Tết cũng là một thú chơi khá phổ biến. Chủ nhà có tâm chí, hoài bão treo ở phòng khách tranh Con chim ó đậu trên quả địa cầu, Lã Vọng câu cá ở Tân Kỳ... để gởi gắm tâm sự mình. Nhà bình dân treo tranh tứ bình vẽ phong cảnh Xuân Hạ - Thu - Đông (Tứ thời) hoặc tranh Ngư - Tiều - Canh Độc (Tứ dân)... Nhà nào yêu nghệ thuật dân gian thì treo tranh gà lợn Đông Hồ... Tranh Tết bán ở các chợ Gò Chăm, Đập Đá và ở các chợ quê Phú Đa, Cảnh Hàng... Bây giờ mất cái thú chơi tranh Tết truyền thống. Tranh Tết in trên lịch dẫu có đề tài cố (Tứ thời… ) cũng chẳng có hồn như tranh Tết xưa.
Có người nói: "Một nửa của Tết là Lễ hội", câu nói đúng với thực tế. Sáng mồng Một Tết, từ trong các xóm nhà, người ta kéo nhau ra đình làng để dự khai mạc Lễ hội vui Xuân do làng tổ chức. Người ta xem các nghi thức cúng tế, xem các trò chơi: Đánh vật, kéo co, bịt mắt bắt dê, hội bài chòi, xổ cổ nhân... Có làng còn tổ chức đón bạn Bình An Ban, bạn Thông Cừu về hát bội nữa. Hát những tuồng tích xưa: Cổ Thành, Tam Nữ Đồ Vương… Không biết bao nhiêu là gương trung hiếu, tiết nghĩa làm say lòng người. Thiện nam tín nữ về chùa Linh Phong, Thiên Đức, Viên Giác… hái lộc, lễ Phật, tham quan, xem múa lục cúng, phóng sanh đăng. Lễ hội Đống Đa tổ chức mồng Năm Tết tại huyện Tây Sơn, là lễ hội truyền thống lớn nhất trong mùa Xuân, nhắc nhở chiến công của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Chợ Gò, bên sông Trường Úc (Tuy Phước) họp chợ sáng mồng Một Tết, một phiên duy nhất trong năm. Người đi chợ Gò, cụ già mua trầu cau để được đón lộc Bà, người trẻ tìm bạn bốn phương, xem các trò chơi, vừa giải trí vừa thử vận may đầu năm.
Ăn uống Tết cũng giàu ý nghĩa văn hóa tinh thần. Bà chủ nhà trẻ trung xinh đẹp có sẵn mâm cỗ cho chồng tiếp khách: Trên chiếc mâm thau chân cao bày chén mỏng đũa mun, đĩa chả lụa sắp hình trái tim, đĩa bánh tét, đĩa thịt kho tàu chín rệu, đĩa dưa hành, ve rượu nhãn Bàu Đá... Ông chủ lịch sự mời khách ngồi vào mâm, mời thức ngon giới thiệu là do bà làm, rượu ngon nổi tiếng do quê nhà chưng cất; vừa ăn vừa chuyện trò chuyện xưa chuyện nay. Ấy là khách và chủ từ chuyện dùng bữa sang chuyện chia sẻ tâm tình, chuyện tình yêu và hy vọng. Một buổi sáng Xuân, chủ nhà pha bình trà mạn sen tỏa nhẹ hương thơm, ngồi chờ bạn đến. Hai người bạn tâm giao ngồi đối ẩm, thưởng thức hương vị trà thì đó chẳng phải cái thú tinh thần là gì!
Ăn Tết nay, mọi thứ ra chợ, ra siêu thị mình nhớ Tết xưa quá:
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng
Cá đêm cuối chập nướng than hồng
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông. (Tết của bà - Đoàn Văn Cừ)
Mong rằng Tết năm nay, gia đình nào cũng có được một cái Tết giàu ý nghĩa văn hóa tinh thần cháu con đoàn tụ và hướng lòng về những vùng quê nghèo, vùng vừa bị thiên tai lũ lụt với bao nỗi đau còn đó.
Huỳnh Kim Bửu