Bệnh chấp trước Tâm và tín
Theo Phật bệnh lớn nhất của loài người là bệnh chấp trước – cho cái có trước là đúng, dân gian gọi là bảo thủ, triết học gọi là siêu hình.
Đạo Phật là phá chấp. Chỉ có phá chấp mới ngộ được thiền vì thiền là đỉnh cao của đạo Phật.
Muốn thay đổi đồ mới trong nhà ta phải vứt bỏ đồ cũ đi.
“Không rót vào cốc nước đầy
Không tranh luận với loại thầy không nói”
Chúng sinh cần phải thay đổi góc nhìn, cách nhìn đạo phật ở thế kỷ 21 chứ không phải cách nhìn phật pháp ở thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Pháp đó gọi là lẽ vô thường.
“Khi đã hiểu lẽ vô thường
Nhìn đâu cũng chỉ thấy đường mà thôi”
Thiền hiện sinh trong giai đoạn biến đổi khí hậu toàn cầu, xã hội là tổ chức đầy nhầm lẫn. Khoa học sáng tạo ra bom nguyên tử để chấm dứt mọi sáng tạo.
Thời xưa ta thanh thản chờ đợi ảo vọng của cuộc sống kiếp sau. Ngày nay chúng ta phải tận hưởng cuộc sống ngay trong lúc này, kiếp này:
“Làm thông ngay giữa kiếp người
Làm người lại sống giữa trời như thông
Lá reo tiếng hạc từng không
Vi vu nào biết là thông hay người”
Chứ không chờ đợi như Nguyễn Công Trứ:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm người lại đứng giữa trời như thông”
Chúng ta cần phải có phút hưởng thụ vội vàng của Xuân Diệu:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn riết mây bay và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng hơi men,cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”
Hãy say đắm từng sát na kiếp này:
“Yêu nghìn đời ở kiếp sau
Không bằng giây phút yêu nhau kiếp này”
Chúng sinh không giới hạn tu trong bất cứ cảnh giới nào:
“Tu chùa, tu chợ, tại gia
Tôi tu tại chỗ gọi là tu chi
Tâm vô trụ, trụ vô vi
Gặp đâu tu đấy thấy gì cũng tu”
Có thể đắc đạo ngay trong chốn thanh lâu:
“Thúy Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh
Cả ba đắc đạo mối tình thanh lâu”
Nguyễn Bảo Sinh