Con thú dữ trỗi dậy khi ... lửa gần rơm Gia đình và tình yêu
Ai cũng biết câu châm ngôn: “Nhất cự ly, nhì tốc độ”. Kinh nghiệm cho thấy, sự gần gũi bao giờ cũng là yếu tố hàng đầu nhen lên ngọn lửa yêu đương.
Không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi, người ta thường ví tình yêu với ngọn lửa. Cũng giống như ngọn lửa, tình yêu sưởi ấm những tâm hồn, thắp lên những niềm hạnh phúc, tỏa sáng những niềm hy vọng.
Nhưng cũng như ngọn lửa, tình yêu không có mắt. Nếu lửa có thể bén vào một vật dễ cháy khi để gần nhau thì tình yêu cũng có thể thiêu cháy cả xung quanh nếu ta không đề phòng.
Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu cũng thừa nhận nhiều mối tình bắt đầu từ sự gần gũi. Tình cảm con người thường hay nảy sinh từ những va chạm, giao tiếp hằng ngày. Những tình yêu công sở, tình yêu với người hàng xóm, người ở chung nhà là minh chứng cho hiện tượng “lửa gần rơm”.
Điều đáng nói là khi ngọn lửa tình yêu nhen nhóm lên ở những nơi mà theo đạo lý không được phép, rất cần những người trong cuộc phải bình tâm suy nghĩ lại. Bởi khi đó, mối quan hệ này không những chỉ thiêu cháy hạnh phúc gia đình mà có thể cháy lan và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc. Nó có thể dẫn đến những hiện tượng thương luân bại lý, hủy hoại cả nhân cách con người.
Các chuyên viên tư vấn tâm lý - tình cảm cho biết họ thường nhận được không ít cuộc gọi của khách hàng đang mất ăn mất ngủ vì những mối quan hệ yêu đương của chồng hay vợ họ với những người thân trong gia đình.
Một phụ nữ hơn ba mươi tuổi có cô em ruột là sinh viên ở cùng nhà. Lúc đầu, em gái hay vào phòng anh rể hỏi bài; sau đó em gái rất hay ca ngợi anh rể tài giỏi, phong độ... Rồi một hôm, chị bất ngờ vào phòng, thấy chồng đang ôm gọn cô em vợ trong lòng.
Một anh khác, có người cháu trai gọi bằng cậu ruột mới tốt nghiệp đại học đến ở cùng nhà để đi làm. Khi người cậu đi công tác phía Nam nửa tháng, ở nhà buổi tối mợ với cháu thường thuê băng tâm lý xã hội của Mỹ về xem với nhau. Cho đến một đêm người chồng bất ngờ trở về không hẹn trước, tình cờ bắt được cháu với mợ dâu trong chăn.
Một chị đi công tác xa chừng một tháng, lo chồng ở nhà không biết đi chợ nên nhờ người bạn gái hằng ngày mua thức ăn đem đến cho chồng. Một lần chị này mua hộ con cá rất tươi nhưng sợ anh ta không biết làm cá nên làm hộ. Nấu nướng xong thì trời mưa nên ở lại ăn cùng cho vui và cái gì phải đến đã đến...
Còn có những người vợ đi làm để chồng ở nhà trông con cùng với ô-sin, rồi cùng xem phim, trò chuyện suốt ngày. Cuối cùng là phát sinh các mối quan hệ tình ái Âu đó cũng là những bài học đắt giá cho hiện tượng “lửa gần rơm”.
Hầu hết các trường hợp quan hệ yêu đương bất chính do “lửa gần rơm”, khi phát hiện ra đều đã quá muộn, nên hậu quả của nó thường rất nặng nề.
Không ít gia đình lục đục, vợ chồng xung đột, ly hôn. Chị em, cậu cháu không thể nhìn mặt nhau được nữa. Hầu hết nạn nhân của những mối quan hệ này đều lấy làm ân hận vì quá chủ quan. Khi họ thấy có những biểu hiện khác thường rồi mới tìm cách ngăn chặn thì cũng đã muộn.
Để tránh hiện tượng “lửa gần rơm" trong tình cảm, có lẽ cũng nên áp dụng phương châm “phòng hỏa hơn cứu hoả”. Không nên tạo ra sự gần gũi, thân mật đến suồng sã giữa người đàn ông với người đàn bà, dù đó là những người có quan hệ họ hàng, cô dì chú bác, anh em, bạn bè.
Bản thân những người trong cuộc cũng nên tạo cho mình một khoảng cách cần thiết để giữ sự trong sáng trong quan hệ tình cảm. Khoảng cách đó có thể hiểu là một cự ly về không gian, cũng có thể hiểu là một bức rào chắn về tâm lý, là những phép tắc lịch sự trong giao tiếp hằng ngày. Nhưng tốt hơn hết vẫn là không nên để “lửa” gần với “rơm” để khi thấy nó cháy lên rồi mới dập cuống cuồng, e không kịp.