Hạnh phúc và đau khổ Suy ngẫm
Mọi người suy nghĩ đơn giản là ngoại cảnh (tức là người thân, bạn bè, và vật chung quanh mình, món ăn ngon, tiền bạc…) là nguyên nhân làm cho ta hạnh phúc hay đau khổ. Chính vì nghĩ chỉ có ngoại cảnh mới mang lại cho mình hạnh phúc nên ai ai cũng cố gắng tìm được bạn tốt, làm được nhiều tiền, mua được xe đẹp, xây được nhà đẹp, ăn được cao lương mỹ vị… để được hạnh phúc. Nhưng nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy những cái mà mình mong muốn cũng chính là những cái sẽ mang lại cho mình sự đau khổ. Có những món ăn hàng ngày tưởng chừng như ngon miệng nhưng lại là nguyên nhân của nhiều bệnh tật.
Nhiều người thấy tự hào và hãnh diện khi có một chiếc xe đời mới, nhưng cũng chính chiếc xe đó có thể gây cho ta sự tàn phế hoặc mất mạng vì tai nạn. Ngay cả người thân trong gia đình và bạn bè – những người đã từng làm cho ta hạnh phúc – cũng có thể, một ngày nào đó, đem lại cho ta những lo lắng, ưu tư và đau khổ. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày càng làm cho cuộc sống trở nên tiện nghi hơn. Nhưng ngược lại, hạnh phúc của con người thì không thấy gia tăng thêm là bao nhiêu. Trái lại, có thể nói sự đau khổ, những khó khăn trong cuộc sống gia tăng thêm mỗi ngày. Như vậy rõ ràng là muốn thoát khỏi đau khổ, con người ta không thể tìm được từ người và sự vật ở bên ngoài mình. Hạnh phúc và đau khổ là vấn đề ở nội tâm chúng ta.
Hạnh phúc ở ngay bên trong mỗi chúng ta chứ không phải ở bên ngoài. Nếu cái tâm yên ổn thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc. Ngoại vật, dù có tốt đẹp bao nhiêu cũng không thể mang lại cho mình hạnh phúc thực sự được. Hạnh phúc cho dù có lớn đến bao nhiêu rồi cũng sẽ có lúc phải đi đến giai đoạn suy tàn và bước sang giai đoạn đau khổ. Hình ảnh những con thiêu thân nhảy múa, bay lượn ồn ào trước những ánh lửa cũng giống hệt như hình ảnh loài người chúng ta đang lao mình vào những cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc.
Những người giàu có như giám đốc các công ty lớn World Com, Enron, những siêu sao thể thao như Mike Tyson, Simpson rồi cũng vào tù. Họ không phải là những trường hợp ngoại lệ. Họ chỉ là những trường hợp được chúng ta dễ dàng nhận ra mà thôi. Từ ngàn xưa, con người đã nhận ra rằng phía cuối con đường hạnh phúc là sự khổ đau. Con người đau khổ là vì đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ. Nhiều người đi tìm hạnh phúc trong khi còn đang không hiểu hạnh phúc là gì. Ngay cả khi hạnh phúc đang có sẵn trước mặt, đang nằm ngay trong tay chúng ta mà chúng ta cũng không biết, vẫn mải miết đi tìm!
Cuộc đời luôn là sự đan xen giữa hạnh phúc và đau khổ. Có ai tránh được nỗi buồn, có ai tránh được cái chết? Không có hạnh phúc nào là hoàn hảo, cũng chẳng có đau khổ nào là đến mức tuyệt vọng. Hạnh phúc là mầm mống của đau khổ và ngược lại đau khổ là mầm mống của hạnh phúc. Một người cha sau bao nhiêu năm mơ ước có được một đứa con, hôm nay tuổi đã già, đầu đã bạc mới hạnh phúc đón nhận được đứa con trên tay. Một người mẹ hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc chào đời của đứa con mới sinh sau bao tháng ngày mang nặng đẻ đau. Những hình ảnh hạnh phúc này đều đến từ những cơn đau dài. Thượng đế hình như biết cách để đưa đến tận tay những con người đau khổ những món quà quí giá. Có nhiều con đường đến với hạnh phúc. Xã hội Tây Phương giàu có về mặt vật chất, phương tiện và cơ hội.
Cho nên người Tây Phuơng nhắm vào khía cạnh khảng định bản thân và khía cạnh hướng ngoại của cuộc sống để đi tìm hạnh phúc. Họ hướng về thế giới bên ngoài, khám phá, tìm hiểu và chinh phục thiên nhiên, cố gắng tạo ra nhiều hoàn cảnh để vui chơi, bận rộn và để làm giảm thiểu những đau khổ trong cuộc sống hàng ngày. Người Á Đông chúng ta tìm đến hạnh phúc tựu chung với tính cách hướng nội. Người Á Đông thời xưa sống nương theo thiên nhiên và tìm niềm vui trong sự gần gũi, gắn bó với gia đình, với cộng đồng. Chúng ta hướng về tìm hiểu thế giới bên trong tâm hồn với sự tĩnh tại, sự chịu đựng, sự kiên nhẫn, sự tự giác ngộ, sự kín đáo… để tự tạo và đi tìm niềm vui cho mình. Con người ta sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc nếu chỉ sống với mục đích là đi tìm hạnh phúc. Nhiều triết gia tên tuổi đồng ý là: “Hạnh phúc không phải là cái đích ở cuối con đường, mà nó chính là những niềm vui ta có được trong cuộc hành trình”. Nhiều người tin là hạnh phúc đồng nghĩa với sự sở hữu, sự nắm giữ những gì mình đang có như vợ đẹp, con khôn, nhà cao cửa rộng, danh vọng, xe mới …
Đau khổ thì được cho là đồng nghĩa với những gì mình không có hoặc đã có mà nay bị mất đi như người thân, bạn bè của mình qua đời, cháy nhà, mất của, mất việc… Nhưng sự thực thì “được” và “mất” là những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Nếu xét cho kỹ, ta sẽ thấy chẳng có gì là tự nhiên mất đi cả. Thực ra, mọi vật, mọi sự việc đều tìm cách trở về cái chỗ nguyên thủy của nó, nơi nó được sinh ra. Nói một cách khác là mình không làm chủ được cái gì cả. Cái mình tưởng là làm chủ hoá ra chỉ là của mình một cách tạm thời, trong một giai đoạn nào đó mà thôi. Chỉ có một điều làm cho mình cao cả hơn người khác là hãy làm tròn bổn phận, sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.
