World Cup và cuộc đời… Suy ngẫm
Khó tính hết trên cõi đời dưới gầm trời này, con người đã nghĩ ra bao nhiêu trò chơi để làm dịu vơi đi những nỗi buồn, khỏa lấp nỗi cô đơn và, luôn luôn là, để thể hiện cái tôi mong muốn chiến thắng – vượt lên chính mình trong những thách thức ngắn ngủi của lẽ sinh tồn…
Trong số hàng vạn trò chơi (có thể là nhiều hơn nữa), thể thao luôn là số một, bởi lẽ, đúng như người Hy Lạp cổ xưa cách đây nhiều ngàn năm đã minh định, “cao hơn nữa, nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa” là một trong những “nguyên tắc” đảm bảo cho sự sống còn – đúng với mọi ai, không loại trừ, cả người lùn nhất quả đất!
“Ông vua” của những trò chơi xếp hạng đấu tiên ấy, là bóng đá. Đôi khi, ta khó ngẫm cái lẽ vì sao bóng đá lại hấp dẫn, tức tưởi, sướng vui và đớn đau nhiều đến thế, bất kể “nó” chỉ là một trò chơi?! Câu trả lời gần đúng và chẳng bao giờ đủ, thật giản dị: Bóng đá đã và luôn là ánh phản chân thực, toàn diện nhất của cuộc đời. Thế nhưng, chỉ nghĩ thoảng qua từ một vài trận cầu thì giả định trên vẫn thật là khiên cưỡng. Phần khiếm khuyết của những trận đấu cấp câu lạc bộ là “chúng nó” vẫn còn thiêu thiếu cái gì đó…
Cái “thiêu thiếu” đó chính là cấp độ. Nếu so sánh, niềm hạnh phúc khi nâng cao chiếp cup vô địch quốc gia sau một mùa bóng, sẽ chẳng là gì khi đứng bên cạnh “ngai vàng” vô địch thế giới. Niềm tự hào dân tộc, ước vọng san lấp bớt khoảng cách với các cường quốc là khát vọng của cả cuộc đời, thậm chí, rất nhiều cuộc đời của nhiều thế hệ…
Người Đức sẽ không đau đến thế khi bị loại bởi Hàn Quốc; vâng, từ một đối thủ đẳng cấp thấp đã… bị loại. Phế bỏ một ông vua luôn là cảm giác, sự phấn khích chẳng thể gì tả nổi… Cũng tương tự, một quốc gia nhỏ bé với dân số chỉ bằng Thành phố Vinh (350.000) như Iceland lại có thể cầm hòa, gián tiếp loại bỏ “á thần” Argentina quả là điều diệu vợi. Argentina thua Pháp ở vòng 1/8 có “nguồn cội” bắt đầu từ chỗ họ đánh mất sự tự tin, thi đấu với tâm trạng bất an, sau trận hòa với Iceland…
Bi kịch và bất ngờ của World Cup còn được đẩy lên đến mức kịch tính khi ở trận tư kết ngày 7.7.2018, Bỉ hạ gục Brazil – đội tuyển đã 5 lần vô địch thế giới. Bản hãy hình dung nước Bỉ thật sự bé nhở khi đứng bên cạnh gã khổng lồ Nam Mỹ: Diện tích Brazil lớn gấp 278 lần Bỉ (8,5 triệu km2/30.500 km2), còn dân số là gấp 19 lần (210 triệu/11 triệu người)! Bóng đá hấp dẫn là phải, nếu cứ nhìn vào thống kê rồi… lậm suy, rồi choáng vàng vì… sai!
