Xung đột ‘áo dài váy đụp’: ‘Cái Tôi’ của khoảng cách thế hệ Suy ngẫm
Câu chuyện của chiếc áo dài nếu nhìn rộng hơn và lùi lại xa hơn thì chính xác nó là sự khác biệt của khoảng cách thế hệ.
Phải nói trước, thời trang là địa hạt mà tôi ít am hiểu nhất trong những địa hạt khác của nghệ thuật. Nên trong câu chuyện đang “nóng sốt” về chuyện chiếc áo dài cách tân có còn là chiếc áo dài theo đúng nghĩa trong truyền thống người Việt, và mặc với loại quần nào thì mới ra được “chất” áo dài nhất… thì tôi thú thật, không đủ kiến thức hay khả năng để lạm bàn.
Tuy nhiên, có một điều rất lớn mà tôi biết tôi có thể nói đến được sau những xung đột đang xảy ra giữa hai trường phái: Một thuộc về những người lớn tuổi và hai là những người trẻ tuổi về “định nghĩa” chiếc áo dài Việt Nam.
Câu chuyện của chiếc áo dài nếu nhìn rộng hơn và lùi lại xa hơn thì chính xác nó là sự khác biệt của khoảng cách thế hệ.
Siêu mẫu Thanh Hằng - giám khảo Vietnam's Next Top Model -
diện áo dài cách tân mang phong cách năng động nhưng không kém phần nữ tính.
Lâu nay, mọi người vẫn cho rằng quan điểm (hay góc nhìn) của những người thế hệ trước và thế hệ trẻ bây giờ chính là điều cốt yếu tạo ra sự tranh cãi.
Không chỉ chuyện chiếc áo dài đang rất thời sự lúc này mà trước đó là những câu chuyện liên quan đến văn hóa ngày Tết Việt, cách tương tác của các thành viên trong gia đình trong thời đại số hóa, kiểu ứng xử của người trẻ khi đi du lịch khám phá hay vĩ mô hơn là lý tưởng sống… đều là những “tranh chấp” không có hồi kết.
Nhưng cá nhân tôi, vấn đề thật ra không nằm ở quan điểm (góc nhìn) mà là ở “Cái Tôi” của mỗi thế hệ.
Trong triết lý nhà Phật, bản ngã là chướng ngại vật lớn nhất trên hành trình con người ta muốn giác ngộ. Chính vì “Cái Tôi” lớn đó, mà hầu hết những người của thế hệ trước dùng hệ quy chiếu mà mình đã sống, trải nghiệm, tiếp thu và đặc biệt là… quen thuộc để nói về cái mà mình thấy không giống với… bối cảnh mà mình đã từng sống và hít thở bầu không khí ấy.
Bất kỳ sự sáng tạo nào để đi đến điểm thành tựu đều phải trải qua rất nhiều những rào cản, thậm chí là sự ngăn cản từ một bộ phận không nhỏ của “Cái Tôi” những người làm nghề lẫn không làm nghề, những người am hiểu lẫn không am hiểu… Hãy khoan quy kết một hay vài bước ngã của một đứa trẻ con rồi từ đó khái quát lên rằng đó là một đứa trẻ hậu đậu hay yếu đuối.
“Cái Tôi” thường đã hàm chỉ rằng đó là “Cái đúng với Tôi”. Còn những cái không đúng với Tôi thì là sai…
Nếu một thứ gì đó đã được xem là văn hóa như chiếc áo dài Việt Nam thì xin đừng quá vội vàng nhìn vào một hiện tượng. Có ai đó đã nói rằng, điều duy nhất còn lại của một con người sống trong một xã hội sau khi đã mất đi tất cả chính là… văn hóa (câu nói này mong đừng hiểu theo nghĩa vật chất).
Sáng tạo là một quá trình dài sau khi đã đi qua rất nhiều sự đào thải. Nếu có thể, những người của thế hệ trước hãy xem rằng những chiếc áo dài Việt Nam cách điệu hay có người gọi là phá cách của ngày hôm nay, chỉ là những bước đi đầu tiên trong việc hình thành nên một giá trị văn hóa mới của những người trẻ.
Và tận trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng những giá trị văn hóa mới ấy sẽ tiệm cận với những giá trị văn hóa của người Việt đã được xem là chân lý - một cách tương đối!
Nguyễn Phong Việt