Niềm vui lớn nhất nhất trong mùa xuân của cuộc đời là gì? Tâm và tín
Buồn và vui, hạnh phúc và đau khổ là hai trạng thái đối lập nhưng không tách rời nhau như mặt trái và mặt phải của một bàn tay. Trên đời có bao nhiêu niềm vui thì có bấy nhiêu nỗi khổ, không nơi nào trên thế gian chỉ có toàn niềm vui hoặc toàn nỗi khổ.
Xét cho cùng, những niềm vui thế tục đều do các nhân tố bên ngoài mang lại, con người xem những nhân tố đó là điều kiện của hạnh phúc.
Khi có những điều kiện đó thì con người mới có được niềm vui, mới có được hạnh phúc, còn như không có được những điều kiện đó, hoặc những điều kiện đó có rồi nhưng bị mất đi thì hạnh phúc cũng không còn.
Bản chất cuộc đời là vô thường, do đó không có gì là trường cửu bất biến, vạn sự vạn vật trên đời đều luôn đổi thay trong từng giây từng phút. Vì thế, nếu niềm vui và hạnh phúc của con người được xây dựng dựa trên những nhân tố vô thường sinh diệt thì bản chất những niềm vui và hạnh phúc đó cũng không trường cửu, chúng cũng luôn đổi thay, vô thường sinh diệt. Hạnh phúc mà đa phần thế gian đang mong cầu tìm kiếm chính là thứ hạnh phúc mong manh, tạm bợ này, thứ hạnh phúc đó đến rồi đi khiến cho cuộc đời là những ngày tháng buồn vui xen lẫn.
Thời Phật còn tại thế có bốn vị tân Tỳ kheo trong lúc dạo cảnh mùa xuân cùng nhau trò chuyện, họ hỏi nhau: “Sống ở trên đời, điều gì đáng yêu thích khiến người ta vui vẻ sung sướng?”.
Một người trả lời: “Mùa xuân trăm hoa khoe sắc ngàn tía muôn hồng, phong cảnh hữu tình, du xuân thưởng ngoạn đó đây thật là điều vui thích”.
Người thứ hai nói: “Bà con bạn bè hội họp chén tạc chén thù, ca múa hát xướng mới là điều vui thích nhất”.
Người thứ ba phát biểu: “Có thật nhiều tiền của, nhà cửa sang trọng, vợ đẹp con xinh, quyền cao chức trọng, ăn ngon mặc đẹp, xuống ngựa lên xe, kẻ hầu người hạ, đó là điều vui thích nhất”.
Người thứ tư đưa quan điểm của mình: “Sắc đẹp mỹ miều, yêu kiều diễm lệ, mắt long lanh như nước biếc, môi xinh thắm như hoa cười, lời nói rót mật vào lòng, đó là điều khiến người ta vui thích nhất”.
Đức Phật thấy bốn vị Tỳ kheo này vì thất niệm mà để tâm ý dong ruổi theo vọng tình. Ngài biết có thể độ họ, bèn đi đến hỏi: “Các ông đang luận bàn chuyện gì thế?”.
Bốn người thành thật kể lại cho đức Phật nghe suy nghĩ của họ về những lạc thú trên đời. Nghe xong, đức Phật bảo: “Những điều các ông cho là vui thích thường đưa con người đến chỗ mê muội, lo lắng, sợ hãi, khổ não, oán thù; đó không phải là pháp tuyệt đối an vui và mãi mãi hoan lạc, càng tham đắm thì càng phiền não khổ đau. Các ông cần nên quán xét, mùa xuân vạn vật tốt tươi, sang mùa thu mùa đông thì úa tàn rơi rụng. Bà con, bạn bè sum vầy vui vẻ rồi phải chịu cảnh chia ly, càng vui vẻ bao nhiêu thì càng khổ sầu bấy nhiêu. Tài sản của cải là của chung năm nhà: vua quan, trộm cướp, con cái, nạn nước trôi, nạn lửa cháy, chúng không là tài sản của riêng ai, nay trong tay người này mai vào tay kẻ khác, chúng không ở mãi với chúng ta. Thê thiếp xinh đẹp là đầu mối yêu ghét, oán hờn, càng nhiều thê thiếp thì càng lo âu phiền não, càng bận bịu buộc ràng; càng đắm sắc mê hương thì càng hao mòn thân thể, suy tổn tinh thần. Là người xuất gia từ bỏ con đường thế tục, quyết chí cầu đạo, không đắm nhiễm lạc thú thế gian, hành đạo vô vi sẽ tự nhiên đạt được Niết bàn an lạc, đây mới là chỗ tuyệt đối an vui”.
Bốn vị Tỳ kheo nghe lời Phật dạy, trong lòng hổ thẹn ăn năn, bèn nhiếp tâm chính niệm dứt trừ vọng tưởng, tinh tấn tu hành, tham dục không còn, chẳng bao lâu chứng thánh quả.
