Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít: Chỉ có kẻ ngốc mới dùng miệng làm vũ khí tấn công mọi người Suy ngẫm
“Im lặng là vàng”, vậy nhưng, học nói chỉ mất 2 năm còn học cách im lặng thì phải mất cả đời.
Chìa khóa cho sự thanh lịch của con người là kiểm soát cảm xúc và không tấn công người khác bằng lời nói của mình. Hãy nhớ rằng: Nước sâu thì chảy chậm, người khôn thì nói ít. Người thật sự có học vấn luôn khiêm tốn mà không khoe khoang. Người thật sự có của cải luôn giản dị, không màng hào nhoáng. Còn người có trí tuệ luôn biết giữ im lặng và chỉ nói vừa đủ khi cần.
Nikki Sex đã nói: “Một người đang tức giận hiếm khi dừng lại để nhìn nhận cách cư xử của mình”. Quả đúng như vậy, cho dù thông minh đến mấy, một khi tức giận, chúng ta sẽ không thể đưa ra các quyết định đúng đắn và khôn ngoan nhất có thể mà thường để cảm xúc tiêu cực chi phối. Những lời nói ra trong lúc tức giận cũng tương tự như vậy. Mỗi câu xúc phạm hay động chạm tới lòng tự trọng đều khiến người khác tổn thương rất nặng nề, trong khi bạn cũng chẳng được lợi gì cả. Đây là hành vi chỉ có những kẻ ngốc mới làm.
Dù có mạnh mẽ đến mức nào, cứng cỏi ra sao, trái tim vẫn phải nhận những tổn thương do vô tình hay cố ý, để lại những hậu quả không bao giờ mờ.
Nói vốn là khả năng độc đáo phân biệt loài người với loài thú. Thế nhưng một số người lại dùng khả năng này để thốt lên những lời lăng mạ, chửi thề, báng bổ, khiếm nhã và tục tĩu có thể làm tổn thương – đôi khi còn nặng hơn những thương tích về thể chất. Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm, nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay. Cho nên, học ăn, học nói, học gói, học mở, thiếu một thứ cũng không được.
Giao tiếp luôn chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng hay hình thức. Người Trung Quốc có câu: “Nếu gầm rú cũng giải quyết được vấn đề thì con lừa sẽ thống trị thế giới.” Thỉnh thoảng, chúng ta khó cưỡng lại sự thôi thúc công kích một người nào. Khi bị đối xử bất công, ta sẽ cảm thấy có lý do để phạt người xúc phạm đến mình bằng những lời ác nghiệt, gay gắt ở trước mặt hoặc sau lưng người ấy. Thế nhưng, người xưa đã dạy “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.” Vì vậy, dù trong cuộc sống hay ngoài xã hội, chúng ta luôn phải kiểm soát cảm xúc và nói năng nhẹ nhàng. Đây là cách xây dựng ấn tượng đầu tiên tốt đẹp trong mắt người khác.
Lời nói của con người luôn có hai mặt: Một xoa dịu động viên an ủi những trái tim đang tổn thương. Một như mũi tên tẩm độc phi thẳng đến nơi mà nó muốn đến.
Cho dù ngoại hình không đặc biệt, một số người vẫn tạo thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên nhờ khả năng ăn nói tốt của mình. Ngược lại, với những người hễ nói chuyện là tỏ ra khó chịu, thích phàn nàn, giọng điệu mỉa mai châm biếm người khác,… họ chỉ để lại ấn tượng rất xấu trong lòng mọi người xung quanh cho dù xinh đẹp giỏi giang bao nhiêu. Việc tìm cách trả thù người khác bằng hành động hay lời nói cũng chỉ khiến bạn thêm tức giận, lãng phí thời gian và hủy hoại bản thân. Hãy sử dụng thời gian đó làm những điều có ích và có lợi hơn cho bản thân mình.
Muốn học được cách ăn nói khôn ngoan, chúng ta phải biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Chỉ có chính bạn mới có thể thay đổi tâm trạng, từ đó thay đổi cách giao tiếp và thay đổi cả vận mệnh của bản thân. Khi bạn “quản lý” được những gì mình nói, đó cũng là lúc bạn biết cách tôn trọng người đối diện. Thay vì công kích, hãy dùng lời nói của mình giúp đối phương hạnh phúc và vui vẻ, bạn sẽ thu hoạch nhiều điều có lợi hơn cả.
Sự quan tâm và lòng chân thành tôn trọng đối với người xung quanh sẽ thúc đẩy chúng ta luôn luôn dùng những lời tốt đẹp.
Khi bạn định phàn nàn điều gì đó, hãy thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Khi bạn ghen tị với người khác, hãy nhìn những người còn thua kém xung quanh. Khi bạn thấy tức giận, hãy đặt mình vào vị trí của đối phương suy nghĩ. Từ một góc độ khác, bạn sẽ thấy cả thế giới thay đổi khác hẳn. Học cách rũ bỏ và vượt qua những suy nghĩ tiêu cực của chính mình mới là cách kiểm soát cảm xúc lâu dài nhất, giúp chúng ta tránh khỏi sai lầm trầm trọng trong giao tiếp và quan hệ xã hội.