“Cai nghiện” điện thoại cho con Gia đình và tình yêu
Gần đây nhất, các chuyên gia nghiên cứu ở Anh đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ con sử dụng điện thoại không khác gì đưa một gam ma túy cho chúng. Điện thoại di động, máy tính bảng làm hại não, mắt, ảnh hưởng xương khớp con trẻ. Đã đến lúc cần phải cai nghiện điện thoại cho con.
Tác hại khôn lường
Việc đưa điện thoại cho con trẻ sử dụng thường xuyên, vô tình bố mẹ lại dễ gây nghiện sử dụng điện thoại đối với con cái. Khi được hỏi, nhiều phụ huynh trả lời rất khó kiểm soát thời gian của con nếu như con được trang bị điện thoại, nhất là điện thoại thông minh. Điều đáng lo ngại là nhiều em cho rằng, việc xem các video có nội dung đồi trụy là chuyện quá bình thường.
Ở khu tập thể N02, Dịch Vọng, Cầu giấy, Hà Nội, nhiều người dân đã quá quen thuộc với hình ảnh một số ông bố, bà mẹ trẻ, vì con lười ăn nên cứ đến giờ ăn mang điện thoại ra nhử con. Tay cầm điện thoại, bấm bấm các trò chơi, hoặc dán mắt vào màn hình xem bé Xuân Mai biểu diễn, hay xem hoạt hình vui nhộn… các bé mới chịu ăn.
Có con trai năm nay lên 3 tuổi, anh Nguyễn Văn Hải, sống ở khu Greenstar chia sẻ: Dù biết cho con sử dụng điện thoại từ bé là không tốt nhưng nhiều lúc bất khả kháng nên phải cho con dùng. Lúc chúng ốm đau hay quấy khóc, rồi lúc cho con ăn, vợ chồng anh đều cho con nghịch điện thoại, lâu dần thành thói quen. Không có điện thoại cho con nghịch thì con không chịu ăn, không chịu ngồi yên một chỗ.
Cùng con “cai nghiện” điện thoại
Cậu con trai độ tuổi dậy thì, nhà chỉ có hai mẹ con sống với nhau, công việc bận rộn, phải đi công tác nhiều nên việc nuôi dạy con được chị Bích Vân giao khoán cho người giúp việc. Không tiếc tiền, chị cho con học trường quốc tế, sắm cho con những bộ quần áo, đôi giầy hàng hiệu và cả chiếc điện thoại iPhone đắt tiền. Nhưng chỉ đến khi cô giáo chủ nhiệm điện thoại hẹn gặp, chị Vân mới vỡ lẽ bấy lâu nay quản lý con lỏng lẻo. Bài tập cô giáo giao về nhà con không làm. Trên lớp không tập trung nghe giảng. Lực học cứ thế giảm sút dần. Tối vùi đầu trong phòng riêng, cậu con trai với chiếc điện thoại tha hồ chơi game đến khuya, sáng gọi mãi mới chịu dậy để đến lớp.
Tìm hiểu kỹ trên mạng, chị Vân đã biết được nguyên nhân do con nghiện điện thoại mà ra. Từ đó, chị lên kế hoạch giúp con cai nghện điện thoại. Bớt hẳn những chuyến công tác xa nhà, chị Vân mua cho con nhiều sách truyện hay, về đọc cùng con trước khi đi ngủ. Cuối tuần hai mẹ con dắt nhau đi xem phim hoặc về quê thăm ông bà nội ngoại. Đặc biệt, chị đã rèn được cho con thói quen, trước khi về phòng riêng, hai mẹ con đều cất điện thoại lên tủ trà ngoài phòng khách.
Sử dụng điện thoại vừa có mặt tốt, vừa có mặt xấu. Nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên cho con cái sử dụng điện thoại khi chúng còn quá bé. Nếu đã lỡ cho con sử dụng điện thoại thì phải cai nghiện điện thoại cho con. Bản thân bố mẹ phải làm gương, chỉ sử dụng điện thoại để giao dịch công việc, tuyệt đối không chơi game, lướt mạng. Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian vui chơi bên con. Nếu trang bị điện thoại để liên lạc, quản lý con thì chỉ nên mua cho con những chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin.
Hiện nay, điện thoại trở thành vật bất li thân của người già để con cái dễ dàng quan tâm, thăm hỏi bố mẹ. Còn với trẻ em, chiếc điện thoại giúp bố mẹ điều khiển từ xa việc chăm sóc, quản lý con cái ở nhà hay ở trường, hoặc bất cứ nơi đâu khi chúng ra khỏi nhà. Chiếc điện thoại là cầu nối tình cảm, tri thức, điều hành công việc.