Suy ngẫm về sự thất bại trong cuộc đời. Tâm và tín
Những người từng trải luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Họ chưa thật sự nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, “cái tôi” của họ chưa từng bị đảo điên khi gặp khốn đốn.
Mọi sự thành công hay thất bại trong đời không phải do ai ban phát cho ta mà do những nghiệp nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả hoàn tự hiện. Những nhân duyên xấu đã được tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt.
Cũng tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho mà do những nghiệp nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả hoàn tự hiện. Những nhân duyên xấu đã được tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Nhà Phật có câu “muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả chúng ta đang lãnh trong hiện tại. Muốn biết tương lai của chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trong hiện tại”. Tuy nhiên, nhân quả không đơn giản mà rất đa dạng, phức tạp bởi trùng trùng duyên khởi, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể vì ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ, ngoại trừ những người tu hành liễu đạo mới thấy nghiệp chướng xưa nay là không.
Thật ra, thất bại là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại ta sẽ thu mình lại, mặc dù bị đè nặng trong cảm giác rất khó chịu nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất, lòng tự hào, sự háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do những người từng trải luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. Họ chưa thật sự nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, “cái tôi” của họ chưa từng bị đảo điên khi gặp khốn đốn. Sự thành công lớn của họ có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và mọi người chung quanh. Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội nhưng lại mau chóng ngã đổ vì chính thái độ cống cao, ngã mạn của họ.
Chúng ta đã từng tự hỏi thành công là gì mà biết bao kẻ bỏ cả cuộc đời để theo đuổi thành công? Hay nói cách khác là sự thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu có, sang trọng, được mọi người trong xã hội kính trọng và nể phục.
Trong quan hệ giao tiếp làm việc hằng ngày ta thường gặp những khó khăn, trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại nặng nề. Song, chính nhờ những thất bại đó đã làm cho ta trưởng thành hơn, giàu kinh nghiệm và ngày càng vững vàng đi tới mục tiêu lý tưởng ta đang thực hiện. Chúng ta hãy dũng cảm đối diện với thất bại, biến nó thành cơ hội tốt để từng bước đi lên. Chính thất bại trong hiện tại sẽ giúp chúng ta thành công trong tương lai. Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại, vì thất bại có thể làm cho niềm tin của ta lui sụt vì sự mất mát, hao tốn tài sản. Người có dũng khí sẽ không thất chí nản lòng khi thất bại, họ sẽ nuôi hy vọng và có ý chí sắt đá để tiếp nối con đường họ đang đi và đã đi. Nói chung, sự thất bại nào cũng đem lại cảm xúc đau khổ, nhưng tùy theo năng lực của mọi người mà thất bại đó có thể làm họ gục ngã luôn hay không.
Thất bại có nhiều nguyên nhân, có thể do bản thân ta chưa làm đúng, thiếu kinh nghiệm, chưa thực sự nỗ lực. Thất bại cũng có thể do các yếu tố khách quan bên ngoài đưa đến. Thất bại không phải là sự kết thúc hẳn hoi mà chỉ là cơ hội để chúng ta bắt đầu lại mọi thứ một cách có logic hơn. Vậy chúng ta chớ lo sợ thất bại, điều đáng sợ hơn hết là ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không biết cố gắng hết sức mình. Lời khuyên này sẽ giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ nhỏ với cả những việc bình thường trong cuộc sống.Chỉ khi nào chúng ta biết vươn lên sau thất bại, ta mới có thể đạt được những gì mình mong muốn, thực hiện được những hoài bão, ước mơ trong tương lai. Nếu chúng ta trong khi thất bại mà lại bi quan, chán nản thì ta dễ dàng bỏ cuộc và sẽ chẳng bao giờ đạt được bất cứ thành công nào hết vì không có lập trường vững chắc. Đó là một lời khuyên chân thành để mọi người vững chí bền lòng, kiên trì không chán nản trước mọi khó khăn, thất bại. Nếu ta biết học tập, rút kinh nghiệm thì thất bại sẽ dạy cho ta cách đạt tới kết quả cao hơn trong tương lai. Chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ một người thành công nào mà chưa từng trải qua thất bại. Thậm chí một số người có thể đã trải qua những thất bại cay đắng nặng nề mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, chúng ta thường học được những bài học tuyệt vời nhất của cuộc sống này thông qua từ những thất bại. Chính vì vậy, chúng ta hãy học cách chấp nhận thất bại như một phần của quá trình tiến tới thành công. Hãy rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu của sự vấp ngã để giúp ta trưởng thành hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta sẽ thành công, hoặc chúng ta sẽ học được một bài học quý giá nào đó từ sự thất bại.
