Con yêu, cha mẹ không nợ con! Câu chuyện khiến các ông bố bà mẹ giật mình Gia đình và tình yêu
Con cái cũng có tương lai và con đường đời của riêng chúng. Trước sau gì thì cha mẹ cũng phải học cách buông tay… để con trẻ tự bước đi trên đôi chân của chính mình.
Cuộc đối thoại thú vị của ông bố người Mỹ và ông bố người Trung Quốc
Trên mạng từng lưu hành một đoạn đối thoại khá thú vị như sau:
Cậu con trai người Mỹ hỏi cha: “Nhà chúng ta có rất nhiều tiền phải không cha?”
Người cha trả lời: “Cha có tiền, nhưng con thì không”.
Cậu con trai người Trung Quốc hỏi cha: “Nhà chúng ta có rất nhiều tiền phải không cha?”
Người cha trả lời: “Nhà chúng ta rất giàu, sau này chúng đều thuộc về con”.
Cách giáo dục khác nhau và sự khác biệt của những đứa trẻ
Thế là đứa trẻ người Mỹ ngay từ nhỏ đã tự mình nỗ lực học cách tự lo liệu cho bản thân và học thêm nhiều kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Do vậy cơ nghiệp của tổ tiên cũng được truyền từ đời này sang đời khác. Mấy đời sau thì cơ nghiệp ấy đã trở thành những doanh nghiệp cả trăm năm tuổi.
Cũng nhờ cách dạy dỗ con khoa học mà gia đình tỷ phú Donald Trump
vẫn giàu có dù đã bước sang thế hệ thứ ba.
Còn những đứa trẻ người Trung Quốc từ nhỏ đã được nuông chiều nên dễ sinh hư. Ngoài việc tiêu tiền ra thì cả ngày chúng chẳng buồn động chân động tay làm việc gì. Đến giờ là có cơm ăn, tới tủ quần áo là có quần áo sạch để mặc. Học ở trường nào, ra trường làm ở đâu đã có cha mẹ chạy chọt, nhờ vả, lo lót ổn thỏa, chỉ việc yên tâm ngồi mát mà ăn bát vàng.
Hoặc nếu có tiếp nhận sản nghiệp của cha, thì rất nhanh chóng cũng ăn chơi hưởng thụ, phá cho bằng sạch. Cho nên cổ nhân mới có câu rằng: “Không ai giàu ba đời”.
Dẫu đoạn đối thoại trên có thực hay không thì quả thực nó đã nói đúng hiện trạng của rất nhiều gia đình người ngày nay. Đặc biệt là những ông bố bà mẹ ngày đêm bận rộn với công việc, phải nhờ ông bà nội, ông bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Từ nhỏ những đứa trẻ này đã trưởng thành trong một môi trường khá thoải mái và được nuông chiều. Như vậy chúng rất dễ sinh ra tính ích kỷ và kiêu ngạo, thích gì làm nấy.
Nhưng kỳ lạ là rất nhiều đứa trẻ khi tiếp nhận sự giáo dục của phương Tây lại tỏ ra độc lập và hiểu chuyện…
Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi câu chuyện sau, có thể bạn sẽ hiểu hơn về sự khác biệt giữa cách giáo dục, đối đãi với trẻ nhỏ ở phương Tây.
Vào kỳ nghỉ hè năm ngoái, Ông Trương, một ông bố người Trung Quốc đã gửi Tiểu Minh, cậu con trai 13 tuổi của mình tới nhà cô bạn người Australia sống ở Perth. Ông nói rằng muốn cậu con trai mình được mở mang tầm mắt và nhờ Mary chăm sóc cho cậu bé.
Vậy nên Mary bắt đầu “chăm sóc” cậu bé chưa vị thành niên này.
Vừa được đón từ sân bay về, Tiểu Minh kéo va ly vào phòng khách. Mary bảo cậu ngồi xuống ghế sô pha, cô có chuyện muốn trao đổi với cậu.
