Hạnh phúc là tự tâm mình Tâm và tín
Đời người chẳng có con đường bằng phẳng, mỗi người đều sẽ phải gặp những chuyện phiền lòng, những nỗi thương tâm. Và nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc nằm ở chính nội tâm bạn. Thấu hiểu đạo lý đơn giản và biết đủ mới có thể có được hạnh phúc đời người
Xem nhẹ vật chất, sống đơn giản, đời người quan trọng là hai chữ vui vẻ
Trên đời này, người ta không cần quá nhiều những thứ vật chất để có thể duy trì cuộc sống và sức khỏe. Thế nhưng chúng ta vẫn thường quá coi trọng tiền tài. Ai cũng cho rằng mình kiếm tiền vẫn chưa đủ nhiều, nhà chưa đủ rộng, ăn chưa đủ đẳng cấp. Nhưng một người quá coi trọng vật chất thì thường mệt mỏi về tinh thần. Danh lợi phù du chỉ khiến mình nhọc thân, khổ tâm. Thử coi nhẹ vật chất một chút, phòng đủ ở là được rồi, cơm đủ ăn là xong thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống bớt ngột ngạt đi nhiều. Và dẫu sao tiền kiếm dù chưa thỏa lòng thì vui vẻ vẫn là điều quan trọng nhất.
Tiêu chuẩn để đánh giá một người là giàu có hay không, không phải lầu son gác tía, hóa ra một người chỉ cần có cơm ăn, áo mặc đã được coi là giàu có! Nghe có vẻ phi lý? Nếu vậy thì người trong thiên hạ ai mà chẳng được coi là giàu có đây? Kỳ thực, điều mà người xưa coi trọng không phải là vật chất. Bởi lẽ chúng chỉ là vật ngoài thân.
Hoàng đế Alexander đại đế đã phải từ giã cõi đời ở tuổi 33. Khi ấy ông đang thống lĩnh cả một đế chế hùng mạnh, đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, danh vọng và quyền lực. Trước lúc lâm chung ông đã để lại 3 điều trăn trối kỳ lạ. Một trong số đó là ông muốn binh sĩ rải hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà mình để dành cả đời suốt dọc con đường dẫn ra nghĩa địa. Bởi lẽ ông muốn con người hiểu rằng tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
Coi nhẹ sự tổn thương, học cách quên lãng
Hãy lãng quên sự tổn thương, buông bỏ những khổ đau, tu sửa cho tâm mình bao dung hơn. Đừng để nỗi thống khổ siết chặt cuộc sống của bạn. Khi đối mặt với những người hay những việc làm bạn tổn thương, xin hãy buông gánh nặng trong tâm xuống, trả lại cho mình một cái tâm thư thái, nhẹ nhàng.
Phật dạy con người dẫu có chịu khổ một chút, chịu thiệt một chút cũng là chuyện tốt. Nói theo nhân quả thì có lẽ một đời nào đó trong kiếp trước chúng ta đã vô tình hay cố ý khiến ai đó phải đau khổ. Dẫu đã chuyển sinh, luân hồi nhưng nợ kia chưa hết nên mới đeo bám ta tới tận kiếp này. Nợ người phải trả cho người, âu cũng là lẽ đương nhiên, hết nợ rồi thì hạnh phúc sẽ mỉm cười với chúng ta thôi!
Nhìn rộng hơn, biết đủ để thấy mình luôn hạnh phúc
Hạnh phúc không phải là trông chờ người khác ban tặng, mà là tự mình mang đến cho mình. Ngoài ra, con người cũng phải học cách biết đủ. Có câu rằng: “Họa không gì lớn hơn là không biết đủ. Tội chẳng gì to hơn là chỉ muốn đắc”. Hạnh phúc không phải là sở hữu một căn phòng rộng thênh thang mà chỉ đơn giản là: Mỗi sớm mai thức giấc, chúng ta vẫn có thể hít căng lồng ngực một luồng không khí tinh khôi, vẫn có thể ngước nhìn ánh mặt trời đang mỉm cười rạng rỡ. Một mình ta dạo bước trong công viên và thả hồn vào thảm cỏ lấm tấm vàng ươm mơ màng, hay nắm tay người ấy bước quanh hồ, ngắm nhìn mặt nước phẳng lặng.
Hạnh phúc là ngắm nhìn các mẹ tíu tít bận rộn cho bọn trẻ đi học, mọi người hối hả đến trường, đến công ty để bắt đầu một ngày mới. Đôi khi trên các nẻo đường chúng ta lại tình cờ bắt gặp vài nụ bàng e ấp giữa những chiếc lá xanh dưới nắng vàng lai láng, hay những đóa bằng lăng tím biếc, những cánh phượng đỏ khoe sắc gọi ve về râm ran. Hạnh phúc còn giản dị nhiều hơn thế. Cha mẹ chúng ta vẫn khỏe mạnh, chẳng phải là điều hạnh phúc hay sao? Người yêu ngay bên cạnh, bạn bè thường sát cánh, chẳng phải là điều hạnh phúc hay sao? Người nhà vô bệnh, cả nhà hòa thuận, chẳng phải là điều hạnh phúc hay sao?
Nhìn thấu cuộc đời
Mọi chuyện vốn không thể thuận theo lòng người. Nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc nằm ở chính nội tâm bạn. Thấu hiểu đạo lý đơn giản và biết đủ mới có thể có được hạnh phúc đời người. Dẫu vui hay buồn cũng đều là tâm bấn loạn, dẫu tươi tốt hay khô héo cũng là cảnh quang tại cõi trần. Hãy tĩnh tâm để nhìn thấu sự đời ấm lạnh, dẫu trải qua thiên cổ nghìn thu cũng không mê lạc trong cõi mộng này.
Phật dạy rằng, mọi thứ trong cõi hồng trần đều bắt nguồn từ cái tâm. Nếu tâm đơn giản thì cuộc sống sẽ đơn giản. Nếu tâm phức tạp thì cuộc sống sẽ chứa đầy đau khổ. Hạnh phúc không phải là trông chờ người khác ban tặng, mà là tự mình mang đến cho mình.
Đời người chẳng có con đường bình phẳng, mỗi người đều sẽ phải gặp những chuyện phiền lòng, những nỗi thương tâm. Chỉ cần mở rộng trái tim mình bạn sẽ có thể nhìn thấu cuộc đời mà xem nhẹ chúng. Kiếp nhân sinh dẫu thăng trầm bể dâu nhưng nếu ta nhìn qua lăng kính khác có thể sẽ không ngừng nhìn thấy nhiều điều thú vị, đặc sắc.
Vũ Dũng