Vì sao lại có câu nói “thất bại là mẹ thành công”? Đối với người không có đủ niềm tin trong cuộc sống, họ thường hay bi quan, chán nản, khi gặp thất bại họ sẽ bỏ cuộc nửa chừng; nhưng đối với người có ý chí, họ kiên trì, bền bỉ để vượt qua cạm bẫy của cuộc đời. Sau khi thất bại, họ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn bị thất bại nữa. Ngoài ra, thất bại còn rèn luyện thêm ý chí cầu tiến và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người. Chúng ta muốn không bị thất bại nữa mà đạt đến thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học và rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên, để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã mà thất bại những lần tiếp theo. Tại sao chúng ta cần phải kiên trì, bền bỉ trước những khó khăn, thất bại? Đó là vì cuộc sống khó tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng lấy thất bại làm bài học để rút tỉa kinh nghiệm thì ý chí sẽ càng thêm vững vàng, kinh nghiệm của ta sẽ dày dặn hơn, ta cố gắng tiếp tục vươn lên và quyết tâm đạt được thành công như ý muốn trong tương lai.
Chữ “thất bại” đôi khi có thể khiến ta hiểu lầm là ta không được gì cả, ta hoàn toàn trắng tay. Trong khi đó, những gì ta đã gầy dựng nên vẫn còn đấy chứ có mất đâu? Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng cho công trình hay đối tượng kế tiếp. Cho nên, khi thành công ta phải hiểu sự thành công này đang đứng trên vai của sự thất bại trong quá khứ, đó chính là ý nghĩa câu nói “thất bại là mẹ thành công”. Không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Đôi lúc trong cuộc sống chúng ta đối mặt với những khó khăn, thử thách và cần một lời động viên, an ủi nào đó để ta tiếp tục đứng lên đi tiếp. Có những lúc chúng ta cần phải chiến đấu qua những ngày tồi tệ nhất để tiến tới những ngày tươi sáng. Nếu chúng ta tin tưởng mình có thể đạt tới thành công trong nay mai thì ta càng cố gắng bền bỉ, kiên trì và nỗ lực nhiều hơn. Một sự thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, nhưng không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ta. Dù điều kiện quyết định sự thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ dàng để chế tác ra, nhưng vì thiếu kinh nghiệm và sáng suốt nên ta cũng không biết thêm bớt thế nào để tạo đủ điều kiện cho nó.
Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn; nhưng có một thành công khác thầm lặng mà lại lớn lao hơn, đó là sự vất vả, nhọc nhằn của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao nhiêu ước mơ và hy vọng đứa con mình được vào đại học nay đã trở thành hiện thực. Ngày người con trai đậu đại học cũng là ngày người cha đã học được một khoá huấn luyện thành công. Đây cũng là lẽ thường nhiên, vì nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới thành công thì con người đã không còn là con người và thế gian này đã biến thành cõi thiên đường rồi. Như vậy, khi sự việc bất thành thì ta phải hiểu những điều kiện đưa tới thành công chỉ là chưa hợp lý, có thể vì dư hoặc thiếu chứ không hẳn là vô nghĩa; nhưng làm sao ta có thể nắm bắt được tương lai trong khi ta hoàn toàn thất bại với hiện tại? Có nhiều người may mắn đã thực hiện được giấc mơ của mình nhưng lại không đủ sức để giữ gìn nó hoặc mau chóng điêu tàn, sụp đổ. Khi tâm của ta chưa nhận ra được đâu là giá trị hạnh phúc chân thật để biết bằng lòng với những gì mình đang có thì ta sẽ không ngừng dệt lên những giấc mộng ở tương lai. Nếu ta cho rằng mình sẽ không bao giờ bị thất bại vì tài năng và bản lĩnh có thừa, thậm chí ta rất ghét sự thất bại, ta còn cho rằng thất bại là xấu xa, nhục nhã nên khi đối đầu với nó ta dễ bị chao đảo và ngã quỵ. Nhiều khi sự tổn hại về tài sản và năng lực cũng chẳng là bao, nhưng chính cái kẹt vào danh dự mới làm cho ta đau khổ.