Bạn khó có thể tìm thấy ở đâu những cảm giác, những tâm trạng giông giống (bản sao) của lẽ đời như bóng đá. Nếu trong đời thường, làm hại người khác bằng cách phạm luật hay xấu chơi thì bóng đá “đặt tên” cho các thủ đoạn đó là “tiểu xảo”. Nếu như ai đó còn nghi ngờ về vị thế của Định Mệnh khi cứ lởn vởn trên mọi số phận để ám sảnh hay ban phát thì hãy nhìn vào bóng đá: Dù đã có lợi thế hơn hẳn người Anh (dẫn trước một quả pénalty), cầu thủ Mateus Uribe đã đá bóng dội xà, khiến Carlos Bacca, trong tâm thế nặng nề, sút như thể “cho vui”, bị Pickord chặn được, dâng chiến thắng cho người Anh!
24 năm trước, World Cup 1994, USA, chỉ vì một sai lầm, khiến Columbia bị thua, Andres Escoba bị bắn chết ngay khi World Cup vừa kết thúc(!) Bây giờ, hai “tội đồ” của Columbia vừa nhận tin dọa giết(?) Đôi khi, bóng đá cũng tàn nhẫn và độc ác như thói đời. Định mệnh đang đùa dai để bắt người Columbia xa xót mãi hoài và, định mệnh dường như đã buông tha người Anh: 22 năm trước (Euro 1996), tổ chức tại Anh, Gareth Southgate là tội đồ đá hỏng pénalty, khiến đội Anh bại trận trước người Đức. Southgate bị thù ghét đến mức phải mang mặt nạ đến nhà hàng(!). 22 năm sau, HLV Trưởng Tuyển Anh lại trở thành người hùng(!) vì đã giúp nước Anh xóa bỏ được “lời nguyền” – toàn thua đá luân lưu trong các giải đấu lớn?!...
Đã bao giờ bạn nghĩ có cái gì trên đời này có thể lôi cuốn, “dựng dậy” hàng chục triệu người trên 193 quốc gia (thành viên LHQ) - nếu tính cả các vùng lãnh thổ trực thuộc thì FIFA có 211 thành viên , như World Cup? “Mùa” World Cup, có lien tưởng dường như “trái bóng mẹ” là Quả Đất đã bơm đầy năng lượng để tiếp sức cho hàng tỷ trái bóng con lăn theo… Sự hoàn hảo của hình tròn trong từng trái bóng, tiếc thay, lại mang theo biết bao sự bí ẩn và méo mó của cuộc đời.
Chẳng hạn, điều khó nhất khi sống trên đời này là phân biệt sự Đúng – Sai. Không ngồi lên cyclo, bắt ông già 70 tuổi cong lưng đạp là đạo đức hay ngồi lên để ông lão kiếm được bát cơm là hợp lý? Dạng câu hỏi này đồng hành với mỗi chúng ta từng ngày. Bóng đá dẫn dắt những câu trả lời bí hiểm khôn lường.
Không ít người “lên án” (có tôi) cách chơi tử thủ của Đội tuyển Nga trước Tây Ban Nha là thù ghét cái đẹp, là a dua theo thói xấu. Dường như tin là thế nên Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cúi đầu xin lỗi vì Đội tuyển Nhật đá bóng phi thể thao, cố giành tấm vé lọt vào vòng sau bởi có số thẻ vàng ít hơn Senegal. Abe coi đó là nỗi nhục vì đã phá hủy tinh thần Samurai – giống như câu thành ngữ “Samurai Yamato Daishii” – Tinh thần Samurai là linh hồn của Nước Nhật. Đội tuyển Nhật đã nghe theo, sửa sai bằng một cách thức chẳng thể nào tệ hơn: Sau khi dẫn trước Bỉ 2-0 trong chưa đầy 10 phút của Hiệp 2, họ không hề tử thủ mà cứ vì… cái đẹp, tấn công tưng bừng, để rồi bị loại vì thua ngược(!)?
