Những sai lầm về tiền bạc mắc phải ở mọi lứa tuổi Suy ngẫm
Dù là một thanh niên 20 tuổi hay một người trung niên, ở lứa tuổi nào bạn cũng có thể mắc những sai lầm đáng tiếc trong việc quản lý tiền bạc.
Tuổi 20: Tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được và không có kế hoạch tiết kiệm cho việc nghỉ hưu
Jeff Reeves, tác giả cuốn sách The Frugal investor’s Guide to Finding Great Stocks cho rằng: “Ở tuổi 20, người ta nghĩ phải được đi du lịch khắp thế giới, hoặc mua một chiếc ô tô thật xịn mới chứng tỏ mình trưởng thành.
Tuy nhiên, thực tế tuổi 20 của hầu hết mọi người đều không thể kiếm đủ tiền để chi trả cho việc học, chưa kể đến chi phí cho những mong muốn kể trên. Đây là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều khoản nợ khổng lồ phải gánh sau này do những phút chi tiêu nông nổi”.
Thay vào đó, ở tuổi 20 con người nên tạo ra cho mình ngân sách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và tránh sử dụng thẻ ghi nợ. Ngoài ra, ở độ tuổi này, tiết kiệm một khoản cho việc nghỉ hưu có thể là điều hơi hoang đường. Tuy nhiên, thực tế nó thực sự có ích. Càng tiết kiệm sớm, có sự chuẩn bị sớm, bạn sẽ càng có cơ hội tạo ra cho mình cuộc sống sung túc, thảnh thơi lúc về hưu.
Tuổi 30: Không dành cho mình một quỹ tiền riêng và trì hoãn việc đóng bảo hiểm
Sai lầm này đặc biệt hay mắc phải ở những người phụ nữ tuổi 30. Khi có gia đình, họ tập trung toàn bộ các khoản tiền tiết kiệm, đầu tư vào cùng một chỗ và sử dụng chung với chồng hoặc bạn bè làm ăn. Một khi những mối quan hệ này kết thúc không được tốt đẹp sẽ gây ra kết cục cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy, tốt nhất là hãy có những “quỹ ngầm” hoặc một khoản tiết kiệm riêng biệt mang tên bạn.
Chuyên gia tư vấn Weaver khuyên rằng: “Hãy tạo cho mình một tài khoản tiết kiệm riêng. Phần còn lại bạn có thể dùng để cùng đầu tư, hoặc chung chi tiêu với người bạn đời của mình. Đây là cách an toàn và ít rủi ro nhất”.
Một sai lầm nghiêm trọng khác mà những người ở độ tuổi 30 thường mắc phải là không quan tâm đến những khoản bảo hiểm. Họ tự cho rằng cuộc sống của mình hoàn toàn ổn định và sẽ không có gì bất chắc, họ không muốn phải tiêu tốn bất cứ khoản tiền nào cho bảo hiểm nhà cửa hoặc thân thể.
Trên thực tế, một người thông minh luôn biết tự bảo vệ mình và dành một khoản để đảm bảo chắc chắn cho mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống.
Tuổi 40: Tiêu quá nhiều tiền cho các hoạt động vui chơi giải trí hơn là tiết kiệm cho việc về hưu
Rất nhiều người ở tuổi 40 vẫn chi tiêu quá mức cho những việc như: du lịch, ô tô xịn hoặc nhà mới. Nguy hiểm hơn là họ vẫn chưa sẵn sàng hoặc cố tình trì hoãn không bắt đầu xây dựng các khoản tiết kiệm để về hưu.
Ngoài ra, ở độ tuổi 40, nhiều người đặt việc chi tiêu và đầu tư tiền học cho con cái lên trên việc tiết kiệm. Điều này thực sự đáng lo ngại. Một khi không có kế hoạch tiết kiệm sớm và đủ cho việc nghỉ hưu, đến tuổi 60, bạn sẽ nhận ra hậu quả khôn lường của việc này.
Tuổi 50: “Cất giữ” quá kỹ những khoản tiết kiệm
Một nghiên cứu cho thấy, những người ở độ tuổi 50 – 55 thường có xu hướng chỉ cố giữ và duy trì những khoản tiền tiết kiệm thay vì việc tiếp tục nghĩ ra cách đầu tư và sinh lời từ chúng. Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược an toàn và thông minh cho những người ở độ tuổi này.
Chuyên gia Reeves nói: “ Việc cố cất giữ tiền bạc dưới gối ở tuổi 50 nguy hiểm như việc đầu tư vào chứng khoán vậy. Hãy luôn chắc chắn rằng bạn có thể khiến số tiền mình có phát triển và sản sinh ra nhiều hơn nữa dù bạn đang ở bất cứ lứa tuổi nào”.
Tuổi 60: Đánh giá thấp chi phí y tế trong tương lai và chỉ chi tiêu dựa trên số tiền tiết kiệm được
Sau khi xây dựng và lập được tài khoản tiết kiệm hưu trí, đến tuổi 60, con người có xu hướng dừng lại và chỉ tập trung chi tiêu dựa trên số tiền đã tích lũy được. Ở độ tuổi này, các chuyên gia khuyên rằng, tốt nhất bạn vẫn tiếp tục đầu tư và tạo cho mình một khoản “lương” đều đặn hàng tháng để phòng cho những chi phí y tế khổng lồ trong tương lai mà bạn có thể gặp phải.
Theo TRÍ THỨC TRẺ