Đốt tiền giấy – Chúng ta đã "bị lừa" xưa nay? Tâm và tín
Từ lâu, người dân mỗi khi đến các dịp dỗ người mất, lễ rằm là lại “hóa vàng”, đốt tiền giấy và các loại hàng mã khác…với niềm tin người thân đã mất của mình ở cõi vô hình có thể nhận được; hoặc chư Thánh thần có thể nhận được lễ vật cung tiến mà phù hộ cho các ước nguyện được như ý. Tuy nhiên, có đúng như người ta vẫn nghĩ hay không?
Ở đây, câu hỏi đặt ra là: Đốt tiền giấy, Thần minh, tổ tiên có thực sự nhận được không? Tiền giấy rẻ như vậy, vì sao không trực tiếp đốt tiền thật cho có thành ý?
Để giải thích cho nguồn gốc phong tục đốt tiền giấy này, trong dân gian đã lưu truyền không ít câu chuyện xưa. Trong đó, có một câu chuyện, kể rằng xưa kia, có một vị tú tài muốn kiếm tiền, vậy mà đã làm nên phong tục mấy trăm năm…
Tương truyền, có một vị tú tài tên là Vưu Văn Nhất, gian khổ học tập đến chục năm, nhưng lại không lần nào thi đỗ.
Chán nản, ông liền cất bút chuyển theo nghiệp buôn bán, tìm đến một gia đình họ Đại xin học nghề làm giấy. Vưu tú tài vốn thông minh hơn người, được Đại gia rất coi trọng, liền đem toàn bộ kỹ thuật gia truyền, truyền lại cho Vưu tú tài.
Vài năm sau, lão gia họ Đại cũng qua đời, Vưu tú tài liền kế thừa sự nghiệp làm giấy. Ông làm giấy càng lâu càng tốt, nhưng khi ấy có rất ít người dùng giấy, vậy nên làm ra giấy mãi mà không bán được.
Vì thế, Vưu tú tài vô cùng phiền não, dần dần không màng cơm nước, nằm trên giường không dậy nổi. Ba ngày sau, Vưu tú tài qua đời mà không nhắm được mắt. Người trong nhà thương tiếc khóc ngất. Bạn bè gần xa biết tin này, cũng đến giúp đỡ sắp xếp tang sự.
Vợ của Vưu tú tài khóc lóc, nói với mọi người: “Gia cảnh chúng tôi nghèo túng, không có gì có thể chôn cùng. Thôi thì đem giấy đốt chôn cùng ông ấy vậy!”.
Thế là, mọi người phái một người đi tới đốt giấy trước linh cữu Vưu tú tài. Tới ngày thứ ba, Vưu tú tài đột nhiên ngồi dậy, miệng còn không ngừng nói: “Mau đốt giấy, mau đốt giấy”.
Mọi người tưởng Vưu tú tài là cương thi, ai nấy đều sợ hãi. Nhưng Vưu tú tài nói: “Đừng sợ, tôi sống lại rồi, là Diêm Vương cho tôi trở về”.
Mọi người đều cảm thấy hết sức kỳ quái, liền hỏi nguyên do:
Vưu tú tài nói: “Là các người đốt giấy đã cứu tôi. Giấy sau khi đốt, tới âm tào Địa phủ liền biến thành tiền. Tôi dùng tiền này để mua thông qua Diêm Vương gia, Diêm Vương liền thả tôi trở về”.
Người trong nhà nghe thấy vậy, không khỏi vui mừng, bèn tiếp tục đốt không ít giấy.
Sự việc này sau đó truyền đi nhanh chóng khắp huyện thành, nhưng cũng có người không tin.
Có một lão viên ngoại có tiền có thế tìm đến Vưu tú tài, nói với ông: “Nhà của ta dùng tiền vàng chôn cùng, chẳng phải so với giấy giá trị hơn tiền sao?”.
Vưu tú tài nói: “Viên ngoại không biết, kim ngân này là người trần gian sử dụng, tuyệt đối không mang xuống địa ngục được. Không tin, viên ngoại có thể đào mộ của tổ tiên lên, chôn cùng kim ngân này, đảm bảo là không mảy may thay đổi”.