Có những giấc mơ được dệt trên một tâm thức rất nông cạn, phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và năng lực mới thực hiện được nhưng người ta bỗng phát hiện ra sự vô nghĩa của nó chỉ trong thoáng chốc. Có những thứ gọi là hoài bão nhưng nó đã khiến người ta bỏ qua rất nhiều giá trị mầu nhiệm trong hiện tại mà đánh mất chính mình và mỏi mòn trong thế giới mông lung của chờ đợi. Ta vừa phải lo thu dọn bao nhiêu thứ tàn dư sau khi thất bại, vừa phải tìm cách ứng phó để giữ gìn sĩ diện chính mình. Đó là chưa nói đến sự tưởng tượng của ta về thái độ coi khinh của mọi người khi họ biết ta thất bại. Chính vì sĩ diện đó đã nhấn chìm cuộc đời ta trong u mê, tăm tối. Cũng có khi ta chưa quen thất bại bao giờ hay bị thất bại nặng nề như vậy nên ta rất hoang mang, sợ hãi và khổ đau. Một người vừa bị mất việc thì tìm kiếm ngay việc khác để làm, một người vừa bị mất người yêu thì mau chóng tìm đối tượng khác để được cảm giác thương yêu. Tất cả những phản ứng sau sự thất bại thường là sự cố gắng để khẳng định “cái tôi” của mình, nhưng phần lớn những gì ta cố bám víu trong khi bản thân đang trải qua sự thất bại đều là sai lầm đáng tiếc. Ta lầm tưởng đó là thái độ quyết tâm hướng thượng, nhưng thực chất ta đang củng cố “cái tôi” yếu đuối của mình. Ta phải làm một điều gì đó để ta thấy được sự tồn tại của mình. Chấp nhận sự thất bại và tìm hiểu nguyên nhân là thái độ rất quan trọng trong tiến trình trị liệu. Ta nên nhớ rằng, trạng thái tâm lý đang chịu đựng sự thất bại rất quan trọng, nó là một phần tất yếu của “cái tôi” thuần phục và vững chãi. Nếu ta đã phấn đấu hết lòng mà vẫn không thành công thì chắc chắn nguyên nhân tùy thuộc ở bên ngoài, lực bất tòng tâm, ta không cần phải day dứt hay trách móc bản thân mà cứ kiên nhẫn chờ đợi đến khi hội đủ nhân duyên và điều kiện. Khi vượt qua được tâm lý tổn thương và mặc cảm là ta đã vượt qua hơn một nửa nỗi khổ, niềm đau vì thất bại. Thỉnh thoảng, ta cũng nên tự hỏi mình có cần đeo bám mãi sự thành công hay không, nó có phải là điều kiện tiên quyết cho hạnh phúc của ta trong hiện tại không để buông xả bớt những mục tiêu chỉ đem lại những giá trị tầm thường, vô nghĩa. Đừng bao giờ quên rằng, sự thất bại dù lớn đến đâu cũng chỉ là một phần của cuộc sống, nó không thể làm phương hại tới những giá trị mầu nhiệm mà ta đang nắm giữ trong tầm tay.