Mary nói một tràng dài: “Cô là bạn của cha cháu. Cháu sẽ sống ở Úc trong một tháng hè này. Cha cháu muốn nhờ cô chăm sóc cháu. Nhưng cô muốn nói với cháu rằng cô không có trách nhiệm phải chăm lo cho cuộc sống của cháu. Bởi vì cô không nợ cha cháu, ông ấy cũng không nợ cô. Cho nên giữa chúng ta là bình đẳng”. Mary dừng lại và tỏ vẻ rất nghiêm túc, nhìn cậu bé.
Tiểu Minh tròn mắt ngạc nhiên, cậu thật bất ngờ với những gì mình đang được nghe. Trước khi tới Úc cậu nghĩ rằng mình sẽ có một kỳ nghỉ thật tuyệt. Bạn của cha mình sẽ chăm sóc đặc biệt cho cậu như một người khách quý. Cậu sẽ thoải mái hưởng thụ sự chăm bẵm như cha mẹ dành cho cậu khi còn ở Trung Quốc.
Tiểu Minh chưa kịp tiếp tục dòng suy nghĩ miên man của mình thì Mary đã tiếp lời: “Cháu đã 13 tuổi rồi, về cơ bản cháu đã có thể tự chăm sóc cho mình. Cho nên bắt đầu từ ngày mai, cháu phải tự dậy đúng giờ. Cô không phụ trách việc gọi cháu dậy. Sau khi ngủ dậy cháu phải tự làm đồ ăn sáng. Bởi vì cô còn phải đi làm, cô không thể làm đồ ăn sáng giúp cháu được. Sau khi ăn xong cháu hãy rửa bát, đĩa sạch sẽ. Bởi vì cô không có trách nhiệm rửa bát đĩa giúp cháu. Đó không phải là trách nhiệm của cô”.
Mắt cậu bé long lanh ươn ướt, vừa hốt hoảng vừa có chút tủi thân. “Không hiểu cô ấy có phải là bạn của cha mình thực không nhỉ? Mình đã quen ngủ đã mắt. Có khi mẹ gọi lên gọi xuống, rồi dỗ dành đủ kiểu mà mình vẫn kéo chăn ngủ tiếp. Đến sát giờ đi học mới mắt nhắm mắt mở nhét vội đồ ăn sáng đã nằm ngay ngắn trên bàn vào bụng, rồi mới vội vội vàng vàng đi học. Có vẻ như ở đây mình không còn đặc quyền ý nữa rồi. Huhu… Mẹ ơi, con muốn về nhà!”
Nhưng cậu bé lại không dám phản kháng, hay nhõng nhẽo như khi ở nhà với ba mẹ. Cậu im lặng lắng nghe, thi thoảng lí nhí: “Vâng ạ, cháu biết rồi ạ!”
Mary đưa mắt ra phía xa, chỉ tay ra một căn phòng nhỏ, nói tiếp: “Phòng giặt đồ nằm ở kia, quần áo của cháu thì cháu phải tự giặt”.
“Hả? Chuyện gì nữa thế này? Từ bé đến giờ quần áo thay ra mình để ngay trong phòng, cũng chẳng buồn để tâm. Sáng nào mẹ chẳng vào giúp mình gấp chăn màn và thu dọn đồ đạc, quần áo trong phòng. Tưởng ra nước ngoài đi đây đi đó thế nào chứ, ai dè đến đây để làm việc nhà thế này. Sớm biết vậy thì ở nhà với cha mẹ thích hơn. Hic hic…”
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng ở đó, điều đáng ngạc nhiên hơn vẫn ở phía sau. Mary lấy từ ngăn kéo dưới gầm bàn ra một tấm bản đồ nhằng nhịt. Cô đẩy ra trước mặt Tiểu Minh, mỉm cười nói: “Ngoài ra, ở đây còn có một tấm bản đồ và thời gian biểu của xe buýt công cộng. Cháu tự xem mình muốn đi đâu chơi. Nếu có thời gian thì cô sẽ dẫn cháu đi. Nhưng nếu cô không rảnh thì cháu phải tự xem kỹ lịch trình và tuyến đường của mình rồi cháu tự đi chơi cũng được. Tóm lại là cháu phải cố gắng tự mình giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của mình. Bởi vì cô cũng có việc phải làm. Hy vọng rằng sự có mặt của cháu sẽ không mang tới sự phiền phức cho cô”.
