Hãy yêu thương khi còn có thể Suy ngẫm
Mới sáng sớm có người đàn bà mù ngồi khóc trước cửa chùa. Trong tay cầm cây gậy tre, lâu lâu bà lại quẹt đi những giọt nước mắt đang lăn trên má mình. Bà không gọi để mở cổng mà ngồi ngay trước cổng với hy vọng có ai đó ra hỏi thăm mình.
Hôm nay tôi phải đi đám cho nhà người ta ở rất xa. Xe cũng đã đến đón nên tôi cũng tranh thủ đi cho kịp giờ hẹn. Khi bước ra để mở cánh cổng, tôi đã chào người đàn bà chừng 50 tuổi, tóc ngắn có cặp chân mày xăm đậm màu, tôi hỏi:
- Nhà bà ở đâu, sao bà ngồi đây làm gì?
Bà khóc và nói: "Tôi khổ quá thầy ơi, tôi thuê nhà ở gần đây và tôi không dám về nhà vì thằng con trai tôi mỗi khi say rượu vào thì lại đánh tôi, nó bảo tôi là đồ ăn hại, già rồi còn mang thêm gánh nặng cho nó, nó đánh và đuổi tôi đi".
Bà lại ôm mặt khóc tức tưởi. Anh Phật tử đến đón tôi cũng thấy ngần ngại liền nói thôi bà đừng khóc nữa, vào chùa lạy Phật cho con bà không còn đánh bà nữa. Thấy vậy tôi cũng kêu các chú tiểu dẫn người đàn bà ấy vào chùa cùng các chú tiểu niệm Phật, rồi đem cơm cho bà ăn.
Chúng ta sống không bao lâu, nên hãy sử dụng thời gian cho những điều có giá trị...
Câu chuyện này không kết thúc ở đây khi lâu lâu lại một ông, lâu lâu lại một bà, họ đến và xin được ở chùa vì nhiều lý do khác nhau - nhưng nhìn chung các vấn đề đưa ra của họ là "tôi từng có nhà mặt tiền, tôi từng có tiền tỷ hoặc tôi từng có mọi thứ" và giờ tôi đang đau khổ.
Câu hỏi lúc này của tôi là điều gì đã xảy ra khi cuộc sống của họ đi đến ngõ cụt như lúc này, điều gì đã làm nên câu chuyện cuộc đời họ trong những ngày tháng đã qua, có phải họ đã quá hời hợt với những người thương xung quanh mình?
Những người làm cha làm mẹ - nhiều người từng nói với tôi rằng: "Con tôi nó hay chửi tôi, con tôi nó nói nặng tôi, con tôi nó đánh và đuổi tôi đi" - hàng trăm câu chuyện như thế và cũng có hàng trăm câu chuyện về những người cha người mẹ đánh con, chửi con, đuổi con đi. Tất cả là gì?
Một số câu trả lời chung: đó là suy thoái đạo đức, bất hiếu... Đây là một vấn nạn xã hội thời bây giờ.
Chúng ta muốn có những đứa con tánh tình lương thiện, chúng ta cần là người gương mẫu; chúng ta muốn có những đứa con hiếu thảo bản thân chúng ta phải hiếu thảo. Và khi chúng ta muốn bỏ rơi chính những đứa con của chính mình thì trách sao lớn lên chúng bỏ mặt mình?
***
Trong cuộc sống hiện đại vốn dĩ rất hối hả, quay cuồng với cơm áo gạo tiền nên đôi khi chúng ta đã đẩy gia đình mình vào những hệ luỵ rất thương tâm, bi kịch về bạo hành gia đình đã và đang là những điều cần xem lại đối với mỗi người làm cha làm mẹ, làm con.
Thực tế, nhiều người đã sống thiếu trách nhiệm với bản thân, ích kỷ với những người thân thương của mình, đôi khi là quá vô tâm với cuộc đời nên họ đã làm tổn thương và phá tan mọi thứ lẽ nên cần được xây dựng trên nền tảng gia đình, với tổ ấm yêu thương. Mỗi ngày trôi qua, họ bị u mê bởi những ảo tưởng như trông chờ vào phép màu để thay đổi số phận mà không nhớ rằng - điều rất cơ bản đó là hãy thay đổi bản thân mình để thích nghi, hòa hợp với cuộc đời của chính họ, để cải tạo cuộc sống mà mình đang trải qua...
Nhân quả là thứ họ thừa hưởng ở một lúc nào đó. Nhận ra điều này thì họ mới ngưng oán trách và cần mẫn làm việc lành thay vì nghĩ điều không hay để "trả thù đời" hay gieo rắc niềm đau cho người khác.
Hãy sống với những điều tốt đẹp ngay hôm nay, đừng để từng ngày trôi qua trong đắm chìm bởi tội lỗi, đừng đem cuộc đời mình ra cá cược với những thứ vật chất tầm thường và đổi lại những đau khổ không biết lúc nào nó đến. Phải yêu quý chính bản thân để ngày sau không phải có những giọt nước mắt hối hận, trách hờn buồn tủi với số phận bẽ bàng. Nếu có ai bảo tôi chia sẻ, tôi sẽ lặp lại điệp khúc này, dành cho họ và cũng để răn nhắc tự thân...
Thích Đức Minh