Có nên bênh vực người cô thế? Suy ngẫm
Tâm lý thông thường của con người là khi gặp người yếu thế ở những chốn đông người, chúng ta dường như bị thúc giục bởi cảm giác muốn bênh vực họ, như người nghèo khổ hơn, người ít quyền lực hơn, hay người đi phương tiện giao thông thô sơ hơn… Ngay cả khi xem thể thao, không ít người trong chúng ta tỏ ra hào hứng khi đội yếu hoặc kém danh tiếng hơn có vài ba cơ hội vươn lên; ví dụ như trong bóng đá, một đội bóng yếu khai thác được một sai lầm của đội mạnh để ghi bàn, sau đó kéo về khung thành nhà tử thủ làm cho trận đấu trở nên một chiều, đôi khi bị nát vụn, nhưng nhiều khán giả vẫn thích thú nếu đội yếu chiến thắng trong thế trận như vậy.
Tôi đã gặp những sự việc tương tự trong chính các chương trình đào tạo đặc biệt của mình. Khi đưa mọi người vào tình huống giả định rằng: “Giữ lấy sự sống của mình hay nhường sự sống cho người khác?”, nếu trong thành phần tham dự có những phụ nữ đang mang thai thì mặc nhiên mọi người nhường sự sống cho người đang mang thai, dù trước đó, tôi liên tục nhắc nhở rằng: “Khi quyết định giữ lấy sự sống hay nhường cho một ai đó, bạn phải cân nhắc xem ai thật sự là người cần sự sống ấy.” Đôi khi cuộc sống bạn đang sống có giá trị gấp nhiều lần cuộc sống của một người phụ nữ mang thai, có phải không? Hay như một người phụ nữ có 5-7 đứa con ở nhà, một người đàn ông có vô vàn trách nhiệm với rất nhiều người khác… chẳng phải họ cũng cần sự sống đó gấp nhiều lần? Tôi cũng đã thử đặt ra tình huống rằng: có phải đôi khi một đứa bé không chào đời còn hơn là 5-7 đứa bé đã chào đời mà không được chăm sóc tốt? Đó là những tình huống giả định tôi đặt ra, nhưng hình như nhiều người vẫn chăm chăm vào việc phải nhường sự sống cho người đang mang thai.
Sự thật là, khi chúng ta làm như thế là ta đang hành động theo sự thúc giục của một nhu cầu cảm xúc bên trong mình, đó là mong muốn được trở thành anh hùng, được che chở cho kẻ yếu, được thể hiện mình chứ không hẳn vì đó là một quyết định đúng đắn về mặt lý trí. Khao khát này rất mạnh mẽ vì mỗi khi làm như vậy, chúng ta có cảm giác sung sướng vì não tiết ra hóa chất tạo cho ta cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc, tự hào. Vì vậy, lắm lúc chúng ta bị lừa vì những kẻ không đáng được giúp đỡ, không đáng được bênh vực, không đáng được bảo vệ lại ra vẻ yếu đuối khiến ta phải xiêu lòng. Và sau khi nhận được sự hỗ trợ của ta thì kẻ ấy lại lộ rõ bộ mặt xấu xa của mình. Thật ra đó là lỗi của ta, sai lầm của ta vì đã hành động thiếu lý trí mà cứ ngỡ rằng đó là việc nên làm, phải làm. Phạm trù đạo đức không hẳn là đúng sai về mặt lý trí mà rất nhiều khi đúng sai về mặt cảm xúc. Cho nên bạn phải hết sức tinh tế và khôn ngoan để biết nên làm điều gì, không nên làm điều gì, chứ không nhất thiết cứ phải phải bênh vực những kẻ yếu.
Quách Tuấn Khanh