Lý giải nguyên nhân không nên ăn đồ cúng cô hồn tháng 7 Tâm và tín
"Vừa cúng chúng sinh sau lễ xá tội vong nhân xong, mẹ ngăn ngay mấy đứa cháu không cho ăn đồ cúng cô hồn..."
Đồ cúng cô hồn gồm những gì?
Nhà tôi làm lễ Xá tội vong nhân. Từ 15 giờ mẹ đã chuẩn bị xong mâm lễ cúng với đầy đủ các đồ cúng và bắt đầu khấn vái trong nhà. Xong lễ trong nhà thì nắng ngoài trời đã dịu, lúc ấy khoảng 17 giờ là bà sai tôi bê mâm lễ cúng chúng sinh đặt ra vỉa hè ngoài trời.
Tôi đã làu nhàu hỏi: “Sao mẹ không cúng xong buổi sáng đi, còn cúng thêm buổi chiều làm gì cho mất thời gian”. Mẹ bảo cúng cô hồn chỉ làm buổi chiều muộn. Thực phẩm tùy sắm, nhưng ngoài đồ mã, hoa quả còn có nhiều bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc, kẹo bánh, gạo muối, nước mía và không thể thiếu món cháo loãng.
Mẹ bày mâm lễ đỏ trắng vàng hồng rất đẹp mắt, nên mấy đứa cháu nội ngoại ra ngoài đứng xem bà lễ. Nhưng cúng xong thì mẹ tôi sai đem bỏng vãi khắp nơi. Cháo loãng đựng trong những bồ đài (lá mít cuộn lại) mẹ cũng bảo vẩy khắp nơi cho chúng sinh.
Mấy đứa cháu nhỏ nhăm nhăm nhặt mấy gói bỏng đỏ, hồng, trắng, kẹo bánh xanh đỏ, thậm chí đòi hút nước mía… đều bị bà ngăn lại, dứt khoát không cho ăn uống.
Mẹ tôi giải thích rằng, theo dân gian, sau khi cúng cô hồn xong, người nhà không nên ăn lại những món đồ cúng cô hồn đó.
Lý giải của nhà khoa học tâm linh
Đem hành động của mẹ đi hỏi ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu ứng dụng tiềm năng con người), ông lý giải rằng: Các phẩm vật, đồ cúng cô hồn tháng 7 âm lịch nói riêng và đồ cúng chúng sinh nói chung đều để ở ngoài trời lâu, nên bị nguội lạnh. Mâm cúng cô hồn thường đặt rất thấp, thậm chí đặt luôn dưới đất nên bụi bặm, rồi có khi bị côn trùng, ruồi bọ, kiến… bu vào nên không còn sạch sẽ, ăn vào sẽ không an toàn cho cơ thể. Vì thế hầu hết mọi người ngại, không dám ăn.
Với các vật phẩm cúng khác như bánh kẹo, trái cây còn vỏ, hoặc bao bì thì vẫn ăn được, nếu gia chủ không dùng thì đem cho người khác, hoặc bỏ vào thùng nước gạo, không nên vứt đi vì lãng phí.
Một số địa phương không đem đồ cúng cô hồn vào nhà, mà có tục giật đồ cúng cô hồn, tức người sống giành giật những mâm cúng - với quan niệm cho giành giật càng đông là đã “mua chuộc” được các cô hồn không đến quấy phá. Nếu không có ai giành giật thì đồ cúng sẽ được bỏ vào túi đem cho trẻ con, người nghèo, người ăn xin.
Cúng cô hồn nên vào buổi chiều, tối thì cô hồn mới dễ nhận được đồ cúng. Vì theo dân gian, lý do là dưới ánh sáng ban ngày các vong hồn bị tan ra, hoặc suy yếu. Tới buổi chiều tối ánh sáng yếu đi các vong hồn tụ lại mới có thể hưởng đồ cúng.
Các món bỏng nẻ, khoai, sắn, ngô, kẹo bánh, sữa, bim bim… được coi là để cúng các thai nhi, bé đỏ.
Còn cháo loãng, nước mía được cho là vong linh rất thích, bởi cổ họng của vong hồn, quỷ đói rất bé chỉ ăn được cháo loãng và nước. Các điển tích xưa cũng mô tả các cô hồn lang thang đói khát, bị đày đọa nơi âm giới có cái cổ dài, thực quản nhỏ hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường, nên chỉ ăn được cháo loãng, ngày nay còn thêm nước mía.
Lễ xá tội vong nhân còn có vẩy cháo, rắc gạo, muối để bố thí thức ăn khắp bốn phương tám hướng cũng là cách để tứ tán các cô hồn.
Cúng chúng sinh xong nên đốt đồ mã ngay tại chỗ để các cô hồn nhận và đi ngay, không luẩn quẩn quấy nhiễu gia chủ.
Các cụ xưa thường dặn dò con cháu một số điều cần phải biết khi làm lễ cúng cô hồn tại gia như:
- Mâm cúng cô hồn nên là đồ chay, vì theo thuyết nhà Phật cúng chay để các cô hồn bớt sân hận. Đồ mặn sẽ khơi dậy tham luyến khiến các cô hồn luyến tiếc dương thế và khó siêu thoát.
- Khi cúng cô hồn, gia chủ nên dặn trẻ con không nên chơi đùa quanh chỗ cúng, trước hết là không ảnh hưởng tới mâm lễ (làm đổ lễ, ngã hỏng đồ lễ…). Sau là tránh cho trẻ con yếu “vía”, dễ bị những cô hồn trêu chọc...
- Phụ nữ có thai, người già cũng không nên có mặt khi đang cúng cô hồn.
- Còn người bình thường, kể cả người đứng cúng xong cũng không nên đứng trước lối ra vào để tránh đường cho ma quỷ vào hưởng đồ cúng cô hồn. - St