Viên ngoại nghe gật đầu nói phải. Thế là, bảo Vưu tú tài làm thật nhiều tiền giấy để mua. Vì thế, giấy Vưu tú tài làm ra còn không có đủ để bán.
Nhưng kỳ thực, có một bí mật ở đây mà không mấy người biết, chính là: Vưu tú tài cũng không thật sự chết đi sống lại, chỉ là vì mãi không bán được giấy, đã cùng vợ bàn bạc thực hiện một kế sách như vậy. Tuy nhiên, sự việc trót lọt, cũng vì vậy mà từ đó đốt giấy cho người chết ltrở thành phong tục được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
Những chất độc hại từ tiền giấy, đối với không khí và con người đều có hại
Không chỉ ở Việt Nam, các nước như Đài Loan, Trung Quốc… cũng là các quốc gia có phong tục đốt tiền giấy, đốt hàng mã này. Người ta ước tính, mỗi năm ở Đài Loan, lượng carbon dioxide được sinh ra từ việc đốt tiền giấy, bằng lượng carbon dioxide được sinh ra từ 6,5 triệu xe chạy 1.000 km vòng quanh đảo. Theo thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn một số tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm.
Mỗi năm đều thiêu đốt như vậy, chẳng những không thân thiện vói môi trường, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con người chúng ta. Đây đúng là chính chúng ta đang làm tổn thương sức khỏe của mình.
Bốn năm trước, đã từng có sự việc phát hiện giấy vàng mã có chứa chất độc hại “benzen” (C6H6). Benzen là chất độc và chất gây mê, có thể gây chóng mặt nhẹ, đau đầu và kích động, ảnh hưởng đến hô hấp, co giật hoặc dẫn đến tử vong. Người bị nhiễm độc có hiện tượng bước chân không vững và tinh thần xáo trộn, có thể gây bệnh về mắt, da, hệ hô hấp, bệnh về máu, ảnh hưởng đối với hệ thần kinh trung ương, hơn nữa có thể gây ung thư.
Điều đáng chú ý là, toluene (mêtylbenzen) khi tiêu hóa, hô hấp, nó sẽ dẫn đến một hiệu ứng tích lũy trên cơ thể con người, nếu lâu dài sẽ nhiễm độc mãn tính. Tác hại có thể gây ra bao gồm: Tổn hại hệ thống thần kinh trung ương, mất trí nhớ, ngủ không yên giấc và mất cảm giác, tiếp xúc lâu dài có thể ảnh hưởng đến thính giác và gây viêm da.
Ngoài ra, rất nhiều người khi hóa vàng, họ thường sẽ bỏ luôn cả dây chun, túi nhựa và các vật phẩm đựng khác cùng vào đốt. Kết quả độc càng thêm độc, đối với sức khỏe lại càng nguy hại hơn nữa.
Ngày nay nhận thức về môi trường đã được nâng cao, số lượng tiền giấy được giảm thiểu, hoặc sử dụng tiền giấy có chất lượng tốt hơn. Một số ngôi chùa cũng dừng việc đốt tiền giấy, hoặc xây dựng lư hương nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, hoặc thống nhất cùng nhau vận chuyển đến lò đốt cháy.
Tuy nhiên, còn không ít các ngôi chùa vẫn không thay đổi. Ngoài ra, bình thường dân chúng khi có dịp hôn tang hỉ khánh hoặc ngày lễ làm cơm cúng Thần Phật, vẫn giữ thói quen đốt tiền giấy cầu bình an.
Thành tâm hướng thiện mới là điều quan trọng
Quan niệm của chúng ta thật sự cần phải thay đổi. Thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng kiền thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh.
Linh nghiệm hay không không phải ở chỗ bạn đốt nhiều hay ít tiền giấy; cũng không có nghĩa là bạn sau khi đốt tiền giấy, không cần phải nỗ lực mà liền được Thánh thần phù hộ cho bạn.
Bảo An