Cái gốc làm người là tu thân, tự xem xét bản thân là tu hành Tâm và tín
Sách Đại Học viết: “Từ Thiên tử đến thứ dân, hết thảy đều lấy việc tu thân làm gốc”. Tu thân là cái gốc của văn minh. Mấy chục năm nay, văn minh tinh thần trong xã hội đã bị suy đồi băng hoại, cũng chính là do con người quên mất cái gốc phải tu thân.
Xưa nay, nói đến tu luyện là người ta nghĩ ngay đến chùa chiền hay núi sâu rừng già đồng thời phải là người có căn tu hành. Sư phụ của nhiều môn phái khi nhận đồ đệ cũng phải nhìn tướng người có căn tu mới nhận làm đồ đệ. Nhưng khái niệm đó không hoàn toàn đúng. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nhận thức về tu luyện, cũng như là tu hành để quý đọc giả cùng nhìn nhận lại hai chữ “tu luyện”.
Tu hành bắt đầu ở trong gia đình, dân gian vẫn nói: “Thứ nhất tu gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Sách Đại Học cũng viết, trước tiên phải tu thân, kế tiếp là tề gia. Do đó nền tảng tu hành của văn minh tinh thần chính là từ gia đình, bắt đầu từ cách cư xử đối đãi giữa vợ chồng.
Tu hành là gì
“Tu” nghĩa là sửa, tìm ra cái sai, cái chưa tốt chưa thiện của mình để sửa cho đúng hơn, tốt hơn, thiện hơn. Khi đã sửa được tốt hơn, thiện hơn thì đã lên cảnh giới tầng thứ cao hơn, lại nhìn lại mình, phát hiện ra điều mình vẫn chưa đúng, chưa tốt, chưa thiện rồi lại sửa tiếp. Một quá trình liên tục như vậy sẽ liên tục nâng cao đạo đức, phẩm hạnh cá nhân.
Còn “hành” nghĩa là thực hành, hành động. Sau khi sửa mình cho đúng cho tốt thì áp dụng vào thực tế, vào mối quan hệ với mọi người, để xem cái mình cho là tốt, là đẹp, là thiện, là đúng đó có được mọi người chấp nhận, đồng tình không, có làm tổn hại người khác không, từ đó mà điều chỉnh, sửa đổi, quay lại tu thân. Hành cũng là để kiểm nghiệm xem mình đã tu sửa vững chắc chưa, trước những mâu thuẫn về quan hệ, lợi ích, danh tiếng, những cái xấu của mình còn tái phạm không.
Do đó tu hành là tự xem xét bản thân. Để xem xét bản thân chính xác thì cần lắng lòng, để tâm bình khí hòa rồi nhìn lại mình, xem bao nhiêu thói quen của mình có các loại cố chấp, có các chủng thiên kiến không, có nóng vội, có khoe khoang khoa trương không, có gì giả dối khó nói ra không, còn có rất nhiều những hạn chế mà chưa dám thừa nhận.
Cái gốc làm người là tu thân, tự xem xét bản thân là tu hành
Nho gia nói “tu thân”, Phật giáo nói “tu hành”. Hai từ này tuy có khác biệt, nhưng người đời đều coi nó gần như nhau, và có thể dùng lẫn lộn.
Sách Đại Học có câu quan trọng: “Từ Thiên tử đến thứ dân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Tu thân là gốc rễ của nền văn minh. Từ ngàn xưa, con người vẫn thông qua việc tu hành lễ nhạc, thông qua tu Phật, tu Đạo, mà không ngừng hoàn thiện mình. Đời người chính là tu hành một đời. Có tự giác tu hành như thế này, mới có được nền văn minh hàng nghìn năm, mới vững vàng trải qua bao kiếp nạn. Từ thiên tai địch họa đến ngoại bang thống trị, đồng hóa, nhưng nền văn minh văn hóa truyền thống không bị biến mất, vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt.
Mấy chục năm nay, nền đạo đức văn minh tinh thần đã bị suy đồi, băng hoại, chính là vì con người đã quên đi mất gốc rễ của mình là phải tu thân. Chính vì đã quên mất phải tu thân nên con người ngày nay cả ngày giận dữ, bực tức, phê phán, tranh giành được thua, khiến tâm tình nóng nảy, khó chịu, u uất. Đến nay, sự suy đồi, sa sút này đã có dấu hiệu chững lại, nền văn minh tinh thần, văn hóa truyền thống đang bước đầu được khôi phục. Điều quan trọng hàng đầu chính là khôi phục lại sự tự giác tu hành.
Tu hành bắt đầu từ gia đình. Sách Đại Học nói trước tiên phải tu thân, tiếp ngay sau đó là tề gia. Do đó nền móng tu hành của đạo đức và văn minh chính là từ gia đình. Gia đình bắt đầu bằng một vợ một chồng, do đó thực sự tu hành là phải bắt đầu từ cách cư xử giữa vợ và chồng.
Hiện nay, rất nhiều người “thành công” ở bên ngoài oai phong đắc ý, gặp sự việc, gặp người khó xử lý, đều nhanh chóng quyết đoán xử êm, nhưng quay người trở về nhà, vợ chồng lục đục, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Thực tế tình trạng vợ chồng bất hòa, xung khắc, thờ ơ lạnh nhạt khá phổ biến, đến mức mọi người cho là bình thường, cho rằng bát đũa cũng có lúc xô mà tự an ủi mình, chứ không tìm nguyên nhân căn bản để xử lý. Do đó các vấn đề tồn tại trong gia đình, quan hệ hôn nhân luôn ẩn chứa những yếu tố gây căng thẳng, xung đột, thậm chí đổ vỡ bất cứ lúc nào. Xử lý vấn đề hôn nhân gia đình từ căn bản, xem ra là bình thường, nhưng thực tế là rất khó khăn.
