Thay đổi người khác hay thay đổi chính mình? Hãy trở thành sự thay đổi bạn muốn thấy Suy ngẫm
Bỏ suy nghĩ ngây thơ rằng bạn có quyền năng thay đổi người khác đi, và bắt đầu sự thay đổi từ chính bản thân bạn.
Chúng ta dành rất nhiều thời gian cố thay đổi người khác. Bởi xét cho cùng, người khác lúc nào cũng có vấn đề: ích kỉ, kiêu ngạo, ỷ mạnh hiếp yếu, yếu đuối, lạnh lùng, tham lam,.... Ta cố gắng chỉ ra những điều đó cho họ thấy – nhưng lúc nào ta cũng bị người ta phản pháo, phủ nhận hoặc hoàn toàn thờ ơ. Chính điều đó khiến ta bực mình, trở nên giận dữ đến tột độ. Sao người ta không có tinh thần học hỏi thế nhỉ?
Khi ta cư xử, lúc nào ta cũng vạch rõ ranh giới giữa hai việc: thay đổi người khác và thay đổi chính mình. Ta biết mình phải phát triển theo những hướng nhất định, nhưng lúc đó, ta lại hoàn toàn chú ý đến việc thay đổi người khác. Ta thay đổi cách cư xử của mình dựa trên cách người khác cư xử. Ta tự hứa với mình, nếu người ta cư xử lễ độ hơn, ta cũng sẽ cư xử nhã nhặn hơn; nếu họ thôi không la hét, mắng nhiếc nữa, ta cũng sẽ bớt thô lỗ ngay.
Nhưng mà chính ta lại quên mất một điều quan trọng: Cách nhanh nhất để khiến một người thay đổi cách cư xử đối với mình - chính là thay đổi cách mình đối xử với người ta
Điều đáng nói là mọi người thường hay “noi gương” hành vi. Nếu một người hung dữ với những người xung quanh, người ta cũng sẽ hung dữ lại. Nếu người đó nhã nhặn, người ta cũng sẽ đáp lại nhẹ nhàng. Nếu một người cư xử khôn khéo, người đó có thể sẽ giúp người khác bộc lộ ra những tài năng tiềm ẩn bên trong họ.
Chúng ta thường ở trong trạng thái mâu thuẫn: muốn một đằng, làm một nẻo. Ta ủng hộ cách hành xử này nhưng lại hành xử theo một cách khác. Ta giận dữ bắt một người bình tĩnh lại. Ta khăng khăng ép một ai đó phải biết đồng cảm. Ta xứng đáng nhận được sự đồng cảm. Chính sự bực mình, nỗi dằn vặt khi cố gắng thay đổi người khác đã khiến ta xa rời cách hành xử mà ta vẫn ủng hộ.
Đến đây, câu châm ngôn mà người ta vẫn nhầm tưởng là của Mahatma Gandhi lại thực sự hữu dụng: “Hãy trở thành sự thay đổi bạn muốn nhìn thấy.” Câu nói toát lên một điều rất quan trọng: Nếu ta thôi không trực tiếp lên lớp người khác nữa, mà thay vào đó, ta đưa ra những minh chứng cụ thể, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu.
Điều này mang đến một lợi thế cực lớn: trong khi việc kiểm soát trực tiếp một ai đó là vô cùng khó khăn, thì ta vẫn có thể làm chủ chính bản thân mình. Thay vì thất vọng vì người khác, ta nên hướng sự thất vọng đó sang việc kiểm soát một thứ mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được: chính mình.
Khi ta sống tử tế, rất có thể ta sẽ thôi thúc người khác noi gương ta. Cho dù người ta không thay đổi ngay lập tức, ta cũng có thể tự hào về sự chính trực của chính mình, ta biết rằng mình có sức mạnh và nhân phẩm để bắt đầu hành trình trở thành sự thay đổi mà ta muốn nhìn thấy.
Theo The book of life