Gia Cát Lượng để lại 2 phong thư chứa cả ‘gia tài’ cách dạy con, nghìn năm nguyên giá trị Suy ngẫm
Những bức thư gửi con của ông cách nay gần 2000 năm nhưng vẫn tiềm ẩn giá trị phi thường.
Rất nhiều người Việt Nam biết đến Khổng Minh Gia Cát Lượng qua “Tam Quốc diễn nghĩa”, một tiểu thuyết chương hồi được La Quán Trung viết cách đây hơn 600 năm. Khổng Minh trong tâm trí người yêu Tam Quốc hiện lên sống động với dáng vẻ “tiên phong đạo cốt”, mẫn tiệp, tài trí hơn người, là rường cột của nhà Thục Hán.
Trí tuệ của Khổng Minh thể hiện ở rất nhiều mặt như: mưu lược dùng binh, tài tiên tri, lý số, kỳ môn độn giáp, tài phát minh, tài trị quốc… Tuy nhiên, ít người biết rằng ông cũng là một người rất có trách nhiệm với gia đình, rất quan tâm đến chuyện dạy dỗ con cái. Hai bức thư gửi con trai và cháu trai của ông dưới đây sẽ cho bạn thấy một Gia Cát Lượng “tề gia” chu toàn thế nào.
Thư gửi con trai Gia Cát Kiều:
Phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm, là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng phẩm đức. Không xem nhẹ danh lợi thế tục thì không thể xác định được chí hướng của bản thân. Thân tâm không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa.
Học tập cần phải chuyên tâm ý chí. Để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập thì không thể phát triển tài trí. Không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập.
Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung thì không thể phấn khởi tinh thần. Nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình. Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?
Thư gửi cháu trai:
Một người cần phải có chí hướng cao thượng lớn lao, ngưỡng mộ những bậc thánh hiền, từ bỏ ham muốn và tất cả những gì cản trở sự tiến bộ. Chỉ có theo con đường đó, người ta mới có thể đạt được hoài bão và chân chính thay đổi từ bên trong.
Một người phải có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, không để tâm đến bề ngoài, lắng nghe người khác, từ bỏ ngờ vực và tính hẹp hòi. Khi ấy, người đó chẳng phải lo rằng mục đích không đạt được. Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật, khảng khái thì sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng. Người như thế sẽ vĩnh viễn là hạng phàm phu tục tử, hay thậm chí trở thành người dung tục.
Đối với xã hội hiện đại ngày nay mà nói, sau gần 2000 năm, những lời ấy của Khổng Minh vẫn còn nguyên tính thời sự. Các bậc cha mẹ có thể rút ra rất nhiều bài học từ 2 lá thư dạy con, dạy cháu của ông. Ở đây, xin được mạn phép trình bày một số lĩnh hội của cá nhân người viết.
Bài học thứ nhất: Giữ được tĩnh khí
Ông nói: “Phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn là dựa vào nội tâm an tĩnh”, và khẳng định: “Thân tâm không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa”. Giữa dòng đời bon chen, quay cuồng, giữ được một tinh thần tĩnh tại, một sự an nhiên trong tâm thái quả là không dễ. Người có “tĩnh khí” mới thực sự làm được việc lớn, mới thực sự xứng là quân tử hiên ngang đứng giữa đời.
“Tĩnh khí” ấy không phải một lúc mà thành. Nó phải trải qua một quá trình rèn giũa lâu dài, khó nhọc và đôi khi đau đớn. Khi giữ cho tâm mình tĩnh tại, phẳng lặng như mặt hồ, người đó sẽ trở nên sáng suốt, thông tỏ hơn tất cả. Không một phiền phức nào từ bên ngoài có thể xáo động cái tâm của họ. Đối diện với những mâu thuẫn phức tạp, sự tĩnh lặng, điềm tĩnh lại càng quan trọng hơn nữa. Do đó mới nói xưa nay phàm những người làm việc lớn đều không thể thiếu đi “tĩnh khí”, đều phải học cách ước chế chính bản thân mình.
Bài học thứ hai: Chuyên cần học tập, rời xa lạc thú thấp hèn
Cổ nhân nói: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý” (ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lý lẽ). Trong “Tam Tự Kinh” cũng giảng: “Tử bất học, phi sở nghi. Ấu bất học, lão hà vi?” (Trẻ không học, không biết lễ nghi. Nhỏ không học, về già biết làm gì?). Qua đó đủ thấy đối với chuyện học hành, tu dưỡng, người xưa coi trọng thế nào.
Gia Cát Lượng cũng răn con rất nghiêm khắc: “Để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập thì không thể phát triển tài trí”. Một đời ông là “cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi”. Gia Cát Lượng không ngừng học hỏi, tu thân, sửa mình, vô cùng nghiêm khắc với bản thân. Tài năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” của ông không phải sinh ra đã tự có mà phải trải qua một quá trình trau dồi, rèn giũa đầy khó nhọc, thống khổ.
Ông cũng khuyên con tránh xa các loại dục vọng thấp hèn và tu sửa tâm tính: “Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung thì không thể phấn khởi tinh thần. Nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình”. Chìm đắm trong tửu sắc, hưởng lạc, nói năng lỗ mãng, nóng nảy… đều là biểu hiện của kẻ thất phu khó làm nên nghiệp lớn. Người quân tử thì luôn tự soi gương sửa mình mỗi ngày. Trái lại, kẻ tiểu nhân lại luôn buông thả bản thân.
Bài học thứ ba: Làm người trung thực
Trong quan niệm của người Á Đông, “thật thà là cha lừa đảo”. Sự chân thành luôn là một trong những đức tính đáng trọng nhất. Người trung thực luôn nhận được sự tôn trọng của cả xã hội. “Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật, khảng khái thì sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng”. Thành thật chính là bài học đầu tiên mà một đứa trẻ phải học trong đời.
Dạy con không phải là giúp đứa trẻ được khôn ngoan, lọc lõi hơn. Dạy con là vun trồng đức hạnh, phẩm giá cho con cái. Người thành thật đôi khi có thể chịu thiệt thòi giữa cuộc sống hỗn tạp kia nhưng bù lại sẽ có phúc báo, thiện báo. Bởi ở đời không ai chỉ được, cũng không ai chỉ mất mát. Tất cả đều rất công bằng.