Càng khó mới càng cần tu hành
Vẫn có những câu chuyện các cặp vợ chồng từ khi kết tóc xe tơ, vẫn thủy chung, phu thê hòa thuận, cầm sắt hòa minh, không hề cãi nhau bao giờ. Những cặp vợ chồng như thế này khiến mọi người ngưỡng mộ. Nhưng những cặp đôi thế này vô cùng hiếm gặp, chỉ là những trường hợp cá biệt mà thôi.
Còn các cặp vợ chồng bình thường, phần lớn là qua tháng trăng mật, có khi chỉ qua vài ngày là bắt đầu nảy sinh xung đột. Đầu tiên là bất đồng trong tư tưởng, trong cách suy nghĩ, lối sống, dần dần biến thành cãi nhau nảy lửa, rồi chiến tranh lạnh, nhiều ngày không ai nói với ai lời nào.
Vợ chồng chung sống hòa thuận xưa nay vốn là việc khó. Vì sự khác biệt giữa nam và nữ giống như sự khác biệt giữa trời với đất. Bối cảnh gia đình và thói quen sống của hai người vốn cũng khác nhau, khó mà dung hòa. Hai bên cũng có những quan điểm cố chấp, thiên kiến khác nhau, cũng chẳng người nào chịu người nào. Xã hội hiện đại cũng khiến tâm hồn con người xơ cứng, đã mất đi tính nhẫn nại, ôn hòa, khiến cho quan hệ vợ chồng trong gia đình dễ bị tổn thương. Xã hội hiện đại càng ngày càng đề cao cái tôi, đề cao cá tính, vô hình trung đã đẩy sự khác biệt trên của hai vợ chồng về hai thái cực. Mâu thuẫn được đẩy cao lên, cái tôi được bùng nổ ra, như hai trái bóng bơm căng, va chạm nhẹ là nảy bật lên càng xa nhau hơn. Quan hệ càng thêm căng thẳng, không ai chịu nhường ai, ắt sẽ dẫn đến đấu khẩu, chiến tranh lạnh, và ly dị.
Tu ra sao, hành thế nào?
Nguy cơ cũng chính là cơ hội, câu nói này ai ai cũng biết, người người đều nói, nhưng làm thế nào để nó thành cơ hội thật không dễ dàng. Nắm bắt được sẽ chuyển thành cơ hội giúp hai vợ chồng càng hiểu nhau, quan hệ gia đình càng thắt chặt bền vững hơn. Nhưng nếu không nắm bắt được thì nguy cơ sẽ thành nguy hiểm.
Trước những xung đột vợ chồng, gia đình bất hòa, chiến tranh lạnh… thì hai người cần nắm lấy bảo bối của tiền nhân đã sử dụng hàng nghìn năm nay, đó là nhẫn nại, kiềm chế, lắng lòng lại cho tâm bình khí hòa, rồi xem xét, kiểm điểm lại chính mình, xem những hành vi, quan niệm, thói quen của mình, có những chỗ nào chưa tốt, chưa đúng chuẩn mực. Sau đó thẳng thắng trao đổi với nhau. Đặc biệt chớ tìm lỗi của người khác, mà chỉ tìm lỗi ở mình, rồi chủ động nói ra lỗi lầm của mình, rồi gắng sức sửa, hoàn thiện mình. Đó chính là tu hành: Sửa chữa hoàn thiện nhân cách, và thực hiện, thực hành trong cuộc sống.
Tu hành chính là thừa nhận những hạn chế, khiếm khuyết của mình, từ đó sửa đổi hoàn thiện mình, và cũng thông cảm lượng thứ cho khiếm khuyết của người kia. Khi xung đột, chúng ta thường nhìn thấy lỗi lầm, sai trái của người kia, mà chẳng tự nhìn bản thân. Càng thấy người ta nhiều lỗi lầm, lại càng khó chịu, càng không chịu nổi lời lẽ hành vi của người ta, khiến cơn giận lôi đình bỗng chốc nổ ra. Nhiều người không kiềm chế được, đã “đấu võ” với nhau, thậm chí còn gây ra án mạng. Cuộc sống gia đình bỗng thành địa ngục, mà địa ngục cũng đều do tự mình tạo ra.
Phật gia giảng: “Ly khổ đắc lạc”, nghĩa là rời xa cái khổ thì có được an lạc. Làm thế nào rời xa cái khổ? Vậy đừng tự mình tạo ra địa ngục nữa, đừng khó chịu với người ta nữa. Chớ thấy người ta có gì không vừa ý mình, không thuận mắt, là khó chịu trong lòng. Thay vào đó, hãy tĩnh lặng nhìn sâu vào mình, sẽ phát hiện ra mình cũng mắc vô số lỗi lầm.
Mỗi lần xung đột hay thấy không thuận mắt, khó chịu, đó chính là cơ hội nhìn lại bản thân, lại phát hiện thêm những hạn chế của mình mà sửa chữa, thay đổi. Dần dần hoàn thiện nhân cách, lối sống và đạo đức cho mình, thì mùa xuân sẽ trở lại, sẽ bước tới thiên đàng hạnh phúc.