Khi một cái gì đó còn đang nằm trong tay mình thì mình nên làm tròn bổn phận chăm sóc và thương yêu nó, hay ít ra cũng đừng làm cho nó hư hao, mất mát. Điều này cũng giống như cách mình đối xử với căn phòng của khách sạn mà mình ở tạm qua đêm. Mình sẽ trả lại căn phòng cho chủ khách sạn vào sáng hôm sau. Nhưng hôm nay mình vẫn có bổn phận giữ gìn nó ở trong tình trạng tốt nhất. Chỉ có kẻ điên hay ngớ ngẩn mới mong người thân hay bạn bè mình sống mãi với mình mà không bao giờ chết. Khi ông cụ tôi qua đời, trong lúc việc chôn cất đang tiến hành ở nghĩa trang, Thầy Thích Minh Mẫn có nói một câu mà tôi thấy rất chí tình: Ở cái thế giới nầy tất cả đều tạm thời cả. Không có gì là vĩnh cửu. Bố con không chết, mà bố con “đi về”. Đi về cõi xa, nơi đó không có đau khổ và nỗi buồn. Gia đình con buồn nhưng cũng đừng buồn quá. Như vậy bố con sẽ không đi về được mà hồn cứ bị vương vấn ở cái cõi tạm này vì sự thương lụy của gia đình con. Không biết đến bao giờ mới đi được!”.
Phật giáo cho rằng nguồn gốc của mọi đau khổ là sự ham muốn. Muốn được nhiều mà chỉ nhận được ít thì sẽ đau khổ. Đơn giản vậy thôi! Như vậy, muốn có tự do và hạnh phúc thì con người ta chỉ nên ham muốn một cách có chừng mực, không nên đòi hỏi quá đáng, thậm chí ham muốn càng đơn giản càng tốt. Nếu đòi hỏi nhiều quá thì cuộc sống của mình sẽ chẳng khác gì đi làm nô lệ, tự đưa thân và cuộc đời mình cho người khác điều khiển và sai khiến. Mọi người nên sống một cách thanh đạm, vừa phải. Giống như khi mình đang ngồi ăn trên bàn tiệc, người dọn cho mình món gì thì mình tùy nghi dùng món đó, trong giới hạn của mình. Không nhìn qua bàn người khác để xem bàn người khác có gì, để rồi đố kỵ, ghen tức, đòi hỏi cái mình không có. Hãy lấy một ít để đủ dùng, với những cái đang ở trước mặt mình, đừng kêu ca, phàn nàn gì cả! Thái độ này cũng nên được đem áp dụng cho các vấn đề về tình cảm, gia đình, tiền bạc và danh vọng… Chúng ta sẽ thấy thanh thản và hạnh phúc hơn.
Khi gặp phải một chuyện không vui, chẳng hạn như con cái khó dạy, công việc làm ăn khó khăn… mình phải kiên nhẫn vượt qua và tìm cách tốt nhất để giải quyết. Có than vãn cũng chẳng giải quyết được gì, vì ai cũng đang bận tâm với những khó khăn riêng của mình. Như ta thấy, trong một vở kịch các vai phải được đóng theo kịch bản được viết sẵn. Không đời nào kịch bản được viết theo ý thích của diễn viên. Vở kịch yêu cầu sao thì mình đóng như vậy. Trong vở kịch cuộc đời, mình sẽ đóng tròn vai mà Ông trời đã giao cho mình, không thể bắt Ông trời phải chỉnh sửa kịch bản theo ý thích của mình được. Khi phải đương đầu với một chuyện buồn, đừng để chuyện buồn hủy diệt mình. Phải hiểu là sự thương lụy, buồn đau có thể làm hại đến sức khỏe, đến gia đình và tài sản của mình. Xem tin buồn như chuyện phải lưu tâm là đủ rồi. Có thể tạm nghĩ đến cái chết của người khác để mình thầm cảm ơn trời đất đã cho mình còn sống, và để bớt đi những đòi hỏi vô lý cho riêng mình. Những gì trong tầm tay của mình mà mình có thể làm được một cách dễ dàng thì cũng đừng nên kiêu ngạo, đừng tỏ ra ta đây quan trọng.
Mục đích của mình chỉ là để đầu óc được thảnh thơi, tâm hồn được thanh thản. Muốn đầu óc được thảnh thơi, tâm hồn được thanh thản, chỉ có một cách duy nhất là không nên can dự vào những chuyện nằm ngoài tầm tay, nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhiều khi cái tâm mình không yên vì cứ tưởng người khác có ý định nói xấu hay sỉ nhục mình. Có biết đâu chính bởi vì mình vội vàng, mình cả nghĩ nên mới kết luận như vậy. Nói tóm lại, nếu có ai đó không cần tiền, không cần danh vọng, không mong muốn những điều cao vọng ngoài sức của mình nữa thì người đó sẽ là người hạnh phúc nhất trên đời. Và nếu ta làm được như vậy thì ta cũng sẽ là người hạnh phúc nhất đời!