Tâm lý nô lệ của người Việt Suy ngẫm
Sĩ phu nước ta nhiều lần chỉ ra thói hư tật xấu của đồng bào mình. Phan Kế Bính viết phong tục, quá nửa phê phán thói xấu hủ tục. Tản Đà, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trường Tộ cũng lên án kịch liệt người Việt xấu xí. Phan Khôi viết thế này: “Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là từ thời Lê Trung Hưng về sau. Người trên người dưới bắt chước nhau, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới đợ lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn yếu ớt…”
Cội nguồn mọi thói xấu có căn nguyên từ lịch sử dân tộc. Hơn nghìn năm lệ thuộc trực tiếp. Từ Đinh Lê đến Nguyễn, không kể10 năm thuộc Minh đen tối, còn thì độc lập mà vẫn danh nghĩa là lệ thuộc. Trên ông vua ta có một thiên triều. Song, cái chốt đích đáng là toàn bộ nền văn hóa, lý luận cốt lõi, nền tảng xã hội lấy cơ sở từ Nho giáo, triết học ngoại lai. Lý luận trị nước ở một nước lãnh thổ rộng lớn, phong thủy khác, văn hóa khác bị du nhập vào dưới lưỡi gươm của kẻ nô dịch bá chủ, nó càng bị ép buộc chặt chẽ. Cả dân tộc là tù binh của ý thức hệ ngoại lai.
Ảnh minh họa
Lê Thái tổ phục hưng dân tộc đầu tk 15, song cuối cùng đất nước vẫn không vùng thoát khỏi thiên hạ của nhà Minh, Nho giáo bắt đầu phát triển hơn bất kỳ bao giờ trước đó. Lý Trần tam giáo đồng nguyên nước mạnh đến thế, mà sau Lê nước càng ngày càng ươn hèn. Đến Lê Trung hưng thì cái ưu việt của Nho giáo thời Lê Thánh tông đã phôi pha, còn cặn bã của nó phát tác, Phan Khôi cũng chỉ ra các thói hư tật xấu của người Việt bắt đầu nặng từ Lê Trung hưng.
Nô lệ về lý luận thì mọi mặt đời sống bị dẫn dắt cũng bị nô dịch. Không ai cai trị hữu hình, mà tư duy, phong tục, thói sống biểu hiện ra. Nghĩ một chiều, xã hội thời chiến triền miên, dân cũng như lính có ý thức phục tùng răm rắp, quan lại ai cũng tưởng, cũng muốn mình là tướng là tư lệnh. Từ đó, từ quan đến dân không ai thích nghe lời nói khác, nói gì đến tranh luận.
Thời hiện đại, trí thức Việt cũng không phải từ nước khác di cư đến, là hậu duệ của cha ông anh dũng và đau khổ, thì sao bắt trí thức thoát ra ngay. Đến các anh tự vỗ ngực là dân chủ, người khác nói không đúng ý mình, cũng nhảy lên có khi mạt sát lại. Theo dõi các nhà văn cãi nhau, ít ai nghe ai. Nói gì đến các quan chức nắm quyền trong tay, xử ai bắt ai cần gì lăn tăn tra văn bản pháp luật.
Hậu quả của tâm lý nô lệ là lối sống bầy đàn. Lạ thay nó xâm nhập cả vào thời kỳ thị trường méo mó. Một ông bán ốc Ông Già đắt khách, xuất hiện hàng chục Ông Già. Khắp nơi gà Mạnh Hoạch, vô tư vui vẻ. Còn chuyện a dua nghe nói thế, tin là thế không để lại dấu vết thì vô khối. Nó là tập quán.
Hai cái xe dựa nhau thoát nạn. Một báo thêu hoa dệt gấm. Các báo khác chẳng tự điều tra, thêu dệt theo. Ông ủy ban và chóp bu cũng tặng thưởng “theo báo chí phản ánh”. Cái vụ này là biểu hiện rõ các đặc tính nô lệ trong tư duy và hành xử. A dua nói theo, không cần nghe ý kiến khác, nên mới nên chuyện.
Năm 1945, cụ Hồ dẫn dắt dân ta giành độc lập, cụ có lý đề câu Tự do Hạnh phúc ngay sau chữ Độc lập. Từ nô lệ đến độc lập 2000 năm, đến tự do bao nhiêu năm, đến hạnh phúc thêm bao nhiêu nữa?
Người Việt về đặc tính tâm lý nô lệ giông giống người Hán. Sau nhà Tây Hán của Lưu Bang, kể cả Đông Hán, thì hầu hết thời gian bị ngoại tộc thống trị, ngay người TQ cũng nói dường như chỉ nhà Tống là tộc Hán. Gần nhất là Thanh triều làm nhục dân Hán mấy trăm năm, Lỗ Tấn mới chế diễu thói xấu dân tộc mình, Tôn Trung Sơn mới cách mạng được chính quyền, song Tôn xét cho cùng cũng là dân Quảng, chả phải Hán thuần, mà có dòng máu Việt. Thói hư tật xấu của Hán thì Việt có hết. Thói tốt của Hán thì Việt chỉ có một phần. Chuyện này bàn vào dịp khác.
Làm gì chữa khỏi tâm lý nô lệ của dân Việt? Anh hỏi tôi, tôi hỏi ai?
FB Nguyễn Xuân Hưng