Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam: Hạnh phúc theo cách bạn chọn lựa! Suy ngẫm
Mọi người đều có quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc! Vậy có ai sinh ra trên đời chỉ để hi sinh cho người khác?
Từ bấy lâu, người phụ nữ Việt Nam vẫn được ca ngợi với đức tính cao cả: chịu thương chịu khó; là người mẹ, người vợ thầm lặng hi sinh tất cả, quên thân mình vì chồng con. Hình ảnh người phụ nữ nuôi tằm dệt tơ, bưng cơm rót nước cho chồng, thương yêu dạy dỗ con cái… vẫn được xem là hình ảnh tuyệt đẹp. Nhiều tượng đài như thế đã được dựng lên để tôn vinh.
Dù thời phong kiến nghiệt ngã đã qua đi rất lâu, dù cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, thì gánh nặng tam tòng vẫn cứ đâu đó quẩn quanh để níu giữ đôi chân tự do của người phụ nữ.
Thử nhìn ngược lại vấn đề: phụ nữ sinh ra đời để làm gì? Trong xã hội hiện đại ngày nay, những nhu cầu hay khao khát của phụ nữ cũng không khác gì so với đàn ông. Họ cũng có quyền theo đuổi ước mơ, sống với những niềm đam mê, đặt ra những mục tiêu để phấn đấu, gây dựng cho mình sự nghiệp, lựa chọn cho mình một cách sống…
Có rất nhiều phụ nữ xem đời sống gia đình là mục tiêu quan trọng nhất: gia đình êm ấm, hạnh phúc là thành công của đời mình. Để đạt được điều đó, người phụ nữ dồn mọi nỗ lực vào đời sống gia đình. Khi chồng thành đạt trong sự nghiệp, con cái gặt hái những kết quả tốt trong học hành, phụ nữ xem như họ đã thành công trong cuộc đời. Ở nhà chăm lo cho con cái, đứng sau cổ vũ cho sự thành công của chồng, đó là một lựa chọn. Như vây, không thể nói việc phụ nữ lui bước về gia đình để làm hậu thuẫn cho sự thành công của chồng con là một sự hi sinh. Bởi những thành tựu của chồng con họ chính là niềm vui, hạnh phúc nhất với họ mà họ đã lựa chọn để “đầu tư” vào.
Nhiều phụ nữ đang trên đà thăng tiến trong sự nghiệp thì sinh con và phải ở nhà chăm sóc con một thời gian, phần lớn chúng ta xem đó là một sự hi sinh. Thực ra, đó là một lựa chọn theo cách nghĩ của họ. Và nếu đã lựa chọn cách sống vì người khác thì hãy hạnh phúc với điều đó, đừng gọi là hi sinh để rồi kỳ vọng người khác phải đáp lại theo cách mình mong muốn thì mới hạnh phúc.
Chính vì nghĩ rằng mình đã và đang hy sinh cho chồng con, nên người phụ nữ dễ rơi vào sự đòi hỏi rằng mình phải được đền đáp xứng đáng; khi kết quả diễn ra không như ý muốn thì họ đau đớn và khó chấp nhận được. Người phụ nữ cần nhìn nhận rằng: đầu tư thì có rủi ro. Không phải lúc nào người phụ nữ lui về hậu phương cũng đạt những kết quả mong đợi. Nếu người phụ nữ xem đó là một sự đóng góp cho tình yêu, là trách nhiệm của người vợ trong gia đình, hay đó là môt “cuộc đầu tư” cho tương lai thì người phụ nữ đó sẽ vui vẻ đảm đương vai trò của mình, và hạnh phúc của họ cũng không quá lệ thuộc vào kết quả như thế nào. Nếu xem đó là sư hi sinh ngay từ đầu thì dễ rơi vào thất vọng và thấy mất mát khi mọi việc không suôn sẻ hoặc kết quả không như ý muốn. Vậy, chỉ cần thay đổi nhận thức, nhìn lại vai trò của mình, hiểu rõ quy luật cuộc sống, thì người phụ nữ sẽ không than thân trách phận rằng mình đã hy sinh mà không được gì cả. Nếu lâm vào cảnh này thì người phụ nữ nên nghĩ theo chiều hướng: thua “công cuộc đầu tư” này, ta “đầu tư” vào công cuộc khác.
Tất cả phụ nữ sinh ra đều có quyền theo đuổi hạnh phúc, quyền sống và quyền tự do của riêng mình. Mọi quyết định của họ trong cuộc đời từ việc chọn cho mình cách sống, cách sử dụng thời gian, hướng đi trong cuộc sống- tập trung vào sự nghiệp hay gia đình, dành thời gian chăm sóc bản thân hay dành thời gian chăm sóc chồng con… đều là lựa chọn của riêng cá nhân người phụ nữ. Với ý thức như vậy, người phụ nữ sẽ hiểu rằng, mình không dành cuộc đời để hy sinh cho ai cả, và cuộc sống hạnh phúc theo cách của mình. Và những người đàn ông hay bất kỳ ai khác không thể dựa vào cái gọi là đức hy sinh
Quách Tuấn Khanh