Tiểu Minh ngơ ngác, trông rất tội nghiệp. “Huhu, Mình vẫn còn là một đứa trẻ mà. Tấm bản đồ nhằng nhịt thế này thì biết làm thế nào? Đường xá thì không quen, lỡ đi lạc thì không còn ngày về với ba mẹ nữa. Mình muốn gọi điện cho cha đón mình về quá đi mất”.
Cậu bé 13 tuổi chớp chớp mắt nhìn Mary chẳng biết phải nói gì. Chưa dừng lại ở đây Mary vẫn tiếp tục: “Cháu đừng gọi ta bằng dì. Cháu gọi ta là Mary là được rồi. Chúng ta đều bình đẳng với nhau, được chứ?”
Đột nhiên những lời này của Mary lại khiến Tiểu Minh thoáng rùng mình một cái. “Từ trước đến giờ chưa bao giờ cha mẹ coi mình như người lớn cả. Trong mắt cha mẹ mình chỉ là một đứa trẻ ham chơi, điều gì cũng phải để mắt và chăm nom cho mình cha mẹ mới yên lòng. Cô ấy đã nói vậy thì mình thử xem sao nhỉ? Cũng chỉ có một tháng thôi mà. Chẳng lẽ mình cứ mãi làm một cậu bé như khi còn ở với cha mẹ hay sao? Thử thì thử sợ gì chứ?”
Đột nhiên Tiểu Minh thấy mình cũng giống một cậu thanh niên rắn rỏi đã trưởng thành. Một cảm giác thật lạ lẫm, trước nay chưa hề thoáng qua trong đầu cậu bé.
Chúng ta, hãy cho trẻ cảm thấy mình là người lớn,
và chúng có khả năng tự chăm sóc bản thân và lựa chọn của trẻ.
Cuối cùng khi Mary hỏi Tiểu Minh có hiểu những điều cô ấy vừa nói không, cậu bé trả lời: “Cháu hiểu rồi ạ”
“Đúng rồi, cô ấy nói không sai chút nào. Cô ấy không nợ gì cha, lại càng không nợ gì mình cả. Mình đã 13 tuổi rồi, đã là một cậu bé lớn rồi, đã có thể làm được rất nhiều việc, gồm cả việc giải quyết đồ ăn sáng và tự mình đi ra ngoài, hay đến những nơi mình thích”.
Mary nhìn Tiểu Minh mỉm cười và chỉ cho cậu căn phòng nhỏ của mình. Tiểu Minh kéo va ly vào trong phòng, khép cửa lại. Cậu hít một hơi thật dài, căng phồng lồng ngực nhỏ bé của mình. Cậu thầm nghĩ: “Thế là cuộc đời mình từ nay sẽ sang một trang khác. Mình phải tự lập rồi. Mình ơi cố lên, mình làm được mà”.
Một tháng sau, Tiểu Minh trở về nước. Cha mẹ cậu kinh ngạc phát hiện ra con mình như thể đã lột xác
Mẹ cậu ngỡ ngàng khi thấy cậu dậy khá sớm, đánh răng rửa mặt gọn gàng và ra ngoài tự mua đồ ăn sáng cho mình rồi đi học. Cô liếc vào phòng thì thấy giường chiếu, chăn màn đã gấp gọn gàng đâu ra đấy. Cô không còn phải chạy quanh bốn góc nhà nhặt đồ đi giặt cho con trai mình nữa.