Nhiều người tìm đến công tác từ thiện hay phục vụ cộng đồng cũng để khỏa lấp nỗi đau thất bại từ cuộc đời, vì những công tác cao cả ấy có thể giúp họ xoa dịu bớt những nỗi đau về sự thất bại đã qua. Khi bị gặp thất bại trong tình cảm, ta hay tìm tới trường đời danh vọng, đó cũng là cách để cứu vớt “cái tôi” yếu đuối của mình và chúng ta sẽ đón nhận những thất bại sâu đậm hơn. Sự đầu tư vội vàng không có kế hoạch thực tiễn sau những lần thất bại thường chúng ta hay hy vọng nhiều để mong gỡ gạt lại mà bù đắp chuyện đau thương cũ, giống như kẻ chơi bạc liều lĩnh lấy hết số tiền làm vốn liếng sinh sống để đặt một ván bài cuối cùng. Tuy nhiên, bản năng sinh tồn của con người vốn luôn mạnh mẽ nhất, chỉ khi nào quá thất bại nặng nề nó mới chịu phát ra, nhờ vậy con người mới vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Cho nên, chúng ta đừng sợ thất bại mà hãy cố gắng chờ đợi nếu mình chưa đủ sức để thành công. Người có học thức uyên bác họ không thích sự thành công trong thuận lợi dễ dàng mà chính họ phải vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt để chiến thắng mọi trở ngại. Đó mới chính là những người có đủ năng lực và bản lĩnh sống. Bài tập đầu tiên khi chúng ta đón nhận thất bại chính là biết nhìn lại thái độ phản ứng của mình ra sao. Ta phải công minh ghi nhận những gì đang biểu hiện trong dòng chảy cảm xúc của tâm thức mình mà không dùng ý chí để đàn áp hay phủ nhận nó. Nhìn lại tâm mình trong mọi tình huống bằng thái độ không thành kiến riêng tư, ta sẽ thấy rõ nguyên nhân thất bại đều từ những tham vọng quá đáng. Khi đó, chúng ta sẽ thấy sự ỷ lại hoặc quá tự mãn, kiêu hãnh từ những chủ quan mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại, hoàn cảnh bên ngoài chỉ đóng vai trò phụ mà thôi.
Trong việc học để áp dụng vào đời sống, chúng ta biết được sự vận động của tự nhiên tuân theo quy luật nhân quả tương quan, ta biết được những quy tắc chuẩn mực của xã hội, biết cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Việc học tập, trau dồi trí thức giúp con người mở mang trí tuệ và thông suốt, thấu rõ vạn vật. Tuy nhiên, ông cha ta ngày xưa thường nói “trăm hay không bằng tay quen”, nếu chỉ chăm học lý thuyết suông mà không chịu ứng dụng thực hành thì khi làm việc không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại, thậm chí là thất bại nặng nề. Một bằng chứng thiết thực là trong cuộc sống của chúng ta có không ít người học rộng hiểu nhiều nhưng khả năng thực hành rất giới hạn, vì họ không biết nương vào đời sống hiện tại. Ngược lại, tại sao những người nông dân “chân lấm tay bùn” suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không được học hành, đào tạo qua trường lớp mà tay nghề của họ lại giỏi và thành công trong sản xuất. Do đó, chúng ta cần học hỏi nhiều bài học quý báu từ ngàn xưa cho đến ngày nay để được thành công. Ta cần học những lời dạy của người xưa như sau:
– Người thành công luôn biết chính xác những gì mình mong muốn, tin tưởng vào khả năng thực có của mình và sẵn sàng cống hiến hết thời gian làm việc để đạt được mục tiêu đó. Ngược lại, người thất bại khi làm gì không có mục đích rõ ràng mà luôn dựa vào đấng bề trên phán xét, quyết định.
– Người thành công chỉ nói và làm những gì mình biết và họ hoàn toàn có thể làm được điều đó một cách hoàn chỉnh. Ngược lại, những người thất bại luôn nói và làm những gì mà mình chỉ biết chút ít về chúng.
– Người thành công luôn biết dung hoà trong mối quan hệ giao dịch làm ăn với tất cả mọi người mà không quan tâm đến lợi ích mình sẽ đạt được. Ngược lại, người thất bại chỉ biết nuôi dưỡng quan hệ với những ai mà họ cho rằng sẽ có lợi cho mình.
– Người thành công luôn học hỏi, trau dồi kiến thức và mở rộng lòng khoan dung và độ lượng. Họ luôn sống vì lợi ích chung cho cộng đồng xã hội. Ngược lại, người thất bại luôn tự mãn sự tài giỏi của mình nên lúc nào cũng sống trong tham lam, ích kỷ. Chính vì vậy, họ luôn không có cơ hội thuận lợi và mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng xã hội.
– Người thành công luôn biết đổi mới tư duy để theo kịp sự tiến hoá của thời đại, họ xem đây như một trách nhiệm quan trọng hàng đầu để được tồn tại. Ngược lại, người thất bại chỉ biết quan tâm đến bản thân nhiều hơn với những nhu cầu trước mắt và bất chấp mọi thủ đoạn đê hèn để đem lợi về cho mình.
Cuộc sống của chúng ta vô cùng phức tạp nhưng đôi khi cũng thật đơn giản. Nếu ta giữ chặt một nguyên tắc nào đó để nắm bắt cuộc sống thì đó là một thái độ sai lầm có khi làm thất bại giá trị hiện thực. Cũng như người thiếu hiểu biết khi gặp thất bại một điều đó họ hay buông xuôi, nên tinh thần nhanh chóng bị suy sụp rồi hủy hoại đời mình trong men say tình ái mà đắm chìm trong tội lỗi. Đó là thứ tâm bệnh rất đáng sợ, hay còn gọi là ý thức hệ. Nhiều người đã quyết định chấm dứt mạng sống của mình vì nghĩ rằng cuộc đời sao quá đen tối nên muốn tìm chỗ khác trong sáng hơn. Một điều rất quan trọng khác mà đức Phật đã đề cập trong Kinh là “nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại”. Dựa theo bản Kinh tạng Nikaya chúng tôi rút gọn lại như sau: Có hạng người đi đến người tu hành chân chính và đã hứa giúp đỡ, cúng dường; nhưng cuối cùng họ không thực hiện như đã hứa nên sau đó có làm ăn, mua bán gì cũng đều thất bại. Ngược lại, họ đã hứa sẽ giúp đỡ và còn cúng dường nhiều hơn như đã hứa nên sau khi qua đời họ tái sinh chỗ mới, có làm ăn mua bán gì cũng thành công tốt đẹp.
Để lý giải sự thành công của mình, đa số các hàng doanh nhân đều nghĩ vì họ có tài năng thật sự biết nhìn xa trông rộng, biết nắm bắt thị trường kịp thời và gặp được may mắn. Đối với kẻ làm ăn thất bại thì họ nghĩ mình chưa gặp thời và tiếc nuối khi nghĩ mình đâu thua kém ai, chỉ tại ông trời quá bất công với họ mà thôi. Thật sự, không ai ngờ rằng sự thành công hay thất bại đều có liên hệ mật thiết với phước báo quá khứ họ đã gieo trồng nhiều hay ít mà thôi. Những người kinh doanh làm chơi ăn thiệt thì phải biết đó là phước báo do nhiều đời đã từng đóng góp, giúp đỡ nhiều người khác nên chớ vội tự mãn, coi thường; vì làm phước thì hưởng phước, nếu hiện đời làm ít mà ăn nhiều thì phước mau hết và sẽ gặp hoạ nghèo thiếu về sau. Sự bùng nổ kinh tế thị trường đã đánh thức lòng tham vốn sẵn có của con người trong suốt mấy nghìn năm qua, con người cứ nhắm mắt lao vào tranh giành quyền lợi, không còn quan trọng đến những giá trị tình người trong cuộc sống. Người Phật tử chân chính ngoài việc tu dưỡng đạo đức cho bản thân còn phải làm ăn để sinh sống. Tuy nhiên, nếu ta không biết gieo trồng phước báo nhiều đời thì việc mua bán làm ăn cũng khó thành công dù có cố gắng, siêng năng, tận tuỵ với công việc; và cũng không một phước báu nào lớn bằng sự trợ duyên và cúng dường cho những người tu hành chân chính để họ được thành tựu viên mãn, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Ngoài việc vun trồng phước báo tự thân ta còn phải siêng năng tinh cần làm việc, biết tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu và không tiêu xài hoang phí quá mức. Ngoài ra, ta không bao giờ gian tham, trộm cướp, lường gạt của người, vì đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến làm ăn thất bại.
Tóm lại, chúng ta muốn hiện tại hoặc đời sau làm việc gì cũng thành công viên mãn hết thì khi hứa hẹn với ai điều gì ta phải giữ cho đúng. Ngoài ra, ta còn phải biết mở rộng tấm lòng chia vui sớt khổ; khi cần thành tựu cho người có giới đức thì ta vui vẻ cúng dường; khi thấy ai bất hạnh, nghèo khổ thì ta tìm cách san sẻ và nâng đỡ. Ta làm tất cả chỉ vì tình người trong cuộc sống chứ không hề có sự toan tính, chỉ vì thương người mà giúp bằng trái tim yêu thương và hiểu biết; có được như vậy thì ta làm việc gì cũng đều thành công viên mãn.
Theo TUTHIENDUYENLANH.COM