Người ta nghĩ rằng làm gì có thứ hạnh phúc không do các điều kiện bên ngoài mang lại. Không có tiền tài danh vọng, không được ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ các thú vui khoái lạc thì làm sao vui? Trong xã hội tiêu thụ thực dụng, người ta đã quen tìm niềm vui trong vật dục, là những ham muốn về vật chất, nên họ không thể tin có thứ hạnh phúc khác ngoài hạnh phúc đó.
Tuy nhiên, có những người tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc mà không cần nhiều những yếu tố vật chất bên ngoài và không lệ thuộc tiền tài, danh vọng, quyền lực…
Đó là các nhà khoa học có tâm huyết, lấy sự nghiên cứu, cống hiến cho khoa học, cho nhân loại làm hạnh phúc, làm niềm vui; các nhà giáo dục sống vì sự nghiệp giáo dục, vì tương lai thế hệ trẻ; các nhà làm nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhà điêu khắc…sống để làm đẹp cuộc đời, mang lại niềm vui cho mọi người; các nhà từ thiện hết lòng với việc chia sẻ nỗi khổ niềm đau và mang lại hạnh phúc cho người khốn khổ…
Họ sống giản dị, đời sống vật chất nghèo nàn nhưng họ giàu có về tâm hồn, họ tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong công việc, trong sự nghiệp cống hiến.
Một người hỏi Carl Vinhem Scheele – Nhà hóa học nổi tiếng người Thụy Điển sống vào thế kỷ thứ XVIII – khi thấy ông sống trong cảnh nghèo nàn: “Thưa ngài, chẳng lẽ bao công trình và danh tiếng khoa học của ngài lại chỉ đem đến cho ngài cuộc sống như thế này thôi sao?”. Scheele đã trả lời rằng: “Thế ông cho rằng khoa học chỉ là phương tiện kiếm sống thôi ư?”. Niềm vui và hạnh phúc của nhà khoa học chân chính là những thành tựu khoa học và những cống hiến cho cuộc đời.
Đó là chưa kể đến những nhà tu hành, nguồn hạnh phúc mà họ tìm thấy càng cao quý hơn. Họ từ bỏ đời sống vật dục, sống cuộc sống thanh bần và vui với đạo để phụng sự chúng sinh, nhưng niềm hạnh phúc của họ vô biên. Niềm vui của họ là vui với điều thiện, là thiền duyệt (niềm vui có từ thiền định), là pháp hỷ (niềm vui có từ việc tu học Phật pháp), và cao tột là Niết bàn – niềm vui tự tại giải thoát, không còn bất cứ phiền não khổ đau nào, trạng thái hoàn toàn an lạc.
Trong lịch sử có không ít vị vua quan từ bỏ đời sống vương giả, các bậc phú hộ từ bỏ cuộc sống giàu sang danh vọng để đi tu; nhiều nhà khoa học, nhà chính trị, triết gia ngày nay cũng sẵn sàng từ bỏ địa vị, danh tiếng để trở thành những người tu hành, do họ tìm thấy được nguồn an lạc, hạnh phúc mà phía sau không có sự giấu mặt của đau khổ, là thứ hạnh phúc mà trên thế gian không có thứ hạnh phúc nào vượt lên được.
Thời Phật còn tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi Quy y Phật ông chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và tinh cần thực hành thiền quán. Một đêm, trong lúc hành thiền bỗng ông reo lên: “Hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá!”.
Những vị Tỳ kheo đang tu tập gần đó hết sức ngạc nhiên, không ai hiểu chuyện gì. Sáng hôm sau có một vị đến trình sự việc đó với đức Phật rằng: “Có lẽ Tỳ kheo Bạt Đề cảm thấy không thoải mái và đang nhàm chán đời sống xuất gia, vị ấy đã nghĩ đến đời sống thế tục giàu sang danh vọng trước kia, cảm thấy thích
thú mà thốt lên như thế”.
Đức Phật bèn cho gọi Tỳ kheo Bạt Đề vào hỏi nguyên do. Đứng trước chúng hội đông đảo hàng xuất gia lẫn tại gia, Tỳ kheo Bạt Đề chắp tay bạch Phật: “Bạch Thế tôn, ngày trước con làm quan, cuộc sống giàu sang có quyền lực, danh vọng địa vị, vợ đẹp con xinh, kẻ hầu người hạ, thế mà con không cảm thấy an ổn, thoải mái, không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, con luôn sống trong căng thẳng, lo âu, phiền muộn, sợ hãi. Lo chuyện an nguy, thịnh suy được mất, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên giấc.
Từ khi xuất gia, con không còn tài sản của cải, quyền lực danh vọng, không còn nhà cao cửa rộng, kẻ hạ người hầu, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm thanh đạm, tối đến ngủ dưới gốc cây, thế mà lòng con cảm thấy thảnh thơi an lạc. Đêm hôm qua trong lúc thiền định, con cảm nhận được niềm an lạc, hạnh phúc vô biên mà trước đây chưa từng cảm nhận được, nên buột miệng thốt lên lời vui mừng làm kinh động đến Thế tôn và các bạn đồng tu.
Con xin thành tâm sám hối!” Đức Phật đã khen tỳ kheo bạt đề rằng: “Hay lắm tỳ kheo Bạt đề! Ông đang đi những bước vững chãi, thảnh thơi an lạc trên lộ trình giải thoát. Niềm an lạc của ông, cả chư thiên cũng ước ao huống chi là người đời”.
Thế gian thường khổ lụy vì tham đắm năm dục: tài (tiền bạc, của cải), sắc (hình dáng, màu sắc, sắc đẹp của người nam, người nữ), danh (danh tiếng, địa vị, sự trọng vọng), thực (uống ăn, hưởng thụ), thùy (ngủ nghỉ), hay nói rộng hơn là sắc (hình sắc), thanh (âm thanh êm tai), hương (mùi thơm thích thú), vị (vị ngon khoái khẩu), xúc (tiếp xúc, xúc chạm ưng ý). Người sống trên đời lấy ngũ dục làm niềm vui, làm niềm hạnh phúc: ăn ngon mặc đẹp khiến người ta vui thích; đàn đúm rượu chè, cờ bạc khiến người ta vui thích; tình cảm trai gái, sắc dục khiến người ta vui thích; giàu có, sang trọng khiến người ta vui thích; nổi tiếng, được nhiều người ái mộ, trọng vọng khiến người ta vui thích…
Khi không có ngũ dục hoặc không có đủ ngũ dục thì con người cảm thấy thiếu thốn, buồn tẻ, cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị, thậm chí đau khổ.
Đời sống không thể không có tài, sắc, danh, thực, thùy hay sắc, thanh, hương, vị, xúc, bởi những thứ đó làm nên xã hội, tạo nên cuộc sống, ai thoát khỏi những thứ đó thì đã không sinh ra ở cõi đời ngũ trược này (ngoại trừ chư Phật và các vị Bồ tát vì bi nguyện độ sinh). Nhưng ngũ dục cũng là nguồn gốc của bất an, đau khổ trong đời này và dẫn đến sa đọa vào các cảnh khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh sau khi thân này không còn nữa.
Bởi ngũ dục thường khiến cho con người mê đắm, tham cầu, tác hại của chúng là: gây tranh đấu (tranh giành, chiếm đoạt), làm con người khổ não (vì muốn mà không được, cầu mà không thấy, hoặc vì có rồi bị mất đi v.v..), gây ra tai họa (trộm cướp, giết chóc, bệnh tật v.v..), làm cho con người điên đảo vì chúng có đó rồi mất đó, phù du tạm bợ, vô thường, không trường cửu. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác có nói: “Đa dục vi khổ. Sinh tử bì lao tùng tham dục khởi. Thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”, nghĩa là: Tham muốn nhiều thì khổ. Sinh tử nhọc nhằn đều từ tham muốn mà ra. Ít tham muốn, vô vi (không tạo tác với ý niệm tham, sân, si) thì thân tâm tự tại.
Hầu như mọi người đều xem mục tiêu của đời mình là làm sao để tồn tại trên thế gian và hưởng thụ được nhiều lạc thú, thỏa mãn những nhu cầu, tham muốn. Và người ta cật lực thực hiện điều đó bằng trí óc, bằng công sức, bằng âm mưu thủ đoạn, bằng tội ác…nhưng có những điều mà ít khi con người lưu tâm đến, thậm chí không muốn lưu tâm đến, đó là: Lòng tham muốn của con người thì vô cùng vô hạn, chỉ có thể tìm thấy sự thỏa mãn tạm thời chứ không có sự thỏa mãn lâu dài, chính vì thế mà con người thường rơi vào nhàm chán, thất vọng, mệt mỏi. Vạn sự vạn vật đều vô thường, luôn biến hoại, đổi thay, đó chính là điều bất như ý khiến cho con người khổ não.
Do điên đảo tạo tác mà phải nhận lãnh hậu quả, càng điên đảo tạo tác thì đời sống càng rối ren, phức tạp, đa đoan, nhân duyên chằng chịt buộc ràng, con người càng khó tìm ra sự thảnh thơi an lạc.
Trên thế gian con người có thể tìm được niềm vui, tìm được hạnh phúc từ nhiều nhân tố, từ nhiều điều kiện nhân duyên, nhưng đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực không có những hệ lụy, không dẫn đến bất an, đau khổ, đâu là niềm vui, niềm hạnh phúc lâu dài, miên viễn? Làm sao để sống an lạc trong hiện tại và tương lai?
Chỉ có con đường “không đắm nhiễm lạc thú thế gian, hành đạo vô vi” như lời đức Phật dạy mới đạt đến chỗ tuyệt đối an vui.