Cha mẹ cậu còn giật mình khi phát hiện ra Tiểu Minh đã có thể quản lý mọi việc của mình rất chu toàn. Sau khi ăn cơm xong, cậu mau mắn dọn rửa bát đũa và úp ngay ngắn lên giá.
Ông Trương và vợ còn được một phen mắt tròn mắt dẹt khi lần đầu tiên thấy cậu quý tử nhà mình tự tay cầm chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Cậu cũng nhanh nhẹn thu gom quần áo của mình và ba mẹ cho vào trong máy giặt. Sau khi đèn báo kêu tít tít, cậu chạy lại lấy quần áo ra sân phơi. “Ai da, thằng bé còn biết sử dụng máy giặt khi nào nữa vậy nhỉ?”, ông Trương thầm nghĩ. Mẹ cậu còn kinh ngạc hơn khi Tiểu Minh không còn mò mẫm đêm hôm với chiếc điện thoại di động như mọi khi, mà đã biết đi ngủ đúng giờ. Cậu cũng trở nên lịch sự hơn với mọi người xung quanh…
Cha mẹ Tiểu Minh phục Mary sát đất, cứ tấm tắc khen cô với mọi người xung quanh. Ông Trương hào hứng gọi điện cho Mary và hỏi cô ấy rằng: “Cậu có phép thuật gì vậy? Chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi mà Tiểu Minh đã có thể trưởng thành và hiểu chuyện như vậy?”
Nhưng kỳ lạ là Mary lại trả lời rất điềm nhiên: “Ở đất nước mình những đứa trẻ tầm tuổi Tiểu Minh đều biết tự chăm lo cho bản thân và không cần người lớn phải thường xuyên bận tâm tới chúng”.
Nuông chiều không phải là yêu con thực sự
Có những ông bố bà mẹ quá nuông chiều con cái mình, chỉ cần cha mẹ có thứ gì thì tình nguyện dâng hết cho con cái. Ngay cả khi không có điều kiện cũng vẫn muốn dành cho con tất cả những thứ tốt nhất trên đời. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn tiếc rằng không thể chuẩn bị chu đáo cho cả đời sau của chúng. Hầu hết những ông bố bà mẹ như vậy đều đánh giá thấp khả năng tự chăm sóc bản thân và lựa chọn của trẻ.
Kỳ thực, rất nhiều bậc cha mẹ không coi con mình là người, mà coi chúng như một loài thú cưng như cún con hay mèo con vậy. Họ đối xử với con mình cũng như với thú cưng. Họ chọn những gì tốt nhất cho chúng: Ăn gì, ở đâu, dùng thứ gì, sống thế nào. Tất cả mọi thứ đều phải được sắp xếp chu đáo thì cha mẹ mới có thể yên lòng.
Trên thực tế điều cha mẹ nên làm chỉ đơn giản là nói với con mình rằng chúng nên làm một người như thế nào
Điều này rất cần thiết. Bởi vì trẻ nhỏ thực sự cũng là con người. Chúng không phải là cún con hay mèo con chỉ cần nuông chiều là đủ.
Hy vọng rằng, các bậc cha mẹ sẽ học được cách sống cho bản thân mình, cho những người thân và cho xã hội. Các bậc cha mẹ không nên chỉ biết sống vì con cái, lấy con cái làm trung tâm, coi chúng là ý nghĩa và mục đích sống duy nhất của đời mình.
Con cái cũng có tương lai và con đường đời của riêng chúng. Trước sau gì thì bạn cũng phải buông tay để chúng tự bước đi trên đôi chân của chính mình. Có khi tương lai mà chúng tự lựa chọn cho mình còn tốt hơn điều cha mẹ sắp đặt sẵn cho chúng.
Là cha mẹ phải học được cách buông tay, để trẻ có thể hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của chính mình. Chúng sẽ trưởng thành trong quá trình thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ ấy. Chúng không cần các bậc cha mẹ phải bao trọn cuộc sống cho mình và trở thành những đứa trẻ có “năng lực sống kém cỏi”.
Minh Nguyệt