Đừng hoảng sợ trước nạn ấu dâm… Suy ngẫm
Bởi sợ hãi không làm cho các bậc cha mẹ có con trở nên thông minh và tỉnh táo hơn lên trong việc làm sao để tránh cho con họ khỏi các nguy cơ bị xâm hại, khi những đe dọa thực ra có thể đến bất cứ lúc nào, khi họ không ở bên đứa trẻ.
Những ngày qua, khi các thông tin dồn dập liên quan đến hàng loạt các trẻ bị xâm hại được truyền tải trên báo chí, đi kèm với sự phẫn nộ dành cho những kẻ thủ ác còn chưa bị đưa ra vành móng ngựa là một thái độ lo lắng, thậm chí sợ hãi của nhiều cha mẹ trẻ. Họ đặt ra những câu hỏi về việc làm sao để bảo vệ trẻ trong trường học, ngoài đường phố, ở sân chơi, trong các khu chung cư… khi họ không ở bên.
Nỗi lo lắng ấy là có cơ sở và nó bùng lên trong một giai đoạn mà người ta cảm thấy ngột ngạt trước biết bao vấn đề khác của cuộc sống. Nhưng tất cả chỉ mới thực sự rộ lên, được quan tâm sâu sắc sau khá nhiều năm vấn đề này không là mối lo lớn nhất đối với các gia đình có con nhỏ.
Cần trang bị cho trẻ những kỹ năng đơn giản nhất
để tránh sự xâm hại của những yêu râu xanh.
Nhưng sợ hãi không thể giúp họ được. Trong khi chờ đợi công lý ra tay, cần phải có một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong cộng đồng đối với tệ nạn ấy.
Sự thay đổi ấy trước hết phải diễn ra từ chính các gia đình, với các ông bố, bà mẹ, các bậc ông bà, với các thói quen liên quan đến trẻ mà không ít người cho là bình thường, không quan trọng, ít ai để ý: cho các bé gái ngồi lên lòng họ hàng hoặc người quen là nam giới, nghịch bộ phận sinh dục của bé trai, cho con ở nhà hoặc một chỗ nào đó một mình với một người quen biết, hoặc thường xuyên khoe ảnh của trẻ sơ sinh hoặc ít tuổi lên mạng xã hội, trong tình trạng những đứa trẻ không có tã quấn hoặc quần áo.
Sự “vô tư” ấy diễn ra một cách thường xuyên, liên tục, trong nhiều gia đình, và kể từ khi Facebook trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người, việc “khoe con” theo nhiều dạng càng phổ biến hơn, vô tình cung cấp đầy đủ các thông tin và hình ảnh về nhiều đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên cho những kẻ bệnh hoạn đang rình mò quanh ta.
Những nghiên cứu về tệ ấu dâm cho thấy, hầu hết các nạn nhân đều quen biết thủ phạm, và các thói quen gia đình ấy có thể vô tình đẩy đứa trẻ đến tay những kẻ biến thái chưa bộc lộ mình, khi tạo điều kiện cho sự tiếp xúc về mặt thân thể, ban đầu chỉ là một cái thơm, dăm câu đùa cợt, và sau đó là rất hệ lụy khác ta không thể hình dung nổi.
Ở các nước phát triển, các khóa học về nhận thức mức độ nguy hiểm của ấu dâm nói riêng và bạo lực cho trẻ em không thiếu. Việc đưa trẻ em lên mạng xã hội cũng là một điều tế nhị nhạy cảm ở đó, khi các bậc cha mẹ không muốn ai đó bên ngoài biết quá nhiều về con cái họ. Trong cách tiếp xúc hàng ngày, người ta luôn có một khoảng cách an toàn để tránh đụng chạm.
Ở ta, việc hiểu biết chung của cha mẹ về vấn đề này cũng như cách bảo vệ con là cả một vấn đề cần đặt dấu hỏi, khi hoặc họ tỏ ra lo lắng, sợ hãi thái quá đến mức cấm đoán bọn trẻ ra ngoài xã hội, hoặc vì quá bận rộn kiếm sống mà quên đi sự gần gũi cần thiết về mặt tình cảm để đứa trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi.
Sự thay đổi ấy liệu sẽ diễn ra ngay bây giờ, khi người ta cảm thấy sợ hãi, hay rồi mọi thứ lại lắng xuống sau một cơn “lên đồng” của cộng đồng mạng, trước khi có chuyện nóng bỏng nào đó choán chỗ?
Anh Ngọc