Nghiệm về nhân quả từ viết chì và viết mực Tâm và tín
Hồi còn nhỏ ai cũng đã từng tập viết bằng viết chì rồi dần dần chuyển sang dùng viết mực. Không đơn giản chỉ là tập viết mà đằng sau nó là cả một bài học về cuộc sống vô cùng quý báu.
Kỷ niệm được cầm cây viết nguệch ngoạc những nét đầu tiên của cuộc đời thật khó mà quên được. Ai trong chúng ta cũng từng cầm qua viết chì để tập viết những con chữ đầu tiên trong cuộc đời. Viết chì quả là một phát minh khôn ngoan của con người bởi nó vừa dễ viết, vừa dễ xóa. Chỉ cần một cục gôm là bạn sẽ không ngại mỗi khi viết sai vì có thể xóa bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào mà bạn thích.
Cuộc sống không đơn giản như một trang giấy tập mà có thể xóa,
có thể xé bỏ một khi có sai lầm
Rồi dần dà bạn chán dùng viết chì vì bạn thấy người lớn họ dùng viết mực. Thật thích thú và hấp dẫn khi viết mực có nhiều màu, lại không phải chuốt mỗi khi tà đầu như viết chì.
Bạn ao ước được cầm viết mực như người lớn, mong muốn được viết những trang vở đầy màu sắc thôi thúc bạn. Nhưng bạn không biết rằng bút mực khi viết sai thì không xóa được, cho dù bạn dùng viết xóa thì nó cũng mờ mờ hiện lên sau một thời gian. Chỉ còn một cách để làm biến mất vĩnh viễn chỗ sai đó chính là xé bỏ trang giấy đó. Thật dễ dàng phải không nào? Thế nhưng cuộc sống sẽ không bao giờ bằng phẳng như bạn nghĩ.
Hãy tưởng tượng cùng tôi một chút. Nếu cho rằng cuộc đời của bạn là một trang giấy thì bạn sẽ chọn viết, vẽ lên đó bằng viết chì hay viết mực? Chắc ít có ai chọn viết chì bởi nó có màu xám xịt lại còn dễ bị xóa mất. Viết mực sẽ là lựa chọn tối ưu trong tình huống này. Ai cũng muốn cuộc sống mình thật sống động, nhiều gam màu xanh, đỏ, tím, hồng… sôi động khác nhau, chẳng ai muốn cuộc sống mình u ám một màu xám. Nên xác suất chọn viết mực sẽ rất cao, hầu như ai cũng chọn.
Tiếp theo tôi giả sử bạn viết sai một chỗ trên trang giấy cuộc đời của bạn thì bạn sẽ làm sao? Mặc kệ cứ để cho nó sai, dùng viết xóa nhưng vài ngày sau nó lại hiện lên hay bạn xé bỏ trang đó. Bạn hoàn toàn có thể làm những cách trên một cách dễ dàng bởi dù sao đó cũng chỉ là một trang giấy.
Còn nếu đó là cuộc sống của bạn thì sao? Bạn không thể mặc kệ lỗi lầm của mình, bạn cũng không thể xóa nó đi được và bạn càng không thể “xé bỏ” nó đi. Lúc nhỏ khi bạn bắt đầu viết bằng viết mực bạn chưa ý thức rõ ràng rằng nó không dễ xóa như viết chì. Bạn cũng chưa thấy được tính trách nhiệm của bạn trong từng chữ sẽ tăng lên rất nhiều bởi sai sẽ rất khó sửa.
Liên hệ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngày nay chúng ta dường như ít chịu trách nhiệm trước lỗi lầm của mình gây ra. Hoặc chúng ta phớt lờ lỗi đó, hoặc chúng ta cố tìm mọi cách che đậy, xóa mờ nó đi. Điển hình như các “quái xế” gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân bất tỉnh giữa đường hay hung thủ một vụ án giết 6 người cướp tài sản gây hoang mang dư luận một năm trở lại đây nhiều lần xin giảm án tử hình.
Hoặc như một nhà máy xả nước thải công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, làm cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung nước ta vẫn không thừa nhận hành vi của mình cho tới khi Chính phủ, các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra kết luận cuối cùng.
Có thể những lỗi lầm đó sẽ vượt qua được sự trừng trị pháp luật nhưng có một luật mà không ai có thể chối cãi, đó là luật nhân-quả.
Luật nhân-quả luôn tuần hoàn và công bằng đối với tất cả mọi người, không một ai mà không bị chi phối bởi luật nhân-quả. Người xưa cũng có câu “Gieo nhân nào gặt quả đó” hay “Gieo gió ắt gặp bão” - cho thấy tính công bằng, không chừa, không kiêng nể ai của luật nhân-quả.
Trong cuộc sống thường nhật ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần mắc phải lỗi lầm. Mỗi người có một cách vượt qua lỗi lầm khác nhau nhưng hãy cố gắng khắc phục lỗi lầm một cách lương thiện nhất có thể.
Dám mạnh dạn nhìn vào lỗi lầm, thấy được gốc rễ của nó, tìm một con đường, một hướng đi đúng nhất, từ bi nhất để khắc phục lỗi lầm đó như tinh thần Bát chánh đạo, quyết tâm sám hối chừa bỏ lỗi lầm ấy trong hiện tại và tương lai như lời Đức Phật đã truyền dạy cho chúng ta từ hơn 2.500 năm trước.
Còn nhớ tinh thần quả cảm đối diện lỗi lầm, đón nhận quy luật nhân-quả và năng lực sám hối của ngài Angulimāla (Vô Não), thuở Phật còn tại thế. Được Phật cảm hóa cho xuất gia, ngài Angulimāla chuyên cần tu tập sám hối, mặc dù kết cuộc ngài phải trả quả cho hành động giết người của mình bằng cái chết nhưng sự giác ngộ quay đầu và năng lực của sự sám hối chuyên cần đã giúp ngài nhập vào dòng thánh.
Như bạn thấy, cuộc sống không đơn giản như một trang giấy tập mà có thể xóa, có thể xé bỏ một khi có sai lầm. Cho dù bạn có che đậy sai lầm tài tình cỡ nào thì cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, luật nhân-quả vẫn chuyển xoay và bạn không thể nào đứng ngoài vòng xoay đó.
Bạn cũng như tôi đang chọn cho mình một cây viết mực khác nhau để viết, để tô điểm những hoa thơm cỏ lạ, những mảng màu tươi đẹp cho cuộc sống của mình. Chắc chắn sẽ có sai lầm nhưng quan trọng hơn hết là biết ứng dụng lời Phật dạy vào giải quyết sai lầm đó và tự mình thắp đuốc soi sáng con đường mình chọn như giáo huấn của Phật.
Tấn Khang