Phật nói 3 thứ độc nhất trên thế gian cần tránh xa Tâm và tín
Đời người có 3 thứ độc nhất quyết phải loại trừ, nếu không cả đời khó lòng sống bình yên.
Thế mà, người đời chẳng những không sợ 3 thứ độc nhất quyết phải loại trừ, lại còn nuôi dưỡng chứa chấp bảo vệ, khiến nó càng ngày càng tăng trưởng. Do đó, người đời luôn luôn sống trong mâu thuẫn, một mặt cầu mong được an ổn vui tươi, một mặt nuôi dưỡng tam độc là động cơ bất an và đau khổ.
“Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.” Đức Phật khuyên: “ Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ngươi ”
Có khác gì, người kia muốn gia đình được bình an, mà nuôi kẻ giặc trong nhà. Thế thì sự bình an chẳng những không có, mà đau khổ tan hoại sẽ đến nay mai. Người học đạo chúng ta phải sáng suốt nhận diện đúng mặt thật kẻ phá hoại, tiêu diệt chúng thì sự an vui sẽ đến với chúng ta.
Tam độc là nguồn đau khổ của chúng sanh, là cội rễ bất an của nhân loại, chúng ta phải hiểu nó và cố gắng trừ nó.
HÌNH TƯỚNG TAM ĐỘC
Tam độc là ba thứ ác độc mang đau khổ đến cho con người, phá hoại mọi hạnh phúc an vui của con người. Theo thứ tự thông thường của nó là Tham, Sân, Si; song đặt đúng trật tự từ gốc ra ngọn phải nói Si, Tham, Sân.
1/ Một là Si:
“ Si ” là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại v.v… nên mới làm những điều nhiễm ô tội lỗi, có hại cho mình và người.
Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”.
Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gậm nhấm từ bên trong con người khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên.
Đức Phật dạy rằng vô minh là điều ô trược tệ hại nhất, hãy dứt bỏ vô minh để trở thành người trong sạch.
Thường thời không sợ “ tham ” và “ sân ” nổi lên, mà chỉ sợ mình tự giác ngộ chậm, chỉ sợ mình si mê, vô minh mà thôi. Nếu “ tham ” và “ sân ” nổi lên, mà ta sáng suốt phán đoán kịp thời, không có si mê, thì tham sân kia cũng chẳng làm gì được. Người học Phật phải dẹp trừ lòng si mê của mình, lúc nào cũng phải sáng suốt đối với tất cả mọi việc, phải tu tâm để đạt được “vô si”. – Vô si là không mờ ám, không si mê.
2/ Hai là Tham:
“Tham ” là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v… Lòng ham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham.
Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình.
Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người thành tựu.
Nếu có tâm tham thời phải “tu tâm” ngay, phải tập tính “ thiểu dục tri túc ”.
Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ.
Người thiểu dục, tri túc thì có một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn vì biết đủ với những thứ mình đã có.
Bỏ dần lòng tham đi để đạt tới được “vô tham”.
Vô tham là không tham lam.
Ở đời, có năm món dục lạc, mà người ta thường ham muốn nhất là: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
“Ngũ trần dục lạc” ấy, thật ra, vui ít mà khổ nhiều.
* Tham tiền thời phải đày đọa thân sống, đôi khi còn dùng những phương tiện bất chính để chiếm đoạt và khi mất thì lại đau khổ.
* Đối với sắc đẹp nên quán thân là bất tịnh, tham sắc thì nhiều khi lại lao vào những mưu chước tồi tệ để thỏa lòng dục vọng.
* Tham danh vọng, quyền tước thì phải vào lòn ra cúi, lao tâm khổ trí.
* Tham ăn uống cao lương mỹ vị thì bị nhiều bệnh khó trị, thân thể mệt nhọc, mạng sống không thọ.
* Tham ngủ nghỉ thì trí não hóa đần độn. Ngũ trần dục lạc đó chính là những nguyên nhân ràng buộc kiếp người vào vòng sinh tử, luân hồi, sa đọa.
3/ Ba là Sân:
“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù.
Sở dĩ sân sinh khởi là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay.
Khi khó chịu tăng dần thời sẽ trở thành nóng giận. Nhưng nên nhớ rằng trên đời này không ai tránh khỏi bị khiển trách, bị chê bai, khó tránh khỏi miệng thế gian.
Nhưng vì bị chê bai mà nổi sân thời tai hại vô cùng vì lúc nóng giận thì con người không còn đủ bình tĩnh để tự kiểm soát hành vi và ngôn ngữ của mình. Kinh Hoa Nghiêm có nói:
“Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.”
Và: “Một đốm lửa sân, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức.”
Đức Phật khuyên: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các ngươi.