Có nên yêu tiểu thư? Gia đình và tình yêu
Tiểu thư là gì?: Theo Từ điển Hán - Việt Đào Duy Anh, tiểu thư chỉ có nghĩa là “cô gái ít tuổi”. Theo Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội, 1997), tiểu thư có hai nghĩa: “con gái nhà quan” và “thiếu nữ đài các” (nghĩa đen đài = nhà to, các = lầu cao, nghĩa bóng đài các = hợm hĩnh).
Không phải tiểu thư nào cũng “đài các”.
Ngày xưa tiểu thư Cúc Hoa, con quan thượng thư (tương đương chức bộ trưởng bây giờ), yêu và đi theo cậu bé ăn mày Tống Trân. Nay rất nhiều tiểu thư còn bình dân hơn cả “phó thường dân”. Con gái ông thứ trưởng nọ đi thi Đại học xong long đong như Tú Xương nhưng cô ta không nhờ vả thế lực của bố mà tự lập nghiệp bằng cách vay tiền đi học lái ô-tô và trở thành tài xế xe tải. Con dâu một bà tín đồ chùa tôi là công nhân “vệ sinh môi trường”, gặp cô ta đẩy xe rác trên phố chẳng ai ngờ cô là tiểu thư con ông thiếu tướng. Vô số tiểu thư khác từ bỏ chốn đô thành hoa lệ đi “cầm đàn lên đỉnh núi” mang chữ đến các bản làng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên rồi đẹp duyên với những chàng trai Tày, Nùng, Thái, H’mông, Ba-na, Ê-đê vv. Còn những tiểu thứ thứ thiệt con nhà “đầy tớ của nhân dân cỡ bự” lấy chồng nông dân “một nắng hai sương, chân lấm tay bùn” hoặc thợ nề “xây cho nhà cao cao mãi” thì khó đếm xuể.
Tiểu thư “rởm” và tiểu thư “nhái”.
Bên cạnh những tiểu thư “lá ngọc cành vàng”, một số cô “gia tư thường thường bậc trung” (hoặc cha mẹ là trọc phú kiểu “Nghị Quế” làm giàu bằng tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo…) rất khoái trò “gà đội lốt công”. Thí dụ họ luôn luôn ăn diện “sành điệu”, như mặc sơ-mi Pháp Dior, quần bò Mỹ Levis, xức nước hoa Hàn Quốc Enchanteur, đeo đồng hồ Thụy Sĩ Omega và điện thoại di động Phần Lan Nokia, xách túi Italia Gucci, cưỡi xe máy Nhật Dylan… tóm lại là bê tất cả Liên Hợp Quốc lên thân thể, với tổng số đầu tư có lẽ còn cao hơn chi phí xây dựng “điện, đường, trường, trạm” cho một làng “135” ở vùng sâu, vùng xa. Hình thức “hoành tráng” thế nhưng trình độ hiểu biết thực tế của họ xấp xỉ “Đại học chữ to” tuy họ có đầy đủ bằng cấp cử nhân nọ, cao đẳng kia…
Có nên yêu tiểu thư “trong đom đóm, ngoài bó đuốc”?
Trần Thị Lúa là con gái đầu lòng của trung tá Trần Văn Thóc, chiến sĩ của tôi, đã nghỉ hưu. Để đủ tiền vừa cung phụng mẹ già quanh năm ốm đau bệnh tật, vừa trang trải phí tổn cho con học Đại học, ông Thóc phải đi đào giếng thuê, bà Thóc tạm biệt lũy tre làng ra thành phố làm “ô-sin”. Ấy thế nhưng Lúa vẫn cứ vẽ ra lắm trò tai ác làm nhọc lòng và tốn tiền cha mẹ. Đầu tiên ông Thóc phải tất tưởi ngược xuôi đủ các “cửa quan” xã và huyện để chiều lòng con xin đổi tên Trần Thị Lan Anh (LA) cho khỏi “ngố”. Sau đó bán vài tạ thóc và mười con lợn gom góp tậu cho LA cái xe Wave Alpha “xịn”. LA vòi vĩnh bố vì cô ta tự hào rằng chẳng gì mình cũng dòng “danh gia vọng tộc”: bố cô là sĩ quan quân hàm cao nhất xã, cô là nữ sinh viên Đại học đầu tiên của cả làng, đo đó không thể “lèm bèm”. Nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” của LA đã rung động bao trái tim bạn học cùng lớp, cùng khoa, nhưng chỉ có anh Phú (P) được vinh dự “lựa bó đũa chọn cột cờ”. Tuy “Phú” chữ Hán nghĩa là “giàu” nhưng toàn bộ tài sản của P chỉ có chiếc xe đạp Viha là sáng giá nhất. Dẫu sao P vẫn “lọt mắt xanh” người đẹp nhờ hát hay và bẻm mép. Chủ nhật nào nàng cũng đèo xe máy đưa chàng đi nhậu nhẹt phở, bia, cà-phê… tất nhiên chàng phải “móc hầu bao”. Thấy P thường xuyên được cặp kề “xe ôm” với đấng “tuyệt thế giai nhân”, mấy gã bạn học “ghen ăn tức ở” liền gièm pha: “Hoạn không đau bằng ngồi sau đàn bà!”. Nghe vậy P liền van nài LA để y cầm lái cho ra vẻ “ga-lăng”. Nhưng non tay lái lại không quen đặc điểm của xe, y loạng choạng húc phải một ông xích-lô, cả ba người đều đi bệnh viện cấp cứu. Thế là gia đình P đành è cổ “nôn” ra 3 khoản rất to là thanh toán viện phí cho 3 nạn nhân, nộp phạt cảnh sát, đền tiền sửa chữa xích-lô và xe máy.
Hi vọng mẩu chuyện này có thể giúp các bạn trai tìm ra lời giải. Song nếu bạn gặp một tiểu thư biết “trọng nghĩa khinh tài” như nàng Cúc Hoa thì cứ việc “yêu vô tư”.
Đại đức Thích Đức Thiện