Dâng sao giải hạn: Từ phong tục đến thứ hủ tục mê muội Tâm và tín
Từ một phong tục, dâng sao giải hạn đang cuốn một số người cuồng tín theo những thái tiêu cực tới mụ mị. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, nếu người dân cứ đua nhau cúng sao giải hạn mà không biết rõ các thông tin, luật tục thì dần dà, nghi lễ này sẽ bị đẩy tới chỗ hủ tục.
Nhân việc hàng ngàn người dân ngồi tràn ra đường ở Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội), cùng hàng loạt chùa lớn nhỏ tổ chức dâng sao giải hạn, PV có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Vịnh, người nghiên cứu về các vấn đề phong thủy để độc giả hiểu rõ hơn vấn đề.
Nhu cầu chính đáng
TS. Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, phải khẳng định vấn đề dâng sao giải hạn đã tồn tại trong xã hội Việt Nam hàng ngàn năm nay. Nên, nhu cầu dâng sao giải hạn hiện nay của người dân là nhu cầu chính đáng về tôn giáo tín ngưỡng cũng như giải quyết các yếu tố tâm lý con người.
Song, theo TS Vịnh, hiện tại, một số người dân đang dâng sao một cách u mê tạo ra những hiệu ứng không tốt, thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Cụ thể, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật mà đây là một nghi lễ của Đạo giáo. Vì thế, hàng loạt chùa tổ chức dâng sao giải hạn là chưa thật đúng.
“Phật giáo khuyên răn con người tích đức với luật nhân quả, luân hồi. Tức là, mọi nghiệp đều do sự tu tâm, cách hành xử của con người trong xã hội chứ không phải làm điều xấu rồi dâng sao giải hạn là an tâm, thoát luật nhân quả. Nhận thức sai lầm này ảnh hưởng nhiều tới việc duy trì thiện căn trong giáo lý nhà Phật, tạo tâm lý đám đông “mặc cả” với thần linh”- TS Vịnh nói.
Lý giải về việc các chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn, TS. Vịnh chia sẻ: Một số chùa hoằng pháp muốn nhiều người tham gia nên đã tổ chức dâng sao giải hạn. Điều này đánh trúng tâm lý bất an của con người trong xã hội hiện tại với nhiều xô bồ, rủi ro. Hơn thế, Đạo giáo ở Việt Nam từ lâu vẫn tồn tại ở dạng thức tam giáo đồng nguyên (Nho- Phật- Đạo song hành, hài hòa tồn tại) nên nhiều người cho rằng nhà chùa dâng sao giải hạn an ủi chúng sinh là chấp nhận được. Tuy nhiên, việc một số nhà chùa tìm cách sinh lời nhân chuyện dâng sao giải hạn khiến nghi lễ này thành biến tướng và méo mó.
Cũng theo chia sẻ của TS Vịnh, việc người dân tràn ra đường bên cạnh các đình, chùa tổ chức dâng sao giải hạn cũng là một biểu hiện của thiếu nhận thức dẫn tới cuồng tín. “Một nghi lễ có thể giải hạn cùng lúc cho hàng ngàn người là không đúng. Vì, theo Kinh dịch, không phải sao nào cũng tốt và không phải sao nào cũng xấu. Việc xấu tốt của các sao còn do mệnh của từng người. Ví như sao Thái Bạch mọi người mặc định là xấu. Nhưng, với người mệnh Kim, sao Thái Bạch là tốt”, ông Vịnh chia sẻ.
Chỉ cần dâng sao tại nhà
TS. Nguyễn Văn Vịnh chia sẻ tiếp: Trong văn hóa các tộc người, tập tục cầu việc tốt, tránh việc xấu như dâng sao giải hạn là chuyện thường. Sinh hoạt tín ngưỡng cũng là quyền công dân không ai có thể áp đặt. Song, việc điều chỉnh cách thức thực hành sao cho đúng, hay để phong tục không trở thành hủ tục là điều mỗi người dân nên cẩn trọng tìm hiểu và thay đổi.
Theo TS Vịnh, các nghi lễ của Đạo giáo thường mang tính tượng trưng đơn giản nên người dân không nên phức tạp trong việc sinh hoạt tín ngưỡng. Thay vì những đồ lễ đắt tiền, người dân chỉ cần dâng hương hoa tỏ lòng thành. Bên cạnh đó, dâng sao giải hạn không phải là đầu năm lên đình, chùa dâng một lần là xong. Thay vào đó, mỗi tháng một lần, người dân bày một mâm cúng tại nhà, ở ngoài trời với hoa trái theo mùa.
TS Vịnh lý giải: Tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng đều coi con người bình đẳng. Không thần phật nào chỉ phù hộ cho những người giàu, với đồ lễ “khủng”. Các giáo lý của các tôn giáo đều khuyên con người hướng thiện và thành tâm. Nhận thức coi đình, chùa này thiêng, nơi khác không thiêng, đồ lễ càng to thần phật càng phù hộ xuất phát từ sự u mê tăm tối chỉ tạo điều kiện cho kẻ xấu kiếm lời. Và trong trường hợp này, phong tục và hủ tục chỉ cách nhau một lằn ranh rất nhỏ của kiến thức và tâm lý.
TTVH