Lối suy nghĩ khiến bạn cả đời không giàu nổi Suy ngẫm
Trong cuộc sống, chúng ta tiếp cận với rất nhiều triết lý về tiền bạc, thế nhưng ít ai ngờ rằng có nhiều triết lý không hề chính xác và nó ảnh hưởng tới khả năng kiếm tiền của chính bạn.
Chắc hẳn trong cuộc sống hàng ngày bạn đã từng nghe rất nhiều lần những lời khuyên như “Tiền không tự mọc trên cây” hay “Muốn kiếm tiền, phải có thật nhiều tiền”… Chính những niềm tin phổ biến này khiến chúng ta cho rằng trở nên giàu có là một điều xa xỉ chỉ dành riêng cho những người may mắn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính và cả những triệu phú tự thân, những niềm tin này đều là những “lời nói dối” đang cản bước bạn trên con đường làm giàu.
Dưới đây là 7 lời nói dối về tiền bạc khiến bạn cả đời không giàu nổi.
1. Cần rất nhiều tiền để tạo ra tiền
Theo Scott Trench – Phó Giám đốc vận hành công ty BiggerPockets, lời khuyên “Phải cần tiền để tạo ra tiền” là một trong những điều dối trá nhất mà chúng ta vẫn tin tưởng trong quá trình làm giàu. Thay vào đó, ông cho rằng chìa khóa để trở nên giàu có là chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được và đầu tư tạo ra sự khác biệt.
“Mọi người thường nghĩ rằng đầu tư là việc gì đó rất lớn lao chỉ dành cho những người thực sự giàu. Nhưng người giàu không nghĩ như vậy. Họ nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng bất kể họ có tiền hay không có tiền trong tay. Người giàu sẽ có cách dùng tiền của người khác để tạo ra tiền cho mình” – Trench nói.
2. Tiền không tự mọc trên cây
Hầu hết mọi người đều cho rằng “Tiền không thể tự mọc trên cây”. Tuy nhiên, theo Steve Siebold – triệu phú tự thân đồng thời là tác giả của cuốn sách “How Rich People Think”, tiền hoàn toàn có thể mọc trên cây nhưng không phải ai cũng biết những cây đó.
“Niềm tin này khiến hầu hết mọi người nghĩ rằng tiền bạc là khan hiếm và rất khó kiếm. Trên thực tế, thế giới không hề khan hiếm tiền. Vấn đề là bạn có tìm ra những “cái cây” có sẵn tiền và dùng khả năng của mình để kiếm ra tiền không mà thôi”, triệu phú tự thân Siebold chia sẻ.
3. Tiền bạc là nguồn gốc của ác quỷ
Người bình thường hay nghĩ rằng người giàu may mắn và không đáng tin. Do đó, họ cũng cho rằng đam mê tiền bạc là nguồn gốc của quỷ dữ và mọi tội lỗi. Kết quả là, người nghèo không dám lại gần với những cơ hội kiếm tiền.
Trên thực tế, hầu hết mọi người tập trung vào việc họ thiếu tiền và tìm cách kiếm tiền chỉ để lấp đầy những khoản thiếu đó. Hãy bỏ qua ý kiến của người khác và tập trung vào mục đích của cuộc đời bạn mà thôi.
4. Một xu tiết kiệm là một xu kiếm được
Quan điểm này khẳng định rằng tiết kiệm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc trở nên giàu có. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là suy nghĩ tiết kiệm khiến nhiều người cố gắng “tích cóp” từng đồng xu lẻ như xếp hàng mua đồ giảm giá hoặc sống dựa vào những coupon mà lãng phí thời gian của cuộc đời.
Theo Siebold, nếu bạn dành hết thời gian và năng lượng chỉ để tìm cách tiết kiệm vài đồng xu lẻ, bạn có thể đã bỏ lỡ những cơ hội kiếm tiền nhiều hơn hoặc để tuột mất những khoản đầu tư béo bở chỉ vì… xếp hàng chờ mua đồ giảm giá.
5. Mỗi 1 ngày lại có thêm 1 đô la
Câu nói “Mỗi 1 ngày lại có thêm 1 đô la” ám chỉ rằng thời gian tương đương với tiền bạc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
“Phần đông chúng ta đánh đổi thời gian lấy tiền bạc. Chúng ta tin rằng kiếm tiền là một quá trình liên quan mật thiết đến thời gian. Nhưng những người giàu nhất lại có thể trở thành tỷ phú sau một đêm, bởi họ biết tạo ra những khoản đầu tư lớn thay vì cần mẫn làm việc theo giờ để nhận lương”, Steve Siebold nói.
6. Nhà, xe, hay bằng cấp đều là tài sản
Theo Scott Trench, nếu muốn làm giàu, bạn không nên coi những thứ như nhà, xe hay bằng đại học là khoản đầu tư. Đơn giản bởi việc sở hữu một ngôi nhà đắt tiền, một chiếc xe sang hay cố lấy tấm bằng đại học… đều sẽ khiến bạn mất một khoản tiền hàng tháng. Tùy thuộc vào từng khoản mua này, bạn có thể nợ nần trong một vài năm hoặc đến suốt đời.
“Bạn có thể cho rằng việc sở hữu một chiếc xe sẽ rẻ hơn đi thuê hoặc sử dụng phương tiện công cộng, sở hữu một ngôi nhà cũng kinh tế hơn đi ở trọ và tấm bằng đại học sẽ đảm bảo cho bạn có một công việc tốt hơn. Nhưng sau tất cả, bạn cần nhớ rằng những thứ này không phải là tài sản để trở nên giàu có. Nếu bạn vẫn cho rằng, có nhà, có xe và có bằng cấp là giàu có thì bạn chỉ thuộc tầng lớp trung lưu mà thôi”, chuyên gia tài chính Scott Trench cho biết.
7. Người giàu thường ích kỷ
Có một niềm tin phổ biến rằng, để trở nên giàu có bạn phải ích kỷ bởi vì người giàu thường tập trung vào mục tiêu tiền bạc của riêng họ mà không quan tâm đến những người xung quanh.
“Phần đông chúng ta đều lớn lên với lời khuyên rằng: Hãy biết suy nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân. Tuy nhiên, đây là lời khuyên làm giàu tồi tệ nhất mà tôi được biết. Để kiếm được nhiều tiền, bạn phải bắt đầu quá trình gây dựng tài sản tập trung vào chính bản thân bạn và doanh nghiệp của bạn. Sau khi bạn đã trở nên giàu có, hãy dùng tiền đó để làm từ thiện hoặc tặng lại cho những người kém may mắn”, triệu phú Siebold chia sẻ.