Sự ngây thơ chân thành đến mức ấy luôn đồng nghĩa với thất bại. Giả sử, trong vài chục phút còn lại, người Nhật hành xử như Nga thì há dễ gì Bỉ lội được ngược dòng ngoạn mục? Dĩ nhiên, sau “chuyện đã rồi”, nói ra thì thật dễ. Ai cũng phải sờ gáy mình bởi chưa hề thấy có ai đó không dại dột, “thơ ngây” trước cái đẹp bao giờ…
Bóng đá là trò chơi tập thể cho phép một cộng đồng người thỏa mãn mong mỏi chiến thắng theo bản năng. World Cup minh xác sự thật ấy. Ba quốc gia có dân số đông nhất hành tinh là trung Quốc (1,383 tỷ), Ấn Độ (1,327 tỷ) và Mỹ (0,324 tỷ người, số liệu năm 2017) gần 100 năm nay vẫn cứ đã và đang phải dõi mắt nhìn theo những quốc gia nhỏ tung hoành, ngạo nghễ. Bất chấp nguwoif Mỹ, người Trung Quốc đã đầu tư bằng mọi cách và mọi thứ có thể, họ vẫn chỉ là những chú lùn trong ngày hội lớn nhất hành tinh. Chắc chắn, chẳng có môn thể thao nào lại “trái khoáy” thích “ỡm ờ” như… bóng đá. Kẻ yếu, nước nhược cứ mãi ngẩng cao đầu trong niềm vui và sự tự thỏa mãn – y như thể trong cuộc đời này, Chí Phèo mãi tự hào vì có người vợ chung thủy nhất trần gian, bởi chẳng có cơ hội nào khác hơn để Thị Nở có thể thử thách sự chung thủy, chứng minh là không bao giờ… ngoại tình!...
Tin hay không là tùy, nhưng bóng đá, dù muốn, dù không, bạn vẫn phải “sống chung” với nó. Cả thế giới mỏi mệt, mất ngủ, bê trễ, đảo lộn… Có hề chi. Rất nhiều bất ngờ khó lường đến mức ngoạn mục, chẳng sao, đời là thế. Những “oan trái”, những bi kịch, dẫu Mát xcơ va có tin vào nước mắt (tên một bộ phim nổi tiếng, “Mockba không tin những giọt nước mắt”) hay không, bóng đá vẫn quyến rũ bằng những khó lường. Suy cho đến cùng, nếu cuộc sống không có những oái oăm đẫm nước mắt mừng vui và đớn đau, thì đó chỉ là sự tồn tại của những mảnh đời tẻ nhạt, buồn chán.
Nói đến bóng đá, không thể không bàn về ông “vua” của các cầu thủ là trọng tài. Cũng giống như đời, “lãnh đạo, công tố viên” của sân cỏ đã gây ra chẳng biết bao nhiêu nỗi nghẹn ngào, tức tưởi bởi những nhận định – phán xét sai lầm. Cũng dễ hiểu bởi quyền lực – độc tài luôn là nỗi đau của con người. Bất kể hàng triệu người phẫn nộ, các vị vua sân cỏ vẫn cứ tin là mình đúng – bởi, họ ít khi bị trừng phạt do… “lỡ” đổi trắng, thay đen.
Rất may là World Cup năm nay đã có thêm vị vua mới của thời đại 4.0 là VAR. VAR đã làm thay đổi tất cả các trọng tài: Muốn thiên vị chẳng dễ gì khi kỹ thuật số cho phép nhìn và thấy, và biết gần như tất cả những sai sót… Thế mới biết thông tin đa chiều đã cột tay, bịt còi của các nhà độc tài sân cỏ, đem lại sự công bằng có thể nhất cho trò chơi vĩ đại…
World Cup đã đi đến đoạn cuối của chặng đường. Sự tiếc nối còn lại; rồi, con người lại hóng chờ, mong mỏi đến World Cup lần sau. Rạo rực và da diết, say mê là phải thôi vì chính World Cup cho ta thấy rõ cuộc đời méo mó ra sao, bất kể trái bóng vẫn tròn. Giật mình khi biết rõ một điều: Mỗi đời người chỉ có thể được thấy, tận hưởng World Cup có mươi lần… Quá ít nên đừng bỏ lỡ, bạn của tôi ơi!...