Ý nghĩa của hoa mai trong văn hóa của người Việt xưa Tâm và tín
Đã là người Việt Nam hẳn không một ai lớn lên mà không khắc ghi trong tim hình ảnh hương vị ngày Tết cổ truyền: sắc đỏ phong bao lì xì, màu xanh mơn mởn bánh chưng bánh tét, củ kiệu, dưa hành… và nếu như người dân ở miền Bắc chăm chút cho những cành đào đỏ thắm, thì ở miền Nam, màu vàng chói như ánh mặt trời của hoa mai lại chính là dấu hiệu báo hiệu tết đến, xuân về.
Từ xưa, hoa mai đã được chọn là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân, là nguồn thi hứng dồi dào, là hình tượng đẹp trong văn chương. Trong tiết đông giá lạnh, trong khi vạn vật như đang run rẩy, co cụm, úa tàn, thì hoa mai vẫn tinh khôi bừng nở bên những lộc non mơn mởn.
Hoa Mai tuy mảnh dẻ nhưng cứng cáp, thuần khiết, mùi thơm nhẹ nhàng, kín đáo. Người xưa lấy cái khí phách của mai ví như người quân tử. Các nhà nho gặp thời loạn lạc thường ví mình như cành mai nở trong gió đông để giữ mình thanh sạch. Người cao tuổi chuộng cái già nua của lão Mai, mong muốn tuổi già khỏe mạnh, trường thọ. Vóc dáng của Hoa Mai còn được ví như người con gái quyền quý, khuê các.
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) thì xem mai hoa như một biểu tượng của đạo đức và khí tiết: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Truyện Kiều), còn Mãn Giác Thiền sư (1052-1096), trong một bài kệ, tương truyền được viết ngay trước khi Sư viên tịch tại chùa Sùng Nghiêm, năm 1096 đã viết:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Cáo tật thị chúng)
Tạm dịch: Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai. Chỉ sau một đêm xuân, trước thềm bỗng xuất hiện – không chỉ một, vài bông hoa – mà là một nhành mai nhất loạt vàng bông rực rỡ, như một sự thăng hoa tuyệt diệu, sự chuyển hoá biến đổi của đất trời.
Có lẽ chính vì những lý do đó, nên mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình nào cũng cố gắng trang trí một vài cây hoa mai nở rộ trong nhà với mong muốn bước sang